ATGT đường thủy nội địa: Báo động phương tiện “3 không”!

(Baohatinh.vn) - Vụ sà lan chở cát đâm sập cầu Cơn Độ bắc qua kênh nhà Lê (TX Hồng Lĩnh) vào ngày 12/3 vừa qua thực sự gióng lên hồi chuông cảnh báo về ATGT đường thủy nội địa. Sự cố này cũng đã “phơi bày” thực trạng “3 không” (không đăng ký, không đăng kiểm và không bằng lái) đối với hầu hết các phương tiện thủy nội địa của tỉnh hiện nay…

Theo thống kê của ngành chức năng, trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có 312 phương tiện thủy nội địa, gồm các loại thuyền vỏ gỗ, xi măng và sà lan vỏ sắt, có thiết kế chở từ 12 người trở lên đối với phương tiện chở khách và 30 tấn trở lên đối với phương tiện vận tải. Trong đó, có 142 phương tiện không đăng ký, 153 phương tiện không đăng kiểm và 133 không có chứng chỉ chuyên môn, bằng lái thuyền hạng 3. Riêng sà lan và thuyền xi măng loại 30 tấn trở lên dùng để vận tải (hút và vận chuyển cát) có 109 phương tiện chưa được đăng ký, đăng kiểm và người điều khiển không có bằng lái.

Hầu hết các sà lan khai thác và vận chuyển cát trên địa bàn toàn tỉnh đều không có đăng ký, đăng kiểm và người điều khiển phương tiện cũng không có giấy phép lái thuyền.

Hầu hết các sà lan khai thác và vận chuyển cát trên địa bàn toàn tỉnh đều không có đăng ký, đăng kiểm và người điều khiển phương tiện cũng không có giấy phép lái thuyền.

Ông Nguyễn Việt Thắng - Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết: Thực hiện Văn bản số 2484/UBND, ngày 29/5/2015 của UBND tỉnh về việc triển khai công tác đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa, Sở GTVT đã có Công văn số 1865/SGTVT yêu cầu các địa phương thống kê số phương tiện phải lập hồ sơ thiết kế; phối hợp với Công ty Tư vấn thiết kế tàu thuyền, Công ty TNHH MTV Đăng kiểm phương tiện GTVT Hà Tĩnh, Chi cục Đăng kiểm 3 (Nghệ An) đến tận địa bàn có phương tiện hoạt động hướng dẫn các hộ có phương tiện thuộc diện phải đăng ký, đăng kiểm đo vẽ, lập hồ sơ thiết kế và giám sát thiết kế; lập danh sách các trường hợp chưa có chứng chỉ chuyên môn lái thuyền, quán triệt chủ phương tiện cử người tham gia lớp học cấp bằng thuyền trưởng hạng 3 trở lên để đủ điều kiện điều khiển các phương tiện chở khách từ 15 chỗ ngồi trở lên và chở hàng hóa trên 15 tấn, giao UBND các huyện, thị xã, thành phố lập danh sách, liên hệ với Trường Cao đẳng nghề Việt Đức Nghệ An để bố trí lịch đào tạo...

Sau khi có công văn chỉ đạo, ngày 13/11/2015, Sở GTVT đã chủ trì phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế là Công ty TNHH MTV Công trình thủy bộ Xuân Phú (Nghệ An), Công ty TNHH MTV Đăng kiểm phương tiện GTVT Hà Tĩnh cùng chính quyền địa phương xuống tận địa bàn để tiến hành đo vẽ và hoàn thành hồ sơ thiết kế đối với các phương tiện. Đoàn chia làm 2 cụm, trong đó, cụm phía Bắc (từ Can Lộc trở ra) có tổng cộng 61 phương tiện (chủ yếu là sà lan vỏ sắt) thuộc diện phải đăng ký, đăng kiểm, nhưng chỉ có 23 chủ phương tiện phối hợp thực hiện đo vẽ nhằm hoàn thành hồ sơ thiết kế để đăng kiểm, đăng ký (Đức Thọ 11/22 chiếc, Can Lộc 9/21 chiếc, Lộc Hà 3/5 chiếc); còn lại các huyện có phương tiện nhưng chủ phương tiện không thực hiện việc đo vẽ, lập hồ sơ thiết kế (Hương Sơn, Nghi Xuân mỗi huyện 3 chiếc và TX Hồng Lĩnh 9 chiếc). Cụm phía Nam (từ Thạch Hà trở vào) có tổng cộng 48 phương tiện nhưng khi đoàn xuống để phối hợp đo vẽ thiết kế thì không chủ phương tiện nào chịu hợp tác. Hiện tại, cả 48 phương tiện tại cụm phía Nam, chủ yếu là Cẩm Xuyên, đều chưa có hồ sơ thiết kế.

Trở lại câu chuyện tại cụm phía Bắc, mặc dù chỉ có 23/61 phương tiện đã hoàn thành hồ sơ thiết kế từ tháng 11/2015, nhưng đến nay, các chủ phương tiện vẫn chưa đến Sở GTVT hoàn tất thủ tục đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Theo anh Phạm Văn Khánh - chủ 3 chiếc sà lan ở thị trấn Đức Thọ: “Thực hiện thông báo của huyện và Sở GTVT, tôi đã phối hợp với các đơn vị chuyên môn đo vẽ và hoàn thành hồ sơ thiết kế cho 3 chiếc sà lan của gia đình. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa đăng ký, đăng kiểm được do chúng tôi không biết phải nộp thuế trước bạ cho 3 chiếc sà lan này như thế nào”.

Qua tìm hiểu được biết, không chỉ gia đình anh Phạm Văn Khánh mà hầu hết các chủ phương tiện thủy trên địa bàn huyện Đức Thọ nói riêng và cả tỉnh nói chung đang lần lữa việc thực hiện thủ tục đăng ký phương tiện để “nghe ngóng” xem mức phí trước bạ, căn cứ đánh giá và áp thuế đối với các loại phương tiện này ra sao; cơ quan chức năng xử lý như thế nào đối với những phương tiện không thực hiện việc đo vẽ lập hồ sơ thiết kế...

Từ thực tế trên, thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, nhất là ngành Thuế sớm có các biểu mẫu quy định rõ ràng và cụ thể đối với từng loại phương tiện thủy nội địa để các chủ phương tiện nắm được số tiền thuế trước bạ cho mỗi chiếc thuyền, sà lan phải nộp là bao nhiêu, từ đó, có kế hoạch cũng như cân đối nguồn kinh phí để hoàn thiện thủ tục đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Đối với những trường hợp chủ thuyền không chịu phối hợp với các đơn vị chuyên môn thì phải có biện pháp xử lý triệt để và mạnh tay, tránh tình trạng mất công bằng khi người thực hiện, người không nhưng các phương tiện vẫn hoạt động như nhau.

(Còn nữa)

Chủ đề Tai nạn giao thông

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast