Cần một vài năm mới giải quyết dứt điểm xe không chính chủ

Theo Thông tư số 11/2013/TT-BCA của Bộ Công an, từ ngày 15/4 sẽ xử phạt vi phạm đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện, người sở hữu phương tiện không thực hiện sang tên đổi chủ sau 1 tháng mua bán. Phóng viên Báo Hà Tĩnh đã có cuộc trao đổi với Thượng tá Võ Trọng Hùng - Trưởng phòng Cảnh sát giao thông (CSGT) đường bộ - đường sắt - Công an tỉnh về vấn đề này.

- Xin Thượng tá cho biết những nội dung cụ thể sẽ áp dụng để xử phạt xe không chính chủ theo Thông tư 11-2013/BCA của Bộ Công an?

Thượng tá Võ Trọng Hùng
Thượng tá Võ Trọng Hùng

Theo quy định tại Điều 9, khoản 2 của Thông tư 11: Xử phạt hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định nếu thông qua công tác đăng ký, cấp biển số; điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; vi phạm trật tự ATGT; qua phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; các trường hợp phương tiện vi phạm bị tạm giữ theo quy định và qua điều tra các vụ án hình sự, nếu lực lượng công an phát hiện người mua hoặc người bán không làm thủ tục sang tên, di chuyển, thay đổi đăng ký xe (sau đây gọi là mua, bán xe không sang tên) theo quy định tại Thông tư 11-2013/BCA của Bộ Công an quy định về đăng ký xe, thì phải xác minh, xác định rõ hành vi vi phạm: “mua, bán xe không sang tên” và xử phạt trường hợp quá thời gian 30 ngày, kể từ ngày làm giấy tờ mua, bán xe nhưng chưa làm thủ tục sang tên, di chuyển thay đổi đăng ký xe theo quy định sẽ bị phạt 800.000 - 1.200.000 đồng (với mô tô, xe máy) và 6 - 10 triệu đồng (với ô tô).

Việc xử phạt xe không chính chủ chỉ diễn ra qua công tác điều tra, xử lý tai nạn giao thông, vi phạm trật tự ATGT; còn đối với xe đang lưu thông trên đường, lực lượng CSGT không được dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi xe không chính chủ. Theo đó, người điều khiển phương tiện không cần phải chứng minh xe của mình hay là xe đi mượn nếu như không vi phạm trật tự ATGT, hoặc là người dân đến làm thủ tục đăng ký, sang tên đổi chủ chậm so với quy định thì sẽ không bị phạt.

- Đối với những trường hợp xe mua bán qua nhiều đời mà chủ xe cũ không có giấy chuyển nhượng hoặc giấy chuyển nhượng đã quá lâu thì xử lý như thế nào, thưa Thượng tá?

Đối với những trường hợp này sẽ được cấp đăng ký lại mà không cần có các chứng từ chuyển nhượng của bên bán xe (giấy bán, cho, tặng xe); tuy nhiên, người sử dụng phương tiện phải có cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật về xe do mình làm thủ tục đăng ký là xe có nguồn gốc hợp pháp (có xác nhận của công an địa phương nơi chủ xe cuối cùng thường trú). Trong thời hạn 30 ngày, lực lượng công an có nhiệm vụ tra cứu trên toàn quốc để điều tra về nguồn gốc phương tiện đó.

Việc xử phạt xe không chính chủ chỉ diễn ra qua công tác điều tra, xử lý tai nạn giao thông, vi phạm trật tự ATGT; còn đối với xe đang lưu thông trên đường, lực lượng CSGT không được dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi xe không chính chủ
Việc xử phạt xe không chính chủ chỉ diễn ra qua công tác điều tra, xử lý tai nạn giao thông, vi phạm trật tự ATGT; còn đối với xe đang lưu thông trên đường, lực lượng CSGT không được dừng xe để kiểm soát, xử lý hành vi xe không chính chủ

Ngoài ra, cơ quan công an sẽ thông báo cho người chủ xe đăng ký lần đầu trong đăng ký xe biết để nếu có vấn đề (xe bị mất cắp hoặc có vướng mắc nào đó…) thì đến ngay phòng CSGT nơi có chiếc xe đang được làm thủ tục sang tên đổi chủ để kịp thời xử lý. Nếu sau 30 ngày kể từ khi thông báo mà không có bất cứ phản hồi gì thì CSGT sẽ tiến hành làm thủ tục cấp đăng ký mới cho người dân.

- Việc xử lý những cá nhân, tổ chức có phương tiện vi phạm sẽ được thực hiện như thế nào Thượng tá?

Về quy định chủ sở hữu của phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (phương tiện sử dụng để vi phạm) có nghĩa vụ hợp tác với cơ quan chức năng để xác định đối tượng đã điều khiển phương tiện thực hiện hành vi vi phạm. Trong đó, chủ sở hữu phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là chủ xe) là cá nhân, tổ chức đứng tên trong giấy đăng ký xe.

Trường hợp cá nhân, tổ chức đứng tên trong giấy đăng ký xe đã thực hiện giao dịch bán, cho, tặng phương tiện hoặc chuyển quyền thừa kế tài sản là phương tiện cho cá nhân, tổ chức khác thì cá nhân, tổ chức đã mua, được cho, được tặng phương tiện hoặc được thừa kế tài sản là phương tiện được gọi là chủ xe.

Nếu vi phạm thì lực lượng CSGT sẽ tiến hành xử phạt chủ xe (cá nhân hoặc là tổ chức đứng tên trong đăng ký xe hoặc là bên nhận chuyển nhượng mua, cho, tặng, thừa kế) chứ không xử phạt người điều khiển phương tiện.

- Xin cảm ơn Thượng tá!

Trên địa bàn Hà Tĩnh hiện có 425.647 xe mô tô, gắn máy và 22.775 xe ô tô, trong đó có khoảng 30% không chính chủ. Dự kiến, để giải quyết dứt điểm cho những xe chưa sang tên đổi chủ này cần khoảng 1-2 năm. Từ ngày 1/11/2012 đến 15/4/2013, Phòng CSGT, Công an tỉnh đã làm thủ tục sang tên đổi chủ cho 612 xe ô tô, 1.826 xe mô tô.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast