Đến năm 2020, Hà Tĩnh sẽ có 33 tuyến vận tải cố định

(Baohatinh.vn) - Sáng nay (12/5), Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh chủ trì cuộc họp nghe báo cáo quy hoạch mạng lưới vận tải tuyến cố định nội tỉnh đến năm 2020, quy hoạch phát triển vận tải taxi, phương án bố trí điểm dừng, đậu đón trả khách tuyến vận tải cố định trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Theo báo cáo của Sở GTVT, từ nay đến năm 2020, toàn tỉnh sẽ có 33 tuyến vận tải cố định được phân kỳ theo từng giai đoạn. Theo đó, từ nay đến cuối năm 2015 sẽ giữ nguyên 9 tuyến đã có sẵn, giai đoạn 2016-2017 sẽ phát triển thêm 11 tuyến, giai đoạn 2018-2020 sẽ phát triển thêm 12 tuyến.

Để đáp ứng việc phát triển tuyến vận tải cố định đến năm 2020, Sở GTVT cũng đã có quy hoạch số lượng phát triển phương tiện nhằm đáp ứng được nhu cầu của hành khách theo từng giai đoạn đã được phân kỳ. Hiện toàn tỉnh có 39 phương tiện vận tải tuyến cố định nội tỉnh, giai đoạn 2016-2017 dự kiến có 96 phương tiện và giai đoạn 2018-2020 là 195 phương tiện.

Đến năm 2020, Hà Tĩnh sẽ có 33 tuyến vận tải cố định ảnh 1

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh: Việc quy hoạch vận tải hành khách tuyến cố định là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân...

Sở GTVT cũng đã dự thảo quy hoạch phát triển vận tải taxi theo các giai đoạn đã được phân kỳ đến năm 2020. Nếu như trong năm 2015 toàn tỉnh có 491 xe taxi, dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ tăng lên 831 xe và đến năm 2020 sẽ nâng lên 1.225 xe. Theo định hướng phát triển vận tải taxi đến năm 2020 thì mỗi huyện, thị xã, thành phố sẽ có một đơn vị kinh doanh taxi hoặc chi nhánh, và phải có xe taxi hoạt động cố định trên địa bàn.

Đối với các đơn vị kinh doanh taxi được thành lập mới, yêu cầu phải có tối thiểu 10 xe và có đầy đủ các điều kiện kinh doanh, cơ cấu bộ máy theo quy định. Lái xe phải có kinh nghiệm lái xe 2 năm trở lên, có bãi đỗ xe giao ca và văn phòng làm việc diện tích tối thiểu là 300m2.

Đến năm 2020, Hà Tĩnh sẽ có 33 tuyến vận tải cố định ảnh 2

Giám đốc Sở GTVT Lương Phan Kỳ: Các địa phương cần thống nhất các phương án điểm dừng đậu của xe khách gửi về sở để hoàn tất đề án và triển khai thực hiện.

Đối với các điểm dừng đậu xe khách tuyến cố định trên địa bàn, Sở GTVT đã giao các phòng chuyên môn phối hợp với địa phương tổ chức khảo sát, lập phương án để bố trí các điểm dừng đậu, đón trả khách đảm bảo ATGT, thuận tiện cho hành khách lên xuống, không ảnh hưởng đến các phương tiện lưu thông trên đường.

Sau một thời gian dài khảo sát, đoàn đã trình UBND tỉnh phê duyệt toàn bộ 8 tuyến quốc lộ, tỉnh lộ có xe vận tải tuyến cố định hoạt động. Theo đó toàn bộ có 178 điểm dừng, trong đó có 128 điểm dừng sử dụng lề đường, 50 điểm dừng có đất trống được mở rộng ra 2 bên đường.

Kết luận buổi làm việc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Khánh nhấn mạnh: Việc quy hoạch vận tải hành khách tuyến cố định, quy hoạch phát triển taxi và các điểm dừng đậu là hết sức cần thiết nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân.

Tuyến xe buýt Hương Sơn - TP. Vinh hiện có 14 đầu xe hoạt động với tần suất 20 phút/chuyến

Tuyến xe buýt Hương Sơn - TP. Vinh hiện có 14 đầu xe hoạt động với tần suất 20 phút/chuyến

Tuy nhiên, quy hoạch phải gắn với các quy hoạch phát triển các khu đô thị, khu kinh tế nhằm rút ngắn về mặt không gian và thời gian đi lại của hành khách, góp phần đảm bảo ATGT và quản lý chặt chẽ các loại hình vận tải hành khách.

Đối với việc quy hoạch vận tải taxi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu nghiên cứu và tính toán thật kỹ tốc độ phát triển và nhu cầu thực tế để quy hoạch số lượng doanh nghiệp kinh doanh và số xe taxi phù hợp.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các địa phương, nhất là TP. Hà Tĩnh cần khẩn trương có quy hoạch và quỹ đất cho các bến xe buýt, xe taxi trên địa bàn, tránh tình trạng lấn chiếm lòng lề đường, cây xăng để làm bến xe buýt, điểm tập kết, giao ca xe taxi, gây mất ATGT và mỹ quan đô thị.

Chủ đề Tai nạn giao thông

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast