Hành trình mật phục bắt đoàn xe quá tải

(Baohatinh.vn) - 2h sáng. Đang ngon giấc bỗng chuông điện thoại đổ dồn. Trạm trưởng Trạm Kiểm soát tải trọng xe số 12 - Nguyễn Trần Toản thông báo, đơn vị vừa mật phục bắt đoàn 10 xe quá tải. Tôi bật dậy, nhanh chóng chuẩn bị một số phương tiên tác nghiệp cần thiết rồi tức tốc lên đường...

>> Phạt 334 triệu đồng với đoàn xe quá tải "lọt" trạm cân 5 tỉnh

Lực lượng chức năng lập biên bản các chủ xe và lái xe vi phạm chở quá tải trọng

Lực lượng chức năng lập biên bản các chủ xe và lái xe vi phạm chở quá tải trọng

Ngược hành trình của đoàn xe này thì thấy, từ sáng 22/10, các lái xe đã cho xe đậu vào các quán ăn bên đường khu vực phía Nam cầu Rác (Kỳ Phong - huyện Kỳ Anh).

Sau một thời gian dài bám trụ theo dõi, đến khuya 23/10, thấy đoàn xe này khá chuyên nghiệp và "chịu nhiệt" tốt, Trạm trưởng Nguyễn Trần Toản đã hội ý CBNV và thống nhất phương án nghi binh bằng việc rút về mai phục ở thị trấn Cẩm Xuyên (cách đó 10km) và chỉ để lại 1 cán bộ thanh tra trực bảo vệ tài sản.

Đồng thời với đó là tăng cường thêm một tổ gồm 8 CBNV nữa phối hợp với tổ trực ca hôm đó thành tổng cộng là 16 người (thanh tra giao thông, CSGT, CSCĐ, bộ đội) và chia ra nhiều tốp đón lõng trên đường vào thị trấn Cẩm Xuyên nhằm tóm gọn đoàn xe nghi vấn quá tải này.

Quả đúng như dự đoán, đến khoảng 2h sáng ngày 23/10, đoàn xe này đã lần lượt vượt Trạm tại phía Bắc Cầu Rác. Khi cả đoàn xe đang ung dung tiến ra Bắc được vài chục phút thì lái xe không ngờ rằng phía trước chừng 10km các tổ làm nhiệm vụ đã chờ bắt.

Qua kiểm tra, có 9/10 xe chở hàng quá tải trọng trên 50-100% tải trọng cầu đường cho phép, 1 xe chở quá tải trọng trên 20-50%. Điều đáng nói là tất cả 10 xe này đều thuộc Doanh nghiệp vận tải Đào Vũ (địa chỉ tại TP Quy Nhơn - Bình Định). Được biết, đây là một doanh nghiệp vận tải lớn nhất của tỉnh Bình Định và thường xuyên vi phạm chở quá tải trọng cầu đường cho phép, riêng Trạm KSTTX lưu động số 12 Hà Tĩnh đã không dưới 5 lần bắt và xử lý quá tải đối với doanh nghiệp này.

Lái xe Phan Minh Sơn (điểu khiển xe BKS 77- 9960), chở quá tải 64% so với quy định cho biết: anh lái xe cho Doanh nghiệp vận tải Đào Vũ chở kính từ Công ty CP Kính nổi Chu Lai, thuộc Khu Công nghiệp Chu Lai (Quảng Nam) ra Hà Nội tiêu thụ, còn việc chở quá tải thì cả lái xe và chủ xe đều biết.

Cũng theo lái xe Phan Minh Sơn, nếu chở đủ tải thì mỗi chuyến hàng như vậy sẽ không đủ chi phí, buộc chủ xe và lái xe phải vi phạm; nếu trót lọt, mỗi chuyến như vậy lái xe sẽ được cộng thêm 2,5-3 triệu đồng.

Khi được hỏi tại sao chở quá tải trọng như vậy mà vẫn "lọt" trạm cân 5 tỉnh, chỉ khi ra đến Hà Tĩnh mới bị bắt giữ, lái xe Sơn cho biết: Trong các Trạm cân KSTTX trên toàn tuyến QL 1A thì chỉ có Hà Tĩnh là làm "căng" nhất, khi nào cũng 24/24h và 7 ngày trong tuần. Ở các tỉnh khác thì những lúc giao ca, những lúc nghỉ ăn cơm và từ 12h đêm đến sáng hôm sau CBNV đều nghỉ nên lái xe thường chọn những thời điểm đó để "vượt" trạm.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, mỗi chuyến hàng từ Quảng Nam ra đến Hà Nội, nếu chở đúng trọng tải thì lái xe chỉ nhận được từ 2-2,2 triệu đồng tiền công, chở quá tải thì ít nhất cũng kiếm được gần 5 triệu đồng. Theo lái xe Sơn, nếu chạy bình thường thì mỗi chuyến mất khoảng 3 ngày là có thể giao hàng. Tuy nhiên, vì xe chở quá tải nên phải căn giờ, dừng xe chờ đợi nhằm “lách” trạm cân các tỉnh, do đó hành trình bị chậm lại nhiều ngày hơn.

Cũng theo các tài xế trong đoàn xe vừa bị bắt, để "lọt" được trạm cân, họ còn cần “cò” dẫn đi vào các đường tránh. Nếu không thì cũng phải cho xe chạy lúc đêm khuya hoặc chừng khoảng 2-4 giờ sáng.

Khi được hỏi về nguyên do chở quá tải và số tiền nộp phạt, các tài xế cho biết, doanh nghiệp yêu cầu chở vượt tải, nếu bị phạt thì doanh nghiệp sẽ chịu toàn bộ chi phí, lái xe chỉ bị phạt lỗi phụ là "treo" GPLX 2 tháng nếu chở quá tải trên 20%...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast