Nỗi lo từ xe đạp điện (Bài 1): Như... nấm sau mưa!

(Baohatinh.vn) - Với giá thành hợp lý, kiểu dáng thời trang, xe đạp điện (XĐĐ) đang là “mode” thịnh hành trong giới trẻ, nhất là lứa tuổi học sinh (HS) THPT... Tuy nhiên, những bất cập giữa việc phát triển nhanh của phương tiện và câu chuyện quản lý, giáo dục khiến XĐĐ đang là nỗi lo về mất ATGT.

Vô vàn lý do... mua xe

Không cần giấy phép lái xe, hay quy định tuổi được phép điều khiển và một số quy định khác, thời gian gần đây, XĐĐ trở thành phương tiện giao thông “mơ ước” của đông đảo HS, nhất là lứa tuổi THPT ở các vùng đô thị. Trên các tuyến phố chính của TP Hà Tĩnh, trong tấp nập ngược xuôi của các phương tiện tham gia giao thông, không khó nhận ra số XĐĐ chiếm một phần tương đối lớn. Đặc biệt, vào các giờ tan trường, hình ảnh những HS “vi vu” trên XĐĐ với tà áo dài thướt tha hay bộ đồng phục của trường trông thật duyên dáng, bắt mắt. Đó cũng là lý do để các em đua nhau sắm XĐĐ.

Cửa hàng xe đạp điện "mọc" lên như nấm sau mưa
Cửa hàng xe đạp điện "mọc" lên như nấm sau mưa

Tính từ tháng 4/2013 đến nay, cửa hàng bán XĐĐ Mai Hương (SN 21, đường Phan Đình Phùng, TP Hà Tĩnh) đã bán gần 1.200 chiếc. Chỉ tính riêng Trường THPT Phan Đình Phùng, đến thời điểm này đã có đến 419 em thường xuyên sử dụng XĐĐ đến trường.

Có nhiều lý do để các bậc phụ huynh sắm XĐĐ cho con em mình. Thương con vất vả vì quãng đường đến lớp tương đối xa; phần thưởng cho thành tích học tập; muốn con rèn luyện tính tự lập hay đơn giản chỉ vì “nhà có điều kiện”... Chị Nga (xã Thạch Đồng, TP Hà Tĩnh) cho biết: Nhà cách trường 3-4 km, suốt năm lớp 10, anh chị thay nhau đưa đón con đến lớp. Lên lớp 11, con gái chị không cho bố mẹ đưa đón nữa vì bị chế giễu là “tiểu thư”, không có không gian để chơi cùng bạn bè. Thế là phải mua một chiếc XĐĐ để cháu sớm tự lập và bố mẹ cũng đỡ vất vả”.

Không như chị Nga, anh H. (phường Hà Huy Tập) thì lại mua xe cho con vì “đã hứa”. Trước kỳ thi chuyển cấp, ông bà, bố mẹ đặt phần thưởng nếu Mạnh thi đỗ cấp 3 sẽ là một chiếc XĐĐ “hot” nhất. Vì thế, ngay từ khi biết mình thi đỗ, Mạnh quay quắt đòi có xe cho bằng bạn bằng bè dù nhà chỉ cách trường mấy trăm mét. “Khốn nỗi, từ khi có xe, ngoài giờ học, nó đi chơi suốt. Vợ chồng tôi buôn bán đầu tắt mặt tối, không nhiều thời gian để quản lý con nên cũng lo lắm” - anh H. ngán ngẩm.

Tiềm ẩn nguy cơ

Nhiều lý do để các bậc phụ huynh mua XĐĐ làm phương tiện đi lại cho con nhưng họ lại “quên” trang bị cho con những kiến thức pháp luật cơ bản khi tham gia giao thông, vì thế, nguy cơ mất ATGT đối với phương tiện XĐĐ luôn tiềm ẩn. Có mặt trước cổng Trường THPT Phan Đình Phùng vào giờ tan học, tình trạng HS điều khiển XĐĐ vi phạm các quy định pháp luật về giao thông khá phổ biến. Nhốn nháo thoát ra khỏi cổng trường, từng chiếc xe “không đèn, không chuông” thi nhau lao vun vút. Nhiều em không đội mũ bảo hiểm hay có thì không cài quai, chỉ “gá” vào một cách hờ hững.

“Cơn lốc” xe đạp điện trước cổng Trường THPT Phan Đình Phùng.
“Cơn lốc” xe đạp điện trước cổng Trường THPT Phan Đình Phùng.

Lạng lách, quay ngược, quay xuôi không theo một trật tự nào. Thậm chí tụm năm, tụm ba, dàn hàng ngang, bá vai nhau cùng dong xe giữa phố. Đường đông, nhiều người điều khiển xe máy, ô tô đến đoạn đường này phải nhẫn nại chờ cho “cơn lốc xe đạp điện” đi qua. Cường - tài xế taxi Mai Linh cho biết: “Trước tết, vì có khách gọi nên tôi cố đi qua cổng Trường THPT Phan Đình Phùng vào giờ tan học. Dù đã bật tín hiệu cảnh báo, cố nhích từng chút một nhưng bỗng nhiên có em điều khiển XĐĐ lao đến đâm sầm vào. Cũng may, người không bị thương. Riêng tôi phải đưa xe đi sửa hết mấy triệu đồng, tiếc đứt ruột mà biết bắt đền ai bây giờ”.

Điều dễ nhận thấy là người điều khiển XĐĐ tham gia giao thông chủ yếu là lớp trẻ, thích thể hiện và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông rất thấp. Tình trạng rẽ ngang, đi tắt, đi sai phần đường thường xuyên diễn ra. Đặc biệt, nhiều người điều khiển XĐĐ tham gia giao thông theo “cảm tính”. Em Trần Hữu Nghĩa (phường Thạch Quý) hồn nhiên: “Cứ vặn (điều khiển tay ga) mạnh là đi nhanh, bên phải là đúng đường. Đơn giản thế thôi”.

Điều dễ nhận thấy là người điều khiển XĐĐ tham gia giao thông chủ yếu là lớp trẻ, thích thể hiện và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông rất thấp.
Điều dễ nhận thấy là người điều khiển XĐĐ tham gia giao thông chủ yếu là lớp trẻ, thích thể hiện và ý thức chấp hành pháp luật về giao thông rất thấp.

Bên cạnh đó, do cấu tạo không dùng động cơ xăng nên XĐĐ không gây tiếng ồn trong khi còi bé, tín hiệu chuyển hướng (xi nhan) mờ nhạt nên người đi đường nhiều lúc không khỏi giật mình khi bất chợt gặp những chiếc XĐĐ “từ trên trời rơi xuống”.

Chưa có con số thống kê chính thức về những vụ tai nạn giao thông nhưng chắc chắn những vụ va quệt do lỗi của người điều khiển XĐĐ là không nhỏ. Và, tình trạng phát triển “như nấm sau mưa” của XĐĐ hiện nay với những lỗ hổng trong công tác quản lý, giáo dục pháp luật, nguy cơ mất ATGT của phương tiện XĐĐ đã đến hồi báo động.

(Còn nữa...)

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast