QL 1A đoạn qua Hà Tĩnh: Xe quá tải giảm

(Baohatinh.vn) - Hà Tĩnh bắt đầu “tuyên chiến” với xe chở hàng quá tải bằng việc lập trạm kiểm tra tải trọng xe (trạm lưu động) vào ngày 3/3/2014, trong khi hầu hết các tỉnh, thành cả nước nhập cuộc vào đầu tháng 4/2014. Nói như thế để thấy, Hà Tĩnh là địa phương nhập cuộc sớm và quyết tâm xử lý xe quá tải.

Xe quá tải giảm hẳn

Theo số liệu thống kê của trạm, từ ngày 3/3 - 10/6/2014, trong tổng số 2.104 xe vào kiểm tra tải trọng, có 384 xe quá tải bị xử lý với tổng số tiền phạt trên 3,5 tỷ đồng. “Điều đáng mừng là tỷ lệ xe chở hàng quá tải đã giảm hẳn so với những tháng đầu, đặc biệt là từ ngày 8/4, khi thực hiện sự chỉ đạo của Chính phủ, trạm đã tổ chức các tổ duy trì làm việc 24/24h và 7 ngày/tuần”, ông Nguyễn Trần Toản - Trạm trưởng Trạm Kiểm soát tải trọng xe cho biết.

Trạm kiểm soát tải trọng xe thực hiện nhiệm vụ 24h/ngày và 7 ngày/tuần.

Trạm kiểm soát tải trọng xe thực hiện nhiệm vụ 24h/ngày và 7 ngày/tuần.

Cụ thể, trong tháng 5/2014, trạm đã kiểm tra 1.083 xe, phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính 143 xe, chiếm 13%... “Không chỉ tỷ lệ xe chở quá tải giảm mà tỷ lệ hàng vượt tải/xe cũng giảm nhiều”, một cán bộ Trạm Kiểm soát tải trọng xe nói.

Để tìm hiểu về vấn đề này, chúng tôi đã gặp một số doanh nghiệp (DN) vận tải lớn trên địa bàn tỉnh và được biết, việc thực hiện chở đúng tải trọng xe thời gian qua đang được các DN hết sức quan tâm... “Hà Tĩnh thực hiện nghiêm, quyết liệt trong kiểm tra tải trọng xe, qua đó, buộc các chủ phương tiện phải nhắc nhở lái xe chở hàng đúng tải trọng. Chúng tôi đã không nghĩ đến việc tìm cách chở vượt tải trọng mà đang hướng đến quản lý tốt…”, chủ DN Hoành Sơn - một trong những đơn vị vận tải lớn trên địa bàn cho biết.

Bỏ qua những bất cập, lúng túng ban đầu, từ vài tháng nay, được sự chỉ đạo của tỉnh, lực lượng chức năng thực thi nhiệm vụ tại Trạm Kiểm soát tải trọng xe đã có nhiều giải pháp tích cực để ngăn chặn xe quá tải. Cụ thể, trước tình trạng lái xe bất hợp tác, cho xe nằm tại các cây xăng, quán ăn 2 đầu trạm cân để chờ cơ hội vượt chốt hoặc tìm đường khác, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chức năng và chính quyền các địa phương xử lý nghiêm. Chỉ trong tháng 5/2014, lực lượng trạm phối hợp với Công an huyện Can Lộc kiểm tra các xe đi vào các tuyến đường huyện, đường GTNT để né tránh trạm cân, qua đó phát hiện và lập biên bản vi phạm hành chính 9 trường hợp, xử phạt đối với lái xe và chủ phương tiện 108 triệu đồng.

Không chỉ QL 1A, một số tuyến đường khác trong tỉnh cũng được trạm phối hợp với Phòng CSGT - Công an tỉnh tổ chức kiểm tra bằng cân xách tay để xử phạt phương tiện chở hàng quá tải. Trong 4 ngày kiểm tra trên tuyến QL 12C bằng cân xách tay, lực lượng này đã kiểm tra 14 xe, lập biên bản 14 trường hợp và xử phạt gần 142 triệu đồng.

Để “mục sở thị” về lĩnh vực này, chúng tôi đã dành khá nhiều thời gian theo bám, kết quả cho thấy, trước sự nghiêm khắc, quyết liệt của lực lượng làm công tác kiểm tra tải trọng xe lưu động, đến nay, xe quá tải đã giảm hẳn, có chăng chỉ còn một số xe hoạt động lén lút nội vùng, không lưu hành xuyên tuyến.

Nâng cao hiệu quả kiểm tra, kiểm soát

Mặc dù đã có nhiều cố gắng, nhưng thời gian qua, “cuộc chiến” đối với xe vượt tải trọng trên địa bàn tỉnh nói chung, trên tuyến QL 1A nói riêng vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập, làm ảnh hưởng đến kết quả thực hiện.

Điểm dễ thấy nhất mà ở tỉnh, thành nào trên cả nước cũng đều lúng túng, chưa giải quyết được là mỗi địa phương chỉ có một trạm kiểm tra tải trọng xe lưu động. “Vì được một trạm nên ở Hà Tĩnh, nếu đặt tại Hồng Lĩnh (phía Bắc) thì xe quá tải lại hoạt động ở phía Nam và ngược lại. Do đoạn QL 1A phía Bắc Hà Tĩnh vừa được nâng cấp, mở rộng nên chúng tôi vẫn ưu tiên dành phần lớn thời gian để kiểm tra tải trọng trên đoạn đường này, hạn chế được hầu hết xe quá tải ở đây. Việc một số người cho rằng, đoạn đường này bị hỏng do xe quá tải là không có cơ sở, đổ vấy trách nhiệm. Tuy nhiên, cái khó sẽ gấp đôi sau khi đoạn QL 1A phía Nam được đưa vào sử dụng mà chỉ vẫn một trạm cân…”, một cán bộ Trạm Kiểm tra tải trọng xe lưu động thẳng thắn. Vì thế, việc có 2 trạm cân ở 2 đầu là cần thiết, dù biết rằng việc bổ sung người, phương tiện… không hề đơn giản (hiện một trạm mà vẫn thiếu người, phương tiện) nhưng việc giữ đường chắc quan trọng hơn!

Bố trí kinh phí để mỗi huyện, thị, thành phố trong tỉnh có ít nhất một cân xách tay là cần thiết (hiện chỉ huyện Cẩm Xuyên có loại cân này). Tiến hành kiểm tra tải trọng đồng bộ trên các cấp đường chắc chắn sẽ nâng cao hiệu quả việc kiểm tra tải trọng xe trên địa bàn.

Một số tuyến chưa có vị trí đặt cân riêng như QL 12C, 15A, đường Hồ Chí Minh có thể gây mất an toàn khi kiểm tra tải trọng xe, do đường hẹp rất cần khảo sát, bố trí mặt bằng đặt cân. Đi cùng với đó là sớm triển khai xây dựng bệ cân và bãi hạ tải, đặc biệt là bệ cân tại bến xe Hồng Lĩnh.

Để thực hiện việc kiểm tra tải trọng xe theo tinh thần của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, thời gian tới, trạm tiếp tục bố trí 2 tổ/ca. Theo đó, một tổ làm việc tại trạm, một tổ sử dụng xe CSGT và xe Thanh tra Sở phối hợp với công an địa phương tuần lưu phát hiện những xe chở hàng quá tải có dấu hiệu né tránh trạm cân…; thống nhất với các tỉnh liền kề để luân phiên kiểm tra tải trọng theo từng hướng và chỉ kiểm tra những xe có tải trọng lớn…

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast