Sang chiết gas trái phép nguy cơ mất an toàn cháy nổ

(Baohatinh.vn) - Việc không tuân thủ nghiêm túc các quy định trong kinh doanh khí gas hóa lỏng, đặc biệt là tình trạng vi phạm sang chiết gas trái phép của các cơ sở “lậu” đang đặt ra nguy cơ mất an toàn cháy nổ. Đã đến lúc cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý những “bom gas” này, đừng để “cái sảy nảy cái ung”.

Từ bất chấp quy định...

Về các vùng nông thôn trên địa bàn Hà Tĩnh, không khó để bắt gặp những cửa hàng vừa kinh doanh khí gas hóa lỏng, vừa buôn bán hàng tạp hóa. Tại 1 đại lý nằm trên địa bàn xã Cẩm Duệ (Cẩm Xuyên), trong một không gian chật chội, phóng viên quan sát thấy những bình gas được bày bán xen lẫn với hàng tạp hóa. Đặc biệt, hệ thống bình gas còn được dựng ngay bên lề đường. Đây là khu vực đông dân cư, nhiều người qua lại nhưng với cách bố trí như vậy thì không đủ khoảng cách an toàn. Anh H. - chủ cửa hàng lý giải: “Gia đình không đủ mặt bằng để bố trí hàng tạp hóa riêng và bình gas riêng. Vẫn biết như thế tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ nhưng nếu mình cẩn thận thì không sao”.

sang chiet gas trai phep nguy co mat an toan chay no

Bình gas được bày bán ngay bên đường giao thông tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ rất cao.

Theo quy định về phòng cháy, chữa cháy (PCCC), các cửa hàng kinh doanh gas phải bảo đảm tổng diện tích mặt bằng khoảng 25 m2, phòng bày bán tối thiểu 12 m2, không tồn chứa quá số lượng và khối lượng gas cho phép, có cửa phụ thoát hiểm và đầy đủ phương tiện PCCC… Tuy nhiên, hiện nay, rất nhiều cơ sở tận dụng nhà ở để bình, không có nhà kho riêng biệt, kinh doanh gas chung với nhiều mặt hàng khác. Theo khảo sát của Sở Công thương, trên 50% cửa hàng kinh doanh ở Hà Tĩnh không có hệ thống kho riêng biệt, các bình gas chủ yếu được cất giữ ngay tại cửa hàng hoặc nhà để luân chuyển, tiêu thụ.

Bảo quản gas không đúng quy định, khâu vận chuyển gas cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Vào mỗi buổi chiều tối, người dân dễ dàng bắt gặp những chiếc xe máy chở những “bom gas” di động phóng với tốc độ cao trên đường phố mà rùng mình lo lắng. Nhân viên của nhiều cửa hàng thường chở một, thậm chí hai, ba bình gas bằng xe máy len lỏi khắp các ngõ ngách giao cho khách hàng. Anh Nguyễn Văn T. - nhân viên một cửa hàng gas tại huyện Hương Khê cho biết: “Hằng ngày, tôi chở khoảng 10 bình gas trong phạm vi bán kính 10 km giao cho khách. Dẫu biết nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào, song vì thuận tiện, nhanh gọn nên tôi và nhiều nhân viên khác vẫn sử dụng xe máy làm phương tiện vận chuyển chính”. Theo TCVN 6223:2011 về yêu cầu vận chuyển chai khí đốt hóa lỏng (gas), bình gas phải được vận chuyển theo phương thẳng đứng. Thế nhưng, điều này hầu như không được áp dụng.

... đến sang chiết trái phép

Trong nhiều sai phạm về kinh doanh khí gas hóa lỏng thì tình trạng sử dụng bình gas tái chế, sang chiết gas trái phép vẫn diễn ra phổ biến. Ngày 29/3/2017, Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 1 - Chi cục QLTT tỉnh đã phát hiện và xử lý Nhà hàng Hiệp Ông (đường Trần Phú, TP Hà Tĩnh) do sử dụng bình gas mini tái chế; tịch thu 18 bình gas mini tái chế và xử phạt 7,5 triệu đồng.

sang chiet gas trai phep nguy co mat an toan chay no

Công an thị xã Kỳ Anh phát hiện, xử lý một cơ sở sang chiết gas trái phép với số lượng lớn tại tổ dân phố Đồ Gỗ, phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh vào đầu năm 2017.

Trước đó, ngày 9/3/2017, Đội QLTT số 1 cũng tịch thu 9 bình gas mini tái chế và xử phạt 10 triệu đồng đối với hộ kinh doanh Hồ Thị Vân (số 532, đường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh). Không chỉ phát hiện các cơ sở kinh doanh sử dụng bình gas mini trái phép, thời gian qua, cơ quan chức năng cũng đã phát hiện và xử lý các cơ sở sang chiết gas trái phép. Theo đó, ngày 1/1/2017, Công an TX Kỳ Anh đã phát hiện, xử lý cơ sở sang chiết gas trái phép với số lượng lớn tại tổ dân phố Đỗ Gỗ, phường Kỳ Thịnh...

Ông Nguyễn Đình Khoa - Đội trưởng Đội QLTT số 1 cho biết: “Theo quy định, bình gas mini là loại bình gas chỉ sử dụng một lần, không được sang chiết lại. Tuy nhiên, nhiều người dân, đặc biệt là các hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống vẫn cố tình sử dụng bình gas tái chế nên vô hình trung tiếp tay cho những cơ sở hoạt động trái phép, vi phạm pháp luật. Trường hợp phát hiện các hàng quán sử dụng bình gas mini chiết nạp lại, cơ sở sang chiết bình gas mini trái phép, người tiêu dùng nên báo cho cơ quan QLTT hoặc cơ quan công an để tịch thu và xử lý theo quy định pháp luật”.

Kinh doanh khí gas hóa lỏng là ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, an toàn về PCCC. Nếu không được quản lý nghiêm ngặt, e rằng, sẽ có lúc những bình gas này sẽ trở thành những “quả bom” di động. Các cơ quan chức năng cần siết chặt quản lý đối với các cơ sở kinh doanh khí hóa lỏng.

Ông Hoàng Trọng Thịnh - Phó trưởng Phòng PC66 Công an tỉnh: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn còn tình trạng hộ kinh doanh mua 2, 3 bình gas bỏ trước cửa nhà, khi có khách gọi thì chở đi giao hàng. Nếu cơ quan chức năng đến kiểm tra thì họ lấy cớ rằng gas lấy về để dùng dần nên rất khó để kiểm soát, xử lý.

Ông Trần Hữu Hạnh - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT tỉnh: Theo quy hoạch phát triển cơ sở kinh doanh khí dầu mỏ hóa lỏng tỉnh Hà Tĩnh đến năm 2020, có xét đến năm 2025 tại Quyết định số 3552/QĐ-UBND ngày 12/11/2013 của UBND tỉnh thì toàn tỉnh có 719 cơ sở kinh doanh khí gas hóa lỏng. Số lượng như vậy là ít so với nhu cầu thực tế của người dân, dẫn đến một số đối tượng mặc dù không nằm trong quy hoạch, không được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh vẫn cố tình lấy gas về bán.

Ông Trần Đình Hùng - cán bộ Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Hương Khê: Trước đây, các cửa hàng kinh doanh khí gas hóa lỏng do Sở Công thương quản lý, nhưng từ đầu tháng 2/2017, UBND tỉnh đã có quyết định phân cấp cho huyện quản lý. Điều này tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp làm thủ tục cấp phép và cũng giúp huyện thực hiện cấp phép mà không vướng quy hoạch, góp phần giải quyết nhu cầu sử dụng gas ngày càng lớn của người dân.

Chủ đề Cháy nổ - PCCC

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast