Văn hóa giao thông nhìn từ nhà quản lý

Tai nạn giao thông (TNGT) đang là vấn đề nhức nhối của toàn xã hội. Trên địa bàn tỉnh ta, từ đầu năm đến nay đã xẩy ra 119 vụ TNGT đường bộ, làm chết 78 người, bị thương 127 người, thiệt hại tài sản 910 triệu đồng. Nguyên nhân thì có nhiều. Phần lỗi không hoàn toàn và cũng không phải lúc nào cũng thuộc về người tham gia giao thông mà còn có một nguyên nhân quan trọng nữa, đó là vai trò của nhà quản lý.

Lực lượng CSGT Công an TP Hà?Tĩnh tạm giữ các phương tiện vi phạm. Ảnh: Thăng Long
Lực lượng CSGT Công an TP Hà?Tĩnh tạm giữ các phương tiện vi phạm. Ảnh: Thăng Long

Vụ TNGT nghiêm trọng xẩy ra trên tuyến đường tránh TP Hà Tĩnh (đoạn qua xã Thạch Tân - Thạch Hà) vào đầu tháng 5 vừa qua với nguyên nhân chính do xe tải nổ lốp, mất lái, đè bẹp xe ô tô 4 chỗ ngồi, lái xe chết tại chỗ, mắc kẹt trong xe nhiều giờ. Giá như, chủ xe có trách nhiệm, có lương tâm hơn; giá như đoạn đường này không bị bong tróc, sụt lún, gập ghềnh do xe quá tải tàn phá hoặc thi công thiếu trách nhiệm, rút ruột công trình… thì hẳn vụ tai nạn kinh hoàng trên đã không xẩy ra.

Và, trên thực tế đã và đang tồn tại muôn vàn cái giá như tương tự, gây ra những vụ TNGT đáng tiếc trên địa bàn cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng trong thời gian qua. Tất cả đều xuất phát từ một nguyên nhân sâu xa, đó là sự yếu kém về văn hóa giao thông.

Văn hóa giao thông nhìn từ nhà quản lý có thể được coi là phận sự, là lương tâm, trách nhiệm, là nghĩa vụ… của người cán bộ, của chủ phương tiện đối với công tác bảo đảm TTATGT. Các chủ doanh nghiệp vận tải không thể vì lợi nhuận mà sử dụng những phương tiện đã cũ nát, không bảo đảm an toàn.

Cơ quan quản lý nhà nước về giao thông phải hoạch định, tổ chức xây dựng, quản lý, kiểm tra, giám sát và đưa ra được các giải pháp tối ưu nhất cho các công trình giao thông. Lực lượng cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông phải luôn luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm phát hiện, xử lý nghiêm những hành vi vi phạm của các đối tượng tham gia giao thông; kết hợp hành vi ứng xử có văn hóa.

Các nhà thầu không thể vì lợi nhuận mà thi công sai các tiêu chí kỹ thuật, rút ruột công trình làm ảnh hưởng đến chất lượng các công trình giao thông. Những người quản lý các cung đường phải thường xuyên kiểm tra cơ sở hạ tầng giao thông, phát hiện những đoạn đường xấu, nguy hiểm dễ gây tai nạn để sớm đưa ra cảnh báo cho người qua lại, đồng thời khẩn trương tìm cách khắc phục…

Nói đến văn hóa giao thông là nói đến ý thức của con người trong quá trình xây dựng, sử dụng các công trình, phương tiện giao thông, trong thực thi pháp luật và tham gia giao thông. Vì vậy, xây dựng con người văn hóa là nội dung mấu chốt của văn hóa giao thông nói chung, nhà quản lý nói riêng.

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn tồn tại tình trạng thiếu tinh thần trách nhiệm, thiếu lương tâm, làm bừa, làm ẩu, tìm cách rút ruột công trình… từ phía các cơ quan chức năng, nhà quản lý, các nhà thầu, chủ phương tiện giao thông. Điều này được thể hiện nhiều công trình giao thông mới làm xong đã hỏng; cán bộ kiểm tra, kiểm soát còn nhận tiền đối tượng, bỏ qua các hành vi vi phạm…

Những hành vi thiếu văn hóa này cần sớm được loại bỏ, nhường chỗ cho một môi trường giao thông văn minh, hiện đại, thân thiện và nhân văn. Có như vậy mới hy vọng góp phần quan trọng đẩy lùi TNGT - hiểm họa của toàn xã hội một cách bền vững.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast