Xuất khẩu lao động và vấn nạn “cò lừa”

(Baohatinh.vn) - Công tác tại Trường Cao đẳng nghề Việt – Đức, với nhiệm vụ giới thiệu việc làm nên Lê Thị Thanh Hà (trú tại đường Hà Huy Tập, TP Hà Tĩnh) đã dần xây dựng được “thương hiệu” trong việc môi giới, đưa người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ). Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, Lê Thị Thanh Hà đã có dấu hiệu lừa đảo khi nhận tiền, hồ sơ của một số người mà không thực hiện nghĩa vụ như đã cam kết.

Do có mối quan hệ từ trước, đầu năm 2015, chị Bùi Thị Sao Băng (trú tại tổ dân phố 2, phường Nam Hà, TP Hà Tĩnh) đưa cho Hà 1 bộ hồ sơ mang tên Nguyễn Tiến Tây để nhờ Hà lo thủ tục đi XKLĐ tại Hàn Quốc. Theo thông tin từ Hà là “có thể tổ chức bay nhanh” nên chị Băng đã đưa trước 100 triệu đồng. Bằng một số thủ thuật như kiểm tra, yêu cầu người đi XKLĐ phải có chứng chỉ và một vài điều kiện khác, Hà đã tạo được niềm tin. Vì thế, dù Tây chưa được “bay nhanh” như lời hứa nhưng liên tiếp sau đó, Băng tiếp tục đưa cho Hà 2 bộ hồ sơ và chi phí để đi XKLĐ ở Hàn Quốc.

xuat khau lao dong va van nan co lua

Đơn tố cáo của chị Băng và các giấy biên nhận tiền, hồ sơ của Lê Thị Thanh Hà

Trao tiền, hồ sơ và chờ đợi, chị Bùi Thị Sao Băng chỉ nhận được lời hứa từ Lê Thị Thanh Hà: “Cho các em đi học tiếng Hàn và bay trong tháng 5/2015”. Thế nhưng, hết tháng 5 rồi tháng 6, Hà vẫn không có động thái tích cực nào. Nhiều lần chị Băng gọi điện thúc giục và đòi lại tiền, Hà đều hứa hẹn, khất lần.

Nghi ngờ, chị Băng cố công tìm hiểu và biết được, cùng thời điểm này, Hà cũng có hành vi nhận hồ sơ, chi phí của nhiều người để làm thủ tục đi XKLĐ nhưng chưa giải quyết được trường hợp nào. Nhận thấy điều bất ổn, ngày 30/6/2015, chị Băng đã gửi đơn tố cáo Lê Thị Thanh Hà lên Công an TP Hà Tĩnh. Cơ quan CSĐT Công an thành phố đã thụ lý đơn thư, tiến hành các bước điều tra, thu thập chứng cứ và chị Băng cũng đã cung cấp các tài liệu liên quan. Thế nhưng, đến thời điểm này, Công an TP Hà Tĩnh vẫn chưa có quyết định giải quyết vụ việc.

Trao đổi với chúng tôi, chị Bùi Thị Sao Băng bức xúc: “Tin tưởng đưa tiền cho Hà, thế nhưng, hơn 1 năm rồi vẫn không có động tĩnh gì. Rõ ràng, chị Hà có hành vi lừa đảo, đề nghị các cơ quan chức năng sớm làm rõ sự việc, trả lại tiền cho chúng tôi và quan trọng nhất là ngăn chặn những bị hại tiếp theo. Vì tôi biết, vẫn còn nhiều người lâm vào tình trạng như tôi”.

Và, điều này cũng được thầy Đặng Minh Ất - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt - Đức gián tiếp xác nhận: “Thời gian gần đây, có một số người đến trường tìm Lê Thị Thanh Hà để đòi nợ với số tiền lên đến hàng tỷ đồng. Tuy nhiên, những mối quan hệ này phát sinh ngoài nhà trường, ngoài trách nhiệm chuyên môn nên trường không có thẩm quyền xử lý mà chỉ tìm hiểu, nhắc nhở chị Hà”.

Thầy Ất cho biết: Lê Thị Thanh Hà là nhân viên thuộc Trung tâm Đào tạo, bồi dưỡng và Giới thiệu việc làm của trường. Cách đây khoảng 3 năm, chị Hà đã từng bị Công an huyện Can Lộc triệu tập liên quan đến đơn thư tố cáo lừa đưa người đi XKLĐ. Mặc dù sau đó, Công an huyện Can Lộc không có thông báo gì với nhà trường nhưng theo báo cáo của chị Hà, vụ việc đã thỏa thuận xong.

Giá như sau khi Lê Thị Thanh Hà bị Công an Can Lộc gọi hỏi, làm việc về hành vi lừa đưa người đi XKLĐ theo đơn thư tố cáo của công dân mà Ban Giám hiệu nhà trường có hình thức thuyên chuyển công tác của Hà thì chắc chắn sự việc như hôm nay đã không xảy ra.

Cuối năm 2015, Trường Cao đẳng nghề Việt Đức đã tạm đình chỉ công tác 3 tháng đối với Lê Thị Thanh Hà theo đề nghị của Công an thành phố để phục vụ điều tra. Sau khi hết thời hạn, chị Hà tiếp tục trở lại làm việc. Tuy nhiên, nhằm hạn chế những vụ việc có thể phát sinh, nhà trường đã điều chuyển Lê Thị Thanh Hà từ bộ phận Giới thiệu việc làm (có liên quan đến hoạt động XKLĐ) sang bộ phận Liên kết đào tạo từ xa – ngắn hạn. “Đó chỉ là những giải pháp trước mắt. Điều quan trọng là cơ quan công an cần sớm điều tra, làm rõ sự việc và thông báo kết quả để nhà trường có hướng xử lý hợp lý, hợp tình” - Hiệu trưởng Đặng Minh Ất nói thêm.

Làm việc với Công an TP Hà Tĩnh ngày 16/6, Đại úy Diệp Xuân Nam - Đội trưởng Đội Điều tra tổng hợp cho biết: Giải quyết đơn thư của chị Bùi Thị Sao Băng, Công an thành phố đã vào cuộc, thu thập chứng cứ, triệu tập lấy lời khai của các bên đương sự. Bước đầu, Lê Thị Thanh Hà thừa nhận có ký nhận từ chị Băng 200 triệu đồng và 3 bộ hồ sơ đưa người đi XKLĐ. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xúc tiến đưa đi được trường hợp nào.

“Bằng những tài liệu, chứng cứ thu thập được, tôi nhận định hành vi của Lê Thị Thanh Hà đã có dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, trong vụ việc này còn có một số nội dung cần xác minh, làm rõ thêm nên Cơ quan CSĐT Công an thành phố vẫn chưa khởi tố được. Chúng tôi đang tiếp tục hoàn thiện hồ sơ để xử lý theo đúng quy định pháp luật”.

Cũng như nhận định của Đại úy Nam, rõ ràng, hành vi của Lê Thị Thanh Hà đã có dấu hiệu cấu thành tội phạm. Vấn đề cần nhất lúc này là các cơ quan điều tra phải nhanh chóng kết thúc điều tra vụ việc, có kết luận chính thức để trả lại quyền lợi chính đáng cho các bên liên quan. Và, quan trọng nhất là phải làm rõ để ngăn chặn tình trạng người dân vay mượn, dốc toàn bộ tài sản phó mặc vào tay những “cò lừa” để rồi tiền mất, XKLĐ thì không.

xuat khau lao dong va van nan co lua

Chủ đề Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast