Để không còn “Kính thưa đồng chí bố, kính gửi đồng chí con!”

Thiếu những quy định chặt chẽ, minh bạch đối với người có quyền, chính là lỗ hổng lớn về pháp luật để họ lạm dụng chức vụ, lập nên những “chi bộ dòng họ”, “chính quyền dòng họ”

de khong con kinh thua dong chi bo kinh gui dong chi con

Nhiều lỗ hổng lớn từ công tác cán bộ sau các vụ bổ nhiệm người nhà bất thường bị phanh phui (Ảnh minh họa)

Chuyện cả họ làm quan ở một huyện của tỉnh Hải Dương mà báo chí nêu tuần trước lại hâm nóng dư luận. Cùng với nhiều vụ bổ nhiệm người nhà bất thường được phanh phui trong thời gian gần đây, các chuyên gia hành chính, pháp lý cho rằng, chúng ta đang có những lỗ hổng lớn trong công tác tổ chức cán bộ. Lỗ hổng ấy ở ngay trong đầu những người có chức có quyền. Cần phải có những liều thuốc đặc trị để lấp kín những lỗ hổng đạo đức ấy trong bộ máy nhà nước.

Đúng là thật khó để tách bạch đúng - sai trong việc bổ nhiệm một người vào một vị trí nào đấy trong bộ máy. Bởi, để đặt ai vào một cái ghế quyền lực nào đó, những nhà tổ chức thường phải tiến hành một quy trình nhất định. Quy trình ấy được thống nhất từ cấp ủy đến chính quyền và thường là phải đạt được sự đồng thuận của đại diện các đoàn thể quần chúng. Thế nên với những vụ cha bổ nhiệm con, chồng bổ nhiệm vợ, anh bổ nhiệm em… xảy ra ở nhiều địa phương, bộ ngành vừa rồi, người bảo sai thì cũng thấy có sai; người bảo đúng thì rằng cũng đúng. Bởi tất cả đều được ngụy trang dưới cụm từ “đúng quy trình”.

Chỉ có điều là “đúng quy trình” mà dư luận vẫn xì xầm bàn tán; cán bộ lão thành, đảng viên và nhân dân vẫn bất bình.

Từng có chuyện ở huyện Mỹ Đức (Hà Nội) có đến vài chục người là anh em, con cái, họ hàng nắm giữ nhiều chức vụ khác nhau từ xã đến huyện. Hay mới đây là huyện Kim Thành (Hải Dương), chỉ riêng gia đình của hai ông: Bí thư và Phó Bí thư thường trực, đã có đến 9 người là anh em trai, em rể, con trai, con dâu của hai vị nắm giữ các vị trí chủ chốt từ Huyện ủy đến Ủy ban.

Cũng có người lập luận rằng, chả lẽ cứ có một người làm lãnh đạo thì người thân của họ lại không được quyền học tập, phấn đấu và thăng tiến. Nếu họ có tài, sao không sử dụng để phục vụ cho đất nước, quê hương?

Cũng từng có nhiều gia đình cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, những vị tướng tài mà con cái cũng rất thành công – những sự thành công không hề để lại tai tiếng gì khiến xã hội phiền lòng. Bởi, các vị lãnh đạo thời ấy đã biết cách để con cái đi lên bằng trí tuệ, tài năng của mình, đặc biệt là không để con cái đi trên những con đường, những hành lang có bóng mát của cha anh. Bản thân nhiều người là con cái các vị lãnh đạo đất nước thời ấy cũng biết chọn cho mình lối đi riêng để phục vụ đất nước, nhân dân.

Nhưng đó là chuyện của mấy mươi năm trước!

Còn bây giờ, chuyện cả họ làm quan ở nhiều địa phương lại phơi bày lỗ hổng trong công tác cán bộ. Lỗ hổng ấy do chính lòng tham quyền lực của các vị gây ra. Không phải ngẫu nhiên mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phải thốt lên rằng: “Việc tuyển chọn, bổ nhiệm là để tìm ra người tài, chứ không phải tìm người nhà”.

Nhìn lại ngày xưa, các triều đại phong kiến hưng thịnh cũng chính là những triều đại áp dụng nguyên túc Luật hồi ty. Tức là không cho những người có quan hệ cha con, anh em, thầy trò, bạn bè, đồng hương cùng làm quan một chỗ… nhằm hạn chế tình trạng nể nang, né tránh hoặc bao che lỗi lầm, đồng lõa với nhau gây ra tiêu cực, tham nhũng, kéo bè kéo cánh, làm cho bộ máy nhà nước kém hiệu lực.

Đối với quyền lực, đừng nói nhiều đến lòng từ thiện, mà phải dùng hiến pháp và pháp luật để ràng buộc, không để cho người ta làm điều xấu. Thiếu những quy định chặt chẽ, thiếu minh bạch đối với người có quyền ở các cấp, chính là lỗ hổng lớn về pháp luật để họ lạm dụng chức vụ, lập lờ quy trình, làm điều xằng bậy, đưa người nhà vào nắm giữ các cương vị chủ chốt, dẫn đến cảnh không chỉ là “chi bộ dòng họ”, “chính quyền dòng họ” ở nông thôn trước đây; mà còn là cảnh “kính thưa đồng chí bố”, “kính gửi đồng chí con” ở nhiều cơ quan, nghe vừa hài hước, vừa xót xa cho bộ máy công quyền hiện nay!.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast