Giữ gìn nét đẹp văn hóa trong việc cưới

Việc cưới, hỏi luôn phản ánh phong tục tập quán, lối sống truyền thống, phong cách ứng xử của con người Việt Nam. Những năm qua, đời sống xã hội có nhiều chuyển biến tích cực, trong đó có đời sống kinh tế. Việc tổ chức cưới nói chung có điều kiện đầy đủ hơn, sang trọng hơn. Đó là dấu hiệu đáng mừng...

Minh họa từ internet
Minh họa từ internet

Tuy nhiên, bên cạnh biểu hiện lành mạnh cũng đã xuất hiện những dấu hiệu đáng lo ngại mà dư luận xã hội không đồng tình. Việc coi lễ cưới là dịp “trả nợ miệng”, tổ chức cỗ bàn linh đình gây tốn kém thời gian, tiền của, sức lực và phiền nhiễu lẫn nhau diễn ra cả khu vực đô thị lẫn nông thôn.

Ý nghĩa tốt đẹp của đám cưới dần bị mất đi khi các nét đẹp văn hóa của lễ cưới vốn ấm áp niềm vui và tình người trở thành sự tính toán mang tính thực dụng về vật chất… Khách được mời dự cưới không chỉ còn trong quan hệ thân thuộc như trước mà còn mở rộng tới những người quen. Vì vậy, có những đám cưới đông tới hàng trăm mâm cỗ. Khách mời được đưa thẳng vào bàn tiệc giữa những người không quen biết; sau khi ăn cỗ trong không khí gượng gạo, tẻ nhạt, khách trao tiền mừng cho gia chủ hoặc cô dâu, chú rể rồi ra về. Được mời dự những đám cưới như vậy, tâm lý mọi người đều không muốn, nhưng vẫn miễn cưỡng đi!

Hiện nay, đã có nhiều chỉ thị của Đảng và Nhà nước, đặc biệt là Chỉ thị 20 của BTV Tỉnh ủy về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, nhưng vẫn còn một số cán bộ, đảng viên chấp hành chưa nghiêm). Dư luận quần chúng nhân dân mong cán bộ, công chức phải gương mẫu chấp hành các chỉ thị của Đảng và Nhà nước.

Cần tổ chức cưới văn minh, tiết kiệm, không xa hoa, lãng phí, vụ lợi; không để việc tổ chức lễ cưới ảnh hưởng giờ làm việc; không dùng công quỹ làm quà mừng... Những yêu cầu nêu trên cũng nhằm định hướng giữ gìn các giá trị đạo đức truyền thống, lối sống cần, kiệm, giản dị và thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast