“Khẩu chiến” trước mặt con - điều nguy hại!

(Baohatinh.vn) - Cuộc sống vợ chồng nảy sinh những bất đồng, mâu thuẫn là điều khó tránh khỏi, nhưng nhiều cặp vợ chồng luôn cãi vã trước mặt con cái. Ai thắng, ai thua trong những cuộc “khẩu chiến” thì chưa rõ, nhưng người thiệt thòi nhất vẫn là những đứa trẻ.

khau chien truoc mat con dieu nguy hai

Minh họa của Huy Tùng

Xuất phát từ muôn vàn lý do để vợ chồng có thể nảy sinh cãi vã. Từ việc chồng không biết chia sẻ với vợ việc nhà, phó mặc trách nhiệm nuôi dạy con cái cho vợ, không đóng góp nghĩa vụ tài chính… cho đến những bất đồng trong thói quen, tính cách sinh hoạt hằng ngày. Những cuộc cãi vã ban đầu chỉ là sự cằn nhằn, cau có, lâu dần như một sự dồn nén và bùng nổ thành những tranh cãi liên quan đến cách sống, quan điểm sống, thậm chí là đạo đức.

Cuộc sống ngoài xã hội với biết bao áp lực từ công việc và các mối quan hệ chi phối. Gia đình là nơi con người tìm về để cảm thấy bình yên, ấm áp, nhưng với những gia đình thường xuyên xảy ra cãi vã, người trong cuộc sẽ cảm thấy mệt mỏi, chán nản. Hai “nhân vật chính” mệt mỏi với cuộc hôn nhân đã đành, nhưng những đứa con mới thực sự là nạn nhân, hứng chịu nhiều tổn thương âm thầm nhất.

N.T.H. - một cô gái xinh xắn, dễ thương, đang làm công việc văn phòng ổn định, năm nay 24 tuổi nhưng vẫn chưa chấp nhận lời yêu thương của một ai. Em tâm sự với tôi rằng, em không dám yêu ai vì sợ phải lấy chồng, sợ cuộc sống hôn nhân như của bố mẹ em. Tuổi thơ của em là chuỗi dài những ngày tháng chìm đắm trong không khí gia đình ngột ngạt với những cuộc cãi vã triền miên của bố mẹ. Em không muốn về nhà sau mỗi buổi học vì chẳng có bữa nào “cơm lành canh ngọt”. Thường những cuộc “khẩu chiến” chỉ kết thúc khi bố xách cặp lao ra khỏi nhà hoặc mẹ bị giáng một cái tát, mà nhiều lúc em sửng sốt, hoảng sợ. Em đã cố học để thi đậu đại học, không phải vì nghĩ đến tương lai mà chỉ vì muốn thoát khỏi ngôi nhà đó càng sớm càng tốt. Vì thế, em không có nhiều niềm tin vào tình yêu và rất sợ những cuộc hôn nhân tù túng, trói buộc.

Cô bé H. trong câu chuyện của tôi ít ra vẫn còn đủ bản lĩnh để vượt qua nỗi đau từ niềm bất hạnh của gia đình theo cách của riêng cô, nhưng có rất nhiều đứa trẻ đã không thể tìm cho mình lối thoát. Vì quá bế tắc, có em đã tìm đến cái chết để giải thoát cho cuộc sống tù túng trong gia đình mà nguyên nhân không phải từ nó. Bức thư tuyệt mệnh của một cô bé 15 tuổi (xin giấu tên) để lại cho bố mẹ có đoạn viết: “Con đi đây! Bố mẹ cứ tiếp tục cãi nhau đi. Thực ra con đã chết từ rất lâu rồi, chỉ là bây giờ mới kết thúc thôi!”.

Có lẽ người làm cha, làm mẹ sẽ chẳng còn sự hối hận và đau đớn nào hơn thế. Đó là chưa nói, những cuộc cãi vã của bố mẹ luôn gây cho trẻ tâm lý bị xáo trộn, sức khỏe bị ảnh hưởng, nhiều trẻ rơi vào tình trạng trầm cảm hoặc ứng xử thiếu lành mạnh với những người xung quanh. Vì phải chứng kiến quá nhiều xung đột, những lời nói cay nghiệt từ chính người thân, nhiều trẻ dễ mất niềm tin vào cuộc sống.

Không phải tất cả các cặp vợ chồng đến với nhau đều trên nền tảng tình yêu, sự thấu hiểu; không phải cuộc hôn nhân nào cũng đạt được hạnh phúc. Mỗi người có mỗi cách giải quyết những mâu thuẫn trong gia đình theo cách riêng. Nhưng, dẫu là cách gì thì nguyên tắc cơ bản vẫn là tránh làm tổn thương các con, bởi sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến tâm lý, sức khỏe và thậm chí, cả tương lai của trẻ.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast