Ngăn chặn tình trạng đốt thực bì trong ngày nắng nóng

(Baohatinh.vn) - Hiện trên địa bàn tỉnh ta, thời tiết nắng nóng kéo dài trên diện rộng, nhiệt độ ở mức cao, nhưng, hiện tượng xử lý thực bì bằng lửa không đúng quy trình xẩy ra khá phổ biến, gây mất an toàn cho nhiều diện tích rừng.

Tình trạng vứt bỏ thực bì tùy tiện sau khi khai thác các khu vực rừng sản xuất ở Hương Khê rất dễ gây ra cháy rừng.

Tình trạng vứt bỏ thực bì tùy tiện sau khi khai thác các khu vực rừng sản xuất ở Hương Khê rất dễ gây ra cháy rừng.

Theo quy định hiện hành thì thực bì chỉ được xử lý bằng lửa khi có đủ các điều kiện sau: phải có đường ranh cản lửa bao quanh phạm vi xử lý; đường ranh cản lửa phải đảm bảo yêu cầu không có vật liệu cháy và đủ khả năng ngăn cản lửa tàn, lửa bay ra ngoài; có bố trí người canh gác, người chữa cháy và có đủ dụng cụ, phương tiện tại chỗ để dập lửa khi có cháy lan vào rừng; thời tiết mát, dịu, nhiệt độ không quá 35oC, không có gió mạnh hoặc gió đổi hướng bất thường, cấp dự báo cháy rừng dưới cấp III; tổ chức, cá nhân xin phép xử lý thực bì phải cam kết chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra cháy lan gây thiệt hại về rừng và các thiệt hại khác do cháy rừng gây ra...

Hiện trên địa bàn tỉnh ta, thời tiết nắng nóng kéo dài trên diện rộng, nhiệt độ ở mức cao (38-40oC), dự báo cấp độ cháy rừng luôn ở cấp IV và cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm). Thế nhưng, hiện tượng xử lý thực bì bằng lửa sau khi thu hoạch các loại rừng sản xuất không đúng quy trình, không xin phép chủ rừng và các cơ quan chức năng xẩy ra khá phổ biến, gây mất an toàn cho nhiều diện tích rừng. Trên thực tế, trong thời gian qua, toàn tỉnh đã xẩy ra 17 điểm phát lửa, gây 9 vụ cháy rừng, làm thiệt hại trên 90 ha, trong đó có hàng chục ha đất có rừng. Theo nhận định và điều tra ban đầu, trong số các vụ hỏa hoạn trên, có nhiều vụ cháy do người xử lý thực bì, dọn rừng bằng lửa gây ra...

Để hạn chế đến mức thấp nhất cháy rừng do nguyên nhân xử lý thực bì, ngành Nông nghiệp cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc xử lý thực bì đối với các tổ chức và cá nhân là chủ rừng, đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCCCR; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định về PCCCR; phân công cán bộ kiểm lâm phụ trách địa bàn xã, phường thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu cho cơ sở thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp. Đối những trường hợp vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng phải được xử lý công khai, nghiêm minh theo pháp luật...

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast