Rằm tháng Giêng đốt nhiều vàng mã mới là thành tâm?

Rằm tháng Giêng, nhiều gia đình vẫn có thói quen đốt rất nhiều vàng, mã để biếu người cõi âm. Như vậy mới là thành tâm?

“Cúng cả năm không bằng rằm tháng Giêng” – câu nói ấy cho thấy ngày rằm tháng Giêng hay tết Thượng nguyên, Tết nguyên tiêu… quan trọng như thế nào trong tâm linh người Việt. Người Việt coi lễ rằm tháng Giêng như là Tết muộn bỏi nhiều lý do: Do gia đình khá giả tiếp tục ăn Tết và chơi mai, đào nở muộn; những người đi làm ăn xa ở lại qua ngày rằm tháng Giêng mới lên đường; những người không may đau yếu vào đúng dịp Tết, sau Tết đã khoẻ mạnh trở lại hoặc nhiều gia đình tang ma có người chết vào dịp Tết Nguyên Đán, được ăn Tết bù...

Rằm tháng Giêng đốt nhiều vàng mã mới là thành tâm? ảnh 1
Vàng, mã được đốt ở chùa, ở nhà.

Vì là ngày lễ quan trọng trong năm nên dịp này, nhiều người không tiếc tiền mua sắm đồ lễ, đi chùa cúng bái. Và một việc dễ thấy là ai cũng mua thật nhiều vàng mã, vàng hương để cúng biếu tổ tiên, người chết trong dòng họ, gia đình. Đến các đền, chùa dịp này mới thấy, hàng “núi” vàng mã đốt cháy ngùn ngụt mỗi ngày. Dịp này, những gia đình làm vàng mã quay cuồng vì đơn đặt hàng của khách gần xa. Lộc tài cho những người mua vàng mã chưa thấy được là bao nhưng điều dễ thấy nhất là những gia đình làm hàng mã ngày càng giàu sú sụ. Tiền của xã hội bỏ ra, cũng chỉ một phần “nuôi” những người làm mã, làm thầy cúng và dịch vụ ăn theo… còn phần lớn là đốt thành tro bụi. Người này nhìn người kia khiến cho việc đốt vàng mã, làm lễ to trở thành một trào lưu khiến người có điều kiện không làm theo không yên tâm, người không có điều kiện thì chạy vạy, dồn góp để “bằng thiên hạ”.

Ấy là chưa kể, đồ lễ để cúng bái nhiều khi chỉ là hình thức, ví như những loại bánh kẹo, hoa quả được bày biện đẹp mắt nhưng khi tán lộc có mấy người dám ăn vì toàn hoa quả Tàu, bánh kẹo gia công. Cúng xong chẳng ai thụ lộc, quanh quẩn một hồi đến khi hỏng lại liệng vào thùng rác. Lãng phí vô cùng!

Trước các ý kiến trái chiều về việc đốt vàng mã, nhiều người băn khoăn có nên đốt vàng mã hay không vào các dịp lễ Tết? Trong một lần trả lời phỏng vấn của VOV.VN, Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, tục đốt vàng mã ở nước ta chịu ảnh hưởng từ văn hóa tâm linh Trung Quốc, chứ đạo Phật không dạy đốt vàng mã cho người quá vãng. Trong đạo Phật không có cúng vàng mã. Các sư mất đi không bao giờ đốt tiền, vàng mã. Người chết xuống âm phủ cũng có ngân hàng âm phủ. Trên đời có bao nhiêu ngành nghề dưới âm phủ cũng có đủ. Đốt đồ dùng, tiền vàng mã thành tro, gió thổi bay tung tóe làm sao mà dùng được, tiêu được nên rất lãng phí. Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu khuyên, tiền đó nên để làm từ thiện là tốt nhất.

Rằm tháng Giêng đốt nhiều vàng mã mới là thành tâm? ảnh 2
Những chiếc ô tô hàng mã có giá hàng trăm nghìn đồng sẵn sàng được gia chủ mua về đốt cho người âm.

Năm nay, tới Tổ đình Phúc Khánh, một ngôi chùa nổi tiếng ở Hà Nội, cũng đã bỏ hẳn việc đốt vàng mã. Nhà chùa không bố trí nơi hóa vàng như trước kia nữa. Sau mỗi ngày, các sư sãi ở chùa lại đi thu gom toàn bộ vàng mã, cốc nến để gọn vào một nơi. Chính vì thế, nhiều người đến chùa cũng thay đổi thói quen mua thật nhiều vàng hương rồi đốt như trước kia.

Dịp Tết nguyên đán vừa rồi, theo thống kê của Tạp chí Forbes, Mỗi người Việt ăn Tết hết 14,2 triệu đồng, bằng 3 dịp lễ Giáng sinh, năm mới, sinh nhật của "người Tây" gộp lại.

Mặc dù là đất nước đang phát triển, thu nhập bình quân đầu người còn thấp nhưng tạp chí Mỹ đánh giá chi phí cho dịp Tết ở Việt Nam tương đương với cả ba dịp lễ Giáng sinh, năm mới và sinh nhật ở phương Tây gộp lại. Số tiền chi tiêu trong dịp Tết là không hề nhỏ nếu đem so với thu nhập của đa số người dân Việt Nam hiện nay. Bởi có nhiều gia đình vẫn trong diện phải cứu đói dịp Tết. Còn biết bao nhiêu người đi làm công nhân, thậm chí là nhiều cô giáo cũng không có Tết vì đồng lương quá ít ỏi.

Hệ lụy trong cách ứng xử của người Việt đối với Tết ai cũng nhìn thấy như: Nghỉ dài ngày khiến mọi người uể oải không muốn bắt tay vào làm việc, nhiều công sở vắng hoe sau dịp Tết, các doanh nghiệp thì khó tuyển người lao động. Chưa kể, trong dịp Tết còn xảy ra hàng loạt vấn đề đau lòng như tai nạn giao thông gia tăng, số người đánh nhau phải nhập viện cũng tăng đột biến…

Nhớ ơn tổ tiên, ông bà là nét văn hóa truyền thống đáng quý của người Việt Nam. Thế nhưng, qua thời gian, nét văn hóa này dần bị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực. Đây là điểm để những kẻ “buôn thần, bán thánh” lợi dụng để đánh vào tâm lý của nhiều người. Khi gặp bất cứ chuyện gì trong cuộc sống nhiều người tìm ngay đến thầy cúng, thầy bói để cúng bái, lập đàn nhằm tìm được sự bình an, phù hộ từ cõi âm. Nhưng có ai hiểu và biết được người cõi âm nhà mình muốn gì đâu mà tất cả đều từ những miệng của các bà đồng, ông bói mà ra.

Bước đầu, chúng ta đã dần loại bỏ được thói quen rải tiền lẻ ở các đền chùa vào những mùa lễ hội. Bởi để “chiều” theo thói quen này của người dân, mỗi năm Nhà nước phải bỏ ra hàng nghìn tỷ để in tiền lẻ.

Còn việc đốt vàng mã, dù là tiền của cá nhân mỗi người bỏ ra một chút để tỏ lòng thành, giải quyết vấn đề tâm linh nhưng “góp gió thành bão”, nhiều gia đình cùng đốt vàng mã thì số tiền bỏ ra sẽ trở thành lớn. Chỉ là một tín ngưỡng có cần thiết phải lãng phí đến thế không? Đã đến lúc mỗi người, mỗi gia đình cần nhìn nhận đúng đắn về phong tục, tập quán của dân tộc mình, kẻo cách làm sai, tốn kém lại gây tổn thương cho cả người đã khuất./.

Theo Vũ Hạnh/VOV.VN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast