Thành tâm không cứ mâm cao cỗ đầy

(Baohatinh.vn) - Thờ cúng ông bà tổ tiên, đi đền chùa dâng hương dịp lễ tết để cầu bình an, tài lộc là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt từ xưa đến nay. Tuy nhiên, thời buổi kinh tế thị trường đã ảnh hưởng không nhỏ tới văn hóa thờ cúng, thể hiện rõ nhất vẫn là ở lễ vật được dâng lên thánh thần, tổ tiên.

thanh tam khong cu mam cao co day

Tâm sáng, ý thành vẫn là điều cần thiết khi dâng lễ trong những dịp lễ, tết. Ảnh: Khánh Huyền

Tết Nguyên đán đang đến rất gần và tại các gian hàng mã chợ tỉnh cũng như chợ quê tấp nập hơn bao giờ hết. Người bán, kẻ mua đều hối hả, nhộn nhịp, tay xách nách mang những túi tiền vàng, giấy áo cồng kềnh. Cuộc sống vật chất càng đủ đầy thì người ta càng quan niệm lễ vật cúng bái càng phải thịnh soạn, đủ đầy. Với ý nghĩ “trần sao âm vậy”, tại mỗi gian hàng bán đồ cho “người ở thế giới bên kia” đã gần như không còn thiếu một thứ gì. Từ những vật dụng thiết yếu và truyền thống như quần áo, giày dép, tiền giấy, vàng bạc nén… cho đến những vật dụng xa xỉ như nhà lầu, xe máy, ô tô, điện thoại di động…

Bác Hòa (bán vàng mã tại chợ TP Hà Tĩnh) cho biết: “Có những khách hàng chi tiền triệu, thậm chí, chục triệu cho mỗi lần mua sắm, đặc biệt là những dịp lễ quan trọng như rằm tháng giêng, tháng bảy, tết Nguyên đán…”.

Văn hóa cúng bái, đi lễ chùa ngày nay đã không còn thuần túy như xưa là thành tâm sửa biện hương hoa dâng cúng mà trở nên xô bồ hơn. Người tìm đến cổng chùa cũng với tâm trạng, mục đích khác nhau. Có người cầu sức khỏe, bình an, con cái học hành thông minh, đường công danh xán lạn; người kinh doanh thì cầu mong buôn may bán đắt… Để đạt được ước nguyện, không ít người trong số đó vẫn tin rằng, “tốt lễ dễ kêu”, muốn “được việc” thì phải “cậy nhờ”. Và người ta thi nhau mua sắm thật nhiều lễ vật, lễ phải thật to, thật hoành tráng, thật đủ đầy để dâng lên các bậc thánh thần. Nhưng liệu mâm cao cỗ đầy đã phải là thành tâm?

Thầy Phan Hữu Thú (pháp danh Quảng Đạt - trụ trì chùa Kim Dung - Lộc Hà) cho rằng: “Phật luôn dạy con người ta muốn giàu sang, phú quý thì phải chăm chỉ, năng làm phúc, làm thiện; muốn công danh xán lạn thì phải tu chí học hành. Nhiều người tìm đến cửa Phật với rất nhiều lễ vật đắt tiền và tin rằng, Phật, Thánh sẽ chứng giám cho lòng thành của mình rồi chen lấn, khấn vái xin ngài đủ thứ, xin điều tốt cho mình đã đành, còn cầu cho kẻ khác lụn bại để mình tiến thân thì Thánh, Phật nào mà giúp cho được? Thế nên, cốt vẫn là ở cái tâm thanh tịnh, đôi khi chỉ cần nén hương, nhành hoa mà tâm sáng, ý thành là bề trên đã chứng cho rồi, chứ dâng lên đủ thứ lễ vật rồi cũng hóa, vừa không có tác dụng về mặt tâm linh, vừa gây nên sự lãng phí, tốn kém không đáng có”.

Ngày nay, lễ cúng tại nhiều gia đình cũng được gia chủ bày biện quá mức cần thiết. Để tri ân, tưởng nhớ ông bà, tổ tiên và những người thân đã khuất, ngày lễ tết, giỗ chạp, con cháu vẫn thường mua sắm lễ vật, làm mâm cỗ dâng lên. Nhưng cũng có không ít chuyện dở khóc, dở cười như câu chuyện của ông tôi. Ông là tộc trưởng, ông bà có đến 6 người con cả trai cả gái. Như một “luật bất thành văn”, mỗi dịp lễ tết là các cô con gái và con dâu đều mang về mỗi người một túi rất to đồ lễ và vàng mã để thắp hương cho các cụ. Rằm tháng bảy, như thường lệ, sau lễ cúng, ông tiến hành việc hóa vàng. Sau gần 2 tiếng đồng hồ hóa chỗ “lòng thành” của con cháu, bên lò lửa cháy ngùn ngụt giữa cái nắng tháng bảy như thiêu đốt, cả nhà được phen hốt hoảng vì cơn tăng huyết áp của ông. Sau lần đó, ông phải quán triệt với con cháu về việc mua sắm lễ vật, nhất là vàng mã trong những dịp giỗ, tết.

Ngoài việc đốt vàng mã, lễ cúng tại gia của một số gia đình còn lãng phí lượng thực phẩm không nhỏ. Tâm lý của người Việt là mâm cỗ phải luôn đầy đặn thì mới tỏ lòng thành kính khi cúng bái; thức ăn phải dư thừa so với nhu cầu ăn uống của gia đình và thực khách thì mới được coi là hiếu khách, là sang trọng. Chẳng thế mà sau mỗi cái tết cổ truyền, không khó để bắt gặp cảnh những chiếc bánh chưng, con gà, đĩa xôi bị ném vào sọt rác, bánh kẹo, hoa quả vứt chỏng chơ chẳng ai thèm ngó đến. Cuộc sống sung túc là tín hiệu đáng mừng, nhưng điều đó cũng không có nghĩa là phải phung phí vật chất để chứng minh sự đủ đầy, sung túc. Điều này nên chăng chúng ta cần học ở người phương Tây?

Cuộc sống luôn biến thiên, mọi quan niệm về văn hóa có thể bị thay đổi để phù hợp với thực tại, nhưng xét cho cùng, cách con người thực hành văn hóa mới là vấn đề cốt lõi để duy trì và phát huy nó. Và một trong những biểu hiện cụ thể là thành tâm không cứ phải mâm cao cỗ đầy.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast