"Tôi sẽ khuyên con bớt học đi và chơi nhiều hơn"

Trên trang Facebook cá nhân của mình, anh Nguyễn Quốc Toàn cho hay anh sẽ cho con vui chơi thay vì học thêm quá nhiều như hiện nay.

Theo phụ huynh này, khi trò chuyện với bạn bè, họ hàng về chuyện học hành, anh phát hoảng khi thấy các con học thêm văn hóa quá nhiều.

Chỉ biết học không phải tốt

Học chính khóa xong về nhà nghỉ được chút rồi lại đi học thêm đến 21h, có hôm đến 2h sáng hôm sau mà chưa hết bài. Tết về, các cháu cũng phải làm bài liên miên cả tuần như thế.

Trước đây, học sinh phải học thêm để thi đỗ các trường đại học lớn có học phí thấp, chất lượng đào tạo tốt, ra trường dễ xin việc. Song những điều này sẽ không còn đúng.

toi se khuyen con bot hoc di va choi nhieu hon

Thí sinh lo lắng, mệt mỏi trước giờ làm bài thi THPT quốc gia. Ảnh: Anh Tuấn.

Với cách thi trắc nghiệm hiện giờ và theo thống kê hàng năm, xác suất thi trượt phổ thông khá thấp, đặc biệt là ở nội thành, nơi phụ huynh cho con đi học thêm nhiều nhất. Tỷ lệ tốt nghiệp rất cao, thường trên 90% - 95%. Do vậy, học sinh không bắt buộc phải đi học thêm quá nhiều.

Hiện, đỗ đại học không phải chuyện quá khó. Chỉ một số trường có đầu vào khá cao như ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa, một số khoa của ĐH Quốc gia, các trường công an, quân đội đòi hỏi điểm số cao, nhiều trường ĐH, CĐ khác, thí sinh học lực khá là có thể đỗ.

Thứ hai, chỉ trong một thời gian rất ngắn, tiêu chí vào đại học ở Việt Nam sẽ thay đổi đáng kể, không chỉ phụ thuộc vào điểm số. Các trường sẽ xét thêm tiêu chí như hoạt động ngoại khóa, công tác xã hội, kỹ năng lãnh đạo, cộng đồng, thành tích thể thao...

Các trường tốt muốn nhận những sinh viên toàn diện hơn là những bạn chỉ biết học. Những sinh viên này có xác suất thành công cao hơn rất nhiều so với bạn chỉ biết học.

Những người chơi thể thao sẽ có tính cạnh tranh và có xu hướng hoàn thiện mình hơn. Việc vừa học vừa chơi thể thao cũng cho thấy họ có khả năng quản lý thời gian tốt. Những bạn trẻ có kỹ năng xã hội, lãnh đạo, hoạt động cộng đồng thường có năng lực làm việc nhóm, giải quyết vấn đề trong tổ chức sau này.

Thành công không chỉ có học tập

Hiện nay, nhiều trường đại học Việt Nam được tự chủ trong việc tuyển sinh, sẽ làm thay đổi đáng kể điều kiện đầu vào. Vì thế, để nâng cao chất lượng giáo dục, trường tốt sẽ dựa cả vào các tiêu chí ngoài học thuật để tuyển sinh.

toi se khuyen con bot hoc di va choi nhieu hon

Quan điểm về học tập của nhà báo Ngô Bá Lục. Đồ họa: Phượng Nguyễn.

Bên cạnh đó, học phí tại các trường công sẽ gần sát với mức của các trường tư. Phần lớn các trường công sẽ phải tự chủ thu chi và được quyền tăng học phí gần với thị trường. Do vậy, động lực vào trường công để có chi phí thấp sẽ không còn nhiều nữa. Các bạn trẻ không bắt buộc phải thi bằng được vào trường công chất lượng không quá tốt.

Chất lượng giáo dục tại các trường đại học sẽ ngày càng cao để cạnh tranh. Những chương trình liên kết quốc tế sẽ góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và thực hành ở trường tư.

Nếu phải chọn lựa vào một trường công bảo thủ, học phí cao và chương trình quốc tế chất lượng cao được kiểm định của đại học tư với mức học phí tương đương, bạn sẽ chọn trường nào?

Để có xác suất thành công cao trong cuộc đời, bạn cần được trang bị nhiều thứ ngoài việc học như giao tiếp xã hội, kiến thức chung, âm nhạc, nghệ thuật, thể thao, kỹ năng quản lý thời gian, lãnh đạo, ngoại ngữ...

Ai sẽ thành công hơn? Một bạn trẻ biết ăn mặc, viết lách rõ ràng, trình bày gãy gọn, có khả năng tổ chức, biết chơi thể thao, tham gia các chương trình văn nghệ hay người chỉ biết học phổ thông và đại học?

Ai có khởi điểm tốt hơn? Ai sẽ khỏe hơn để đua chặng đua cuộc đời? Ai sẽ có nhiều bạn hơn? Trong công việc, ai sẽ tạo mối quan hệ tốt hơn và có nhiều người giúp đỡ nhanh hơn khi có khó khăn?

Đơn giản thế thôi mà sao nhiều cha mẹ không hiểu, luôn ép buộc con mình vào vòng xoáy học đến mụ mẫm? Để rồi sau này, họ lại trách con không thành đạt.

Chúng ta phải tự trách bản thân vì đã không đào tạo con toàn diện trong những năm tháng quan trọng nhất của trẻ.

(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả).

Theo Zing

Chủ đề Thi cử - Tuyển sinh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast