Vì sao phương Tây xem sách là bạn, còn người Việt cắm cúi vào màn hình?

Nhiều người nước ngoài chia sẻ cách hướng trẻ đến thói quen tốt như đọc sách, vận động, thay vì cắm cúi vào "màn hình".

Vì sao phương Tây xem sách là bạn, còn người Việt cắm cúi vào màn hình?

Trẻ em đọc sách tại đường sách Nguyễn Văn Bình (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: TỰ TRUNG

Trên hết mọi phương pháp vẫn là hành vi của cha mẹ. Do đó, trước khi áp dụng mọi phương pháp, cần nhất vẫn là điều chỉnh thói quen và hành vi của mình trước mặt con cái để làm gương cho con
Chị NORAH

Ở phương Tây, điện thoại thông minh, iPad, tivi hay tất cả các thiết bị điện tử có màn hình khác được gọi chung là "màn hình". Nhiều người nước ngoài chia sẻ cách hướng trẻ đến thói quen tốt như đọc sách, vận động, thay vì cắm cúi vào "màn hình".

* Chị NORAH FLORSCH(người Pháp): Có nhiều cách giúp trẻ tránh xa "màn hình"

Tôi là mẹ của hai bé 6 tuổi và 3 tuổi. Là phụ huynh trong thời đại này, bạn phải chấp nhận một thực tế là "màn hình" xuất hiện như một thành viên trong gia đình, không thể tránh khỏi. Quan trọng là bạn hài hòa mối quan hệ giữa các thành viên như thế nào.

Cha mẹ Pháp có nhiều cách hạn chế hoặc giúp con tránh xa "màn hình", tóm lược trong hai cách sau: tách rời và thỏa hiệp.

Tách rời là giải pháp dành thời gian cho con như giúp con vận động. Chúng tôi thường dành thời gian rảnh để cả nhà cùng đi dạo bộ, đến công viên cho bé chơi, đạp xe cùng nhau hoặc đi bơi.

Khi bé 6 tuổi bắt đầu thích chơi trượt patin, tôi và chồng cũng trượt cùng con. Chúng tôi cũng đọc sách cùng con để xây dựng trong con niềm đam mê với sách...

Tuy nhiên, phương pháp tách rời này đa số đều thất bại cùng với thời gian, khi mà trẻ lớn dần lên, bắt đầu có nhiều nhu cầu giải trí hơn, còn cha mẹ thì khó khăn trong việc sắp xếp công việc để dành thời gian vui chơi cùng con cái.

Khi phương pháp tách rời thất bại, cha mẹ chuyển sang phương pháp thỏa hiệp. Cha mẹ sẽ thỏa thuận với con về việc sử dụng "màn hình", chẳng hạn bé chỉ được sử dụng 1 tiếng mỗi tuần. Bé có thể xem tivi, hoặc dùng máy tính bảng để xem YouTube, chơi game... nhưng phải sử dụng trong tầm quan sát của cha mẹ.

* Anh PETER(cầu thủ bóng đá, người Nigeria): Đừng đưa điện thoại cho con để... rảnh tay!

Tôi từng có bạn gái người Việt Nam. Lúc quen nhau, cô ấy có một em bé còn nhỏ. Tôi quan sát thấy mỗi khi muốn làm việc gì, cô ấy lại đưa điện thoại của mình cho bé chơi, chẳng hạn như lúc cần nấu cơm hay lúc đi ăn ở quán.

Điện thoại rất hấp dẫn đối với trẻ con vì các bé có thể xem hoạt hình, chơi game hoài mà không chán nhưng tôi không muốn thấy cô ấy lạm dụng nó với con mình như vậy. Tôi cũng thường góp ý về việc này và mỗi lần góp ý cô ấy đều gật gù, nhưng sau đó ít có sự cải thiện.

Sống ở Việt Nam đã 3 năm, tôi thấy người Việt Nam chiều chuộng con hơi nhiều. Người Nigeria chúng tôi không có chuyện chạy theo các em bé đút ăn rồi làm đủ trò để bé phải ăn như người Việt Nam, dù là khi chúng còn nhỏ. Chúng tôi để các bé đói và các bé phải ngồi vào bàn ăn một cách đàng hoàng.

Một bằng chứng nữa để tôi nói người Việt chiều chuộng con hơi nhiều là nhiều học sinh cấp I cũng được cha mẹ sắm cho iPad hay điện thoại và dường như chúng được sử dụng rất thoải mái.

Nigeria có thể là một đất nước còn tồn tại nhiều vấn đề xã hội, nhưng học sinh rất hiếu học. Học sinh Nigeria hiểu rằng phải đọc sách và làm bài tập trước khi đi chơi. Các em đọc sách giáo khoa, sách vở có liên hệ với bài học bên cạnh việc tham gia các hoạt động khác, chủ yếu là các hoạt động có trong máu của chúng tôi như ca hát, nhảy múa và đá bóng.

Thói quen tốt hay xấu cũng do tập luyện mà nên. Tôi nghĩ cha mẹ, anh chị em là những người thầy đầu tiên của trẻ. Nếu muốn con bớt gắn với điện thoại hay máy tính, các bậc phụ huynh phải làm cho chúng bận rộn một cách lành mạnh.

Và tốt nhất là hãy nên tham gia cùng với con, chứ đừng bắt chúng hãy làm bài đi, hãy học đi, tìm cái gì đó mà làm đi, nhưng mình thì lại ngồi cắm cúi vào điện thoại. Vì như vậy, bạn đang nói một đằng mà làm một nẻo. Con cái sẽ không tin bạn.

Thay vào đó, hãy cùng đá bóng với con, đánh thức chúng dậy cùng chạy bộ buổi sáng, đưa con đến thư viện cùng mượn những loại sách phù hợp để đọc, rủ con làm vườn nếu nhà bạn có vườn, rủ con nấu ăn nếu bạn thường nấu ăn ở nhà, hoặc hãy giao cho con đọc sách như một bài tập.

* Bà CLARE O"DWYER (trưởng thư viện và phòng hỗ trợ học thuật SV, Đại học RMIT VN): Hãy dẫn trẻ đến thư viện hoặc hiệu sách

Cha mẹ chính là hình mẫu mà bọn trẻ sẽ học tập theo. Vì vậy, những gì mà các bậc phụ huynh làm cũng sẽ góp phần nuôi dưỡng đam mê đọc sách của trẻ.

Hãy dẫn trẻ đến thư viện hoặc các hiệu sách, khuyến khích trẻ chọn những quyển sách mà chúng thích. Ngoài ra, bạn cũng nên đọc sách cho trẻ nghe.

Có rất nhiều bậc phụ huynh có thói quen sử dụng các thiết bị điện tử mọi lúc mọi nơi như máy tính bảng, điện thoại di động. Điều này vô tình khiến cho trẻ cũng bắt chước theo. Tại Úc, trẻ em có rất nhiều lựa chọn để giải trí và chúng rất thích đọc sách vì các thư viện công cộng, hiệu sách có mặt ở khắp nơi.

Tại môi trường học tập ở RMIT, chúng tôi thường xuyên tổ chức các sự kiện để khuyến khích đam mê đọc sách. Vào ngày 23-4 vừa qua, các sinh viên, cựu sinh viên và nhân viên đã cùng tham gia chương trình đổi hơn 1.500 quyển sách cũ lấy sách mới nhân Ngày đọc sách thế giới.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tặng gần 100 tựa sách hiện đang bán chạy nhất trên thị trường cho sinh viên, cung cấp những quyển sách phù hợp với sở thích đọc của sinh viên nhằm tạo niềm vui và giúp các bạn đọc tốt hơn.

Sau khi tốt nghiệp, sinh viên vẫn có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn tư liệu của thư viện trường chúng tôi. Thư viện vừa giới thiệu dịch vụ giao sách cho cựu sinh viên. Theo đó, cựu sinh viên sống ở bất kỳ đâu trên khắp Việt Nam đều có thể nhận sách miễn phí tận nhà. Sau khi ra mắt vào năm ngoái, đã có hơn một trăm cuốn sách được giao đến tay cựu sinh viên.

* Ông STIVI COOKE(người Úc): Nhiều tín hiệu tích cực về thói quen đọc

Nếu bạn thường xuyên đọc tin tức ở Việt Nam, bạn sẽ thấy những câu chuyện về các cá nhân xây dựng thư viện tư nhân là khá phổ biến.

Họ là những giáo viên về hưu và những người yêu sách, xây dựng thư viện rồi mời những người lạ đến khám phá bộ sưu tập sách của mình. Và các ngôi trường ở nhiều thành phố cũng đang cung cấp các mô hình thư viện nhỏ cho học sinh.

Các hội chợ sách hiện đang phát triển về quy mô, tần suất và sự đa dạng của các tài liệu cung cấp cho độc giả. Mới hồi giữa tháng 3 năm nay, Việt Nam đã tổ chức sự kiện sách lớn nhất từ trước đến nay: Hội chợ sách TP.HCM năm 2018.

Ngoài ra, theo quan sát của tôi, nhiều cửa hàng sách cũ cũng đang được nhân rộng ở TP.HCM. Và số lượng nhà kinh doanh bán sách online, đặc biệt là tiếng Anh và các sách ngoại ngữ khác cho trẻ em, tuy vẫn còn ít nhưng đang phát triển rất nhanh.

Hiện nay, nhiều phụ huynh đã nhận thức được giá trị của việc dạy học tại nhà, cũng như xây dựng thói quen đọc đối với con cái của họ nên nhu cầu tạo thư viện gia đình cũng đang trở nên phổ biến.

Một lợi thế của việc này là cho phép trẻ dễ dàng tiếp cận các tài liệu vào những ngày trẻ không đến trường, hay đọc được những tài liệu mà ở trường không có, hoặc không phải di chuyển xa nếu muốn đến các thư viện khác.

Trước khi về hưu, tôi từng là một giáo viên tiếng Anh. Tôi thường hỏi những học sinh ở độ tuổi tiểu học và trung học cơ sở ở Việt Nam rằng: "Em làm gì với thời gian rảnh rỗi ở nhà?". Đáng ngạc nhiên là rất nhiều em trông có vẻ chẳng hứng thú gì đến việc học lại trả lời là các em thích "trốn" trong phòng và đọc sách.

Ở TP.HCM, Hà Nội hay Đà Nẵng ngày càng có nhiều quán cà phê sách yên tĩnh được thiết kế với nội thất và âm nhạc phù hợp cho việc đọc sách. Nhiều học sinh của tôi thích đến những nơi đó và còn rủ bạn bè đọc sách cùng nhau...

Trong một cuộc thăm dò không chính thức mà tôi thực hiện với một số người bạn Việt Nam của mình, tôi hỏi họ thích đọc những gì. Hầu hết mọi người đều thích sách du lịch và sách dạy làm giàu hay thành công.

Vậy nên, theo tôi, tình hình đang rất khả quan. Trái với suy nghĩ của nhiều người, việc đọc sách ở Việt Nam đang ngày càng phổ biến.

Theo Tuổi trẻ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast