Tham vọng của Trung Quốc thổi bùng chạy đua vũ trang châu Á

Trung Quốc ồ ạt tăng chi tiêu quân sự và đòi hỏi chủ quyền vô lý trên biển Đông là nguyên nhân châm ngòi cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á.

Tên lửa chống tàu DF-21D được quân đội Trung Quốc khoe trong một cuộc diễu binh ở Bắc Kinh hồi tháng 9-2015 - Ảnh: Reuters
Tên lửa chống tàu DF-21D được quân đội Trung Quốc khoe trong một cuộc diễu binh ở Bắc Kinh hồi tháng 9-2015 - Ảnh: Reuters

Ngày 22-2, Viện Nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) công bố báo cáo khẳng định việc Trung Quốc ồ ạt tăng chi tiêu quân sự và đòi hỏi chủ quyền vô lý trên biển Đông là nguyên nhân châm ngòi cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á.

Theo báo Wall Street Journal, báo cáo thường niên của SIPRI cho thấy trong số 10 quốc gia nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới trong năm năm qua, có tới sáu thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ấn Độ là nước dẫn đầu và Trung Quốc đứng thứ ba.

Một báo cáo khác của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) khẳng định dù các quốc gia châu Á - Thái Bình Dương không giảm chi tiêu quân sự dù nền kinh tế gặp khó khăn vì giá hàng hóa sụt giảm và tăng trưởng Trung Quốc hụt hơi.

Trong năm 2015, Trung Quốc, Nhật, Hàn Quốc và Indonesia là các nước công bố ngân sách quốc phòng cao hơn năm trước.

Hiện tỷ lệ chi tiêu quân sự của khu vực châu Á đã tăng lên 1,48% GDP, mức cao nhất kể từ năm 2010. Riêng Trung Quốc chiếm 41% chi tiêu quân sự toàn khu vực, vượt xa Ấn Độ 13,5% và Nhật 11,5%.

Báo cáo của IHS Jane’s cũng dự báo chi tiêu quân sự khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ tăng lên 533 tỷ USD vào năm 2020 so với mức 435 tỷ USD của năm 2015.

WSJ dẫn lời doanh nhân Joakim Mevius thuộc tập đoàn vũ khí Thụy Điển Saab AB nhận định châu Á - Thái Bình Dương thị trường vũ khí nóng nhất ở thời điểm hiện tại.

Các chuyên gia SIPRI nhận định việc Trung Quốc ồ ạt tăng cường quân sự, xây đảo nhân tạo trái phép trên biển Đông nhằm thỏa mãn tham vọng chủ quyền vô lý là nguyên nhân chủ yếu dẫn tới cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á - Thái Bình Dương.

Động thái hiếu chiến nhất của Trung Quốc trong thời gian qua là việc triển khai tên lửa đất đối không tới đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.

“Đối với nhiều nước trong khu vực, hành vi này cho thấy Trung Quốc muốn khẳng định rằng biển Đông là của họ” - nhà nghiên cứu SIPRI Siemon Wezeman cho biết.

Theo SIPRI, tham vọng của Trung Quốc không chỉ ảnh hưởng đến các nước khu vực. Mỹ đang tăng cường đầu tư vào vào công nghệ quốc phòng cấp cao để đối phó với mối đe dọa từ Trung Quốc. Trong đề xuất ngân sách quốc phòng 582,7 tỷ USD Bộ Quốc phòng Mỹ gửi lên Quốc hội có 6,7 tỷ USD dành cho hoạt động phòng thủ trên mạng trước các đợt tấn công mạng từ Trung Quốc.

Không có dấu hiệu gì cho thấy Trung Quốc sẽ giảm chi tiêu quân sự. Nhà phân tích Craig Caffrey của IHS Jane’s cho biết dự kiến ngân sách quốc phòng Trung Quốc sẽ tăng lên 225 tỷ USD vào năm 2020 so với mức 191 tỷ USD của năm 2015.

Theo tuoitre.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast