5 "mồi lửa" có thể làm bùng phát chiến tranh thương mại Mỹ - Trung

Đòn trừng phạt của Washington với pin mặt trời hay thép Trung Quốc đều có thể làm bùng phát chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, nhưng Bắc Kinh không hề thiếu biện pháp trả đũa.

Ngày 30/1, trong Thông điệp Liên bang đầu tiên của mình, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói rằng nước Mỹ đã "khép lại những thập kỷ đầy các thỏa thuận bất công, những thỏa thuận đã hy sinh sự thịnh vượng của chúng ta, lấy đi các công ty, việc làm và sự giàu có của đất nước".

Ông tuyên bố nước Mỹ giờ đây sẽ đảm bảo mối quan hệ thương mại được "công bằng" và "có qua có lại", sẽ áp đặt luật lệ mạnh mẽ để bảo vệ công nhân Mỹ và tài sản trí tuệ của nước Mỹ.

Tổng thống không trực tiếp đề cập Trung Quốc trong phần nói về thương mại, dù vậy quan hệ thương mại Mỹ - Trung từ lâu đã là trọng tâm trong chính sách thương mại của Mỹ khi Trung Quốc là nước nhập siêu lớn nhất vào Mỹ. Cũng chính Trung Quốc là nước bị Mỹ cáo buộc "bảo hộ thương mại", ép buộc các công ty Mỹ chuyển giao công nghệ để đổi lấy thị trường...

5 moi lua co the lam bung phat chien tranh thuong mai my trung

Tổng thống Trump trong Thông điệp Liên bang đầu tiên của mình hôm 30/1. Ảnh: AFP.

Wu Xinbo, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Mỹ của Đại học Phúc Đán (Thượng Hải), nói rằng một cuộc "chiến tranh" toàn diện là điều không thể xảy ra, dù vậy Trung Quốc vẫn phải cẩn thận, đặc biệt khi thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc đang ngày một lớn.

"Trong năm đầu tiên tại nhiệm, Trump đã đạt được mục tiêu về cải cách thuế và làm giảm tỷ lệ thất nghiệp", ông Wu nói. "Giờ là lúc cho lời hứa cho lời hứa chưa đạt được về Trung Quốc".

South China Morning Post cho rằng có 5 vấn đề có thể làm bùng phát một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc.

Đánh thuế hoặc trừng phạt đối với công nghệ Trung Quốc

Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer hồi tuần trước đã thông báo rằng Mỹ sẽ áp đặt thuế suất 30% lên pin mặt trời. Động thái này được xem như một "nhát dao" đâm vào Trung Quốc, nhà cung cấp pin mặt trời lớn nhất cho Mỹ.

Lighthizer cáo buộc Trung Quốc có các hoạt động thương mại không công bằng như trợ cấp để thúc đẩy sản xuất trong nước, cho các nhà sản xuất nội địa lợi thế không công bằng trước các đối thủ.

Đáp lại, quan chức cao cấp của Bộ Thương mại Trung Quốc Wang Hejun nói rằng Bắc Kinh sẽ "quyết tâm bảo vệ lợi ích chính đáng của mình".

"Phạt nặng" việc ăn cắp tài sản trí tuệ

Hồi tháng 8, chính quyền Tổng thống Trump mở cuộc điều tra theo Khoản 301, Đạo luật Thương mại Mỹ 1974, nhằm vào cáo buộc Trung Quốc ăn cắp tài sản trí tuệ của nước này. Đầu tháng này, trong một cuộc phỏng vấn, Tổng thống Trump nói rằng chính quyền của ông có thể kết luận rằng Trung Quốc ép các công ty Mỹ chuyển giao tài sản trí tuệ của họ cho nước này để được phép làm ăn tại đại lục.

Tổng thống Mỹ cho biết chính quyền ông đang cân nhắc một "hình phạt lớn" đối với Trung Quốc.

Cố vấn kinh tế của tổng thống, ông Gary Cohn, nói rằng đại diện thương mại Mỹ sẽ sớm có khuyến nghị giải pháp, tức các biện pháp "phạt", cho việc này.

Đánh thuế nặng hoặc hạn chế đối với thép và nhôm

Tổng thống Mỹ cáo buộc Trung Quốc bán phá giá thép và nhôm tại thị trường Mỹ và chính quyền đang điều tra liệu các vật liệu nhập khẩu từ Trung Quốc có phải là mối đe dọa an ninh quốc gia Mỹ hay không. Một cuộc điều tra khác đang xem xét khả năng Trung Quốc bán phá giá tôn mỏng hợp kim nhôm.

Trung Quốc là nhà xuất khẩu thép lớn nhất thế giới, nước này cũng sản xuất hơn 1/2 lượng nhôm của thế giới.

5 moi lua co the lam bung phat chien tranh thuong mai my trung

Tổng thống Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm của ông Trump đến Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Hạn chế đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ

Kế hoạch hợp tác giữa nhà sản xuất điện thoại Trung Quốc Huawei với nhà mạng AT&T để bán điện thoại thông minh tại thị trường Mỹ đã không thành sau khi các nghị sĩ Mỹ phản đối kế hoạch này, lấy nguyên nhân là an ninh quốc gia.

Trước đó, Ant Financial, dịch vụ thanh toán điện tử có liên hệ với tập đoàn Alibaba (Trung Quốc), đã bị ép phải từ bỏ một thỏa thuận với MoneyGram, công ty chuyển tiền có trụ sở ở Texas. Hợp đồng này không được Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ, hội đồng trong quốc hội chuyên xem xét việc mua lại các công ty Mỹ, thông qua.

Hồi tuần trước, chính quyền Trump đã "bật đèn xanh" cho một dự luật để mở rộng quyền hạn của ủy ban này trong việc ngăn chặn các công ty nước ngoài mua lại doanh nghiệp Mỹ, trong bối cảnh có nhiều lo ngại về việc Trung Quốc muốn mua lấy các công ty công nghệ Mỹ.

Trung Quốc trả đũa về tài chính, thương mại

Ở mặt khác, South China Morning Post nhận định rằng Trung Quốc có cả "rổ" các biện pháp trả đũa họ có thể lựa chọn một khi chiến tranh thương mại nổ ra.

Ông Wu của Đại học Phúc Đán nói rằng Trung Quốc có thể ngưng mua máy bay Boeing, các sản phẩm của Apple hoặc nông sản Mỹ.

Các hãng hàng không Trung Quốc đang trong "cơn say" mua sắm máy bay và Trung Quốc được dự báo sẽ soán ngôi Mỹ để trở thành thị trường phương tiện hàng không lớn nhất thế giới trong 5 năm nữa. Nước này cũng là thị trường lớn thứ hai đối với iPhone và nông sản Mỹ.

5 moi lua co the lam bung phat chien tranh thuong mai my trung

Trung Quốc là thị trường lớn thứ hai thế giới đối với iPhone. Ảnh: AFP.

"Một loạt các đơn hàng Boeing sẽ bị thay thế bằng Airbus. Doanh số máy móc của Mỹ và iPhone tại thị trường Trung Quốc sẽ giảm, việc nhập khẩuđậu nành và bắp sẽ bị ngưng trệ. Trung Quốc còn có thể hạn chế số sinh viên đến Mỹ du học", theo một bài báo trên Global Times vào năm 2016, không lâu sau khi ông Trump đắc cử.

"Thị trường Trung Quốc là không thể thay thế được", ông nói thêm.

Theo South China Morning Post/Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast