Đông Nam Á và sự bành trướng của IS

Chân rết của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) giành quyền kiểm soát thành phố Marawi thuộc đảo Mindanao của Philippines; tổ chức đánh bom ở thủ đô Jakarta của Indonesia; kêu gọi các tổ chức Hồi giáo cực đoan mở đợt tấn công mới ở Malaysia, Thái Lan...

Những sự kiện này đang báo hiệu một mối nguy mới về sức công phá của "vòi bạch tuộc IS" tại khu vực Đông Nam Á, nơi có phần đông người Hồi giáo sinh sống.

Từ âm mưu thành lập "Caliphate"

Theo tin từ hãng Reuters, ngày 26-5, IS đã thừa nhận gây ra 2 vụ đánh bom hôm 24-5 tại bến xe buýt ở thủ đô Jakarta của Indonesia làm 3 cảnh sát thiệt mạng và 12 người khác bị thương.

Trang tin Amaq của IS còn viết, những kẻ thực hiện vụ tấn công này là chiến binh của IS. Chúng gồm Ichwan Nurul Salam và Ahmad Sukri, đều 31 tuổi và đang sống, làm việc tại thủ phủ Bandung của tỉnh Tây Java. Đáng chú ý là trong khi người dân khu vực Đông Nam Á nói chung và Indonesia nói riêng còn chưa hết bàng hoàng trước hai vụ tấn công này thì một loạt vụ đánh bom khác cũng đã xảy ra tại một bệnh viện ở thủ đô Bangkok và một vùng ở miền Nam Thái Lan.

Dù chưa có nhóm nào tuyên bố nhận trách nhiệm, song các nhà điều tra đã nghi ngờ thủ phạm đứng sau là các nhóm hoạt động ly khai Hồi giáo, ủng hộ IS. Riêng ở Philippines, tình hình trở nên nghiêm trọng hơn khi lực lượng an ninh nước này đã có các trận đụng độ ác liệt với Maute - nhóm chiến binh có liên hệ với IS. Kết quả của các trận đấu súng này là hàng chục người thiệt mạng và nhiều người khác bị thương.

Thậm chí, các chiến binh Maute còn giành được quyền kiểm soát thành phố Marawi trên đảo Mindanao, biến nơi này thành khu vực đầu tiên ở Đông Nam Á nằm trong tay của IS...

Các chuyên gia chống khủng bố nhận định, hàng loạt sự kiện xảy ra liên tiếp trong 3 ngày qua ở Philippines, Indonesia, Thái Lan cho thấy IS đang thay đổi chiến lược ở Đông Nam Á. Nghĩa là chúng vừa lôi kéo các nhóm Hồi giáo cực đoan ủng hộ mình, lại vừa kích thích sự phát triển của loại hình tấn công liều chết với mục tiêu cao nhất là gây bạo loạn trong khu vực và âm mưu thành lập "Caliphate" (Vương quốc Hồi giáo) ở khu vực Đông Nam Á.

Những quốc gia mà IS nhắm đến ở Đông Nam Á là Indonesia, Malaysia, Singapore, Philippines, Thái Lan, bởi những nơi này có sự hoạt động mạnh của các mạng lưới khủng bố như Jemaah Islamiah (JI), Jemaad Anshar Khalifah, Abu Sayyaf và Maute...

Một quan chức thuộc Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh, những cảnh báo về việc IS gia tăng bành trướng ở Đông Nam Á được đưa ra từ năm 2014 vì nơi này có gần 300 triệu tín đồ, chiếm 15% tổng số người theo đạo Hồi trên thế giới - một môi trường thuận lợi để IS dễ dàng truyền bá tư tưởng và lôi kéo các tín đồ Hồi giáo đi theo con đường khủng bố.

dong nam a va su banh truong cua is

Quân đội và cảnh sát Philippines được trang bị súng hạng nặng và các loại vũ khí hiện đại đang mở chiến dịch truy quét các chiến binh IS tại thành phố Marawi, trên đảo Mindanao, miền Nam nước này. Ảnh: Reuters.

Thêm vào đó, ở Đông Nam Á, trước khi IS tồn tại từng có nhiều nhóm vũ trang Hồi giáo hoạt động và sự nổi lên của IS sau này đã mang tới "nguồn cảm hứng mới" cho những kẻ cực đoan trẻ tuổi trong những nhóm này.

Đại diện khu vực Đông Nam Á của Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên Hợp Quốc (UNODC) Jeremy Douglas và chuyên gia phòng chống khủng bố khu vực Đông Nam Á của UNODC Joseph Gyte từ hồi giữa năm ngoái cũng đã cảnh báo rằng, số lượng nghi phạm khủng bố ở Indonesia, Malaysia, Philippines từ năm 2015 đến nay đã tăng gấp đôi so với những năm trước.

Các vụ đánh bom, bắt cóc do những nhóm có liên hệ với IS thực hiện cũng gia tăng. Vì thế, theo Jeremy Douglas và Joseph Gyte, không có gì ngạc nhiên nếu có hơn 1.000 chiến binh IS nguồn gốc từ các nước Đông Nam Á quay về phát triển tổ chức này trong khu vực khi IS tiếp tục mất địa bàn ở Trung Đông.

Báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ công bố hồi cuối năm ngoái cũng cho biết, hiện IS đã mất gần 50% lãnh thổ chúng từng kiểm soát tại Iraq và khoảng 20% lãnh thổ tại Syria. Điều này cũng có nghĩa là chúng cần một địa bàn mới để đứng chân với những điều kiện địa lý, yếu tố, xã hội, tôn giáo, con người... phù hợp cho khả năng thành lập một "Caliphate".

Và nhân tố Maute

Để ngăn chặn những bước tiến của IS trong khu vực, từ cuối năm ngoái, các quốc gia ở Đông Nam Á đã cùng họp bàn với nhau tìm cách đối phó. 3 nước gồm Philippines, Malaysia và Indonesia còn ký thỏa thuận ba bên để đối phó với các tội phạm xuyên biên giới, cướp biển và các hoạt động khủng bố do nhóm Abu Sayyaf (từng thề trung thành với IS) tiến hành.

Rồi tại cuộc họp của Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN hôm 15-5, quan chức quốc phòng các nước thành viên cũng đã ký tuyên bố chung nhằm tăng cường các bài tập quân sự chung, hỗ trợ nhân đạo và giảm nhẹ thiên tai...

Bộ trưởng Tư pháp Australia George Brandis hôm 24-5 tiết lộ rằng, chính phủ các nước trong khu vực ASEAN-Thái Bình Dương sẽ tổ chức một hội nghị cấp cao vào tháng 8 tới để phối hợp hành động nhằm chống lại mối đe dọa các chiến binh Hồi giáo hồi hương sau khi tham chiến tại Syria và Iraq.

Còn từ hôm 25-5 đến nay, hàng loạt chiến dịch truy quét, chống khủng bố đã được thực thi trên khắp các quốc gia. Như ở Malaysia, cảnh sát được yêu cầu tăng cường an ninh tại các khu vực biên giới, đặc biệt là vùng tiếp giáp với Philippines. Bộ Nội vụ Indonesia thì thông báo về việc tăng cường tuần tra kiểm soát tại các địa điểm trọng yếu, trong đó có các cửa khẩu hàng không, đường bộ và đường biển...

Philippines thì mạnh tay hơn cả khi ban bố tình trạng thiết quân luật kéo dài 60 ngày tại khu vực đảo Mindanao, nơi các lực lượng an ninh đang giao tranh với nhóm Maute và mở chiến dịch lớn truy quét các nhóm Hồi giáo cực đoan tại thành phố Marawi.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte còn cắt ngắn chuyến công du ở Nga để trở về quê nhà, trực tiếp chỉ huy chiến dịch này. Quan điểm của ông Rodrigo Duterte là không có kế hoạch thúc đẩy thỏa thuận hòa bình với nhóm Abu Sayyaf - tổ chức từng tuyên bố trung thành với IS, treo thưởng 1 triệu peso (20.000 USD) cho người bắt giữ hoặc tiêu diệt các phiến quân này khi chúng chạy trốn khỏi cuộc bao vây của lực lượng an ninh tại tỉnh Bohol.

Với nhóm phiến quân mới nổi Maute tự nhận là một chi nhánh của IS tại Đông Nam Á, Tổng thống Philippines cũng khẳng định rằng, không có sự khoan nhượng và quyết tâm tiêu diệt bằng được nhóm này. Giới quan sát nhận định, Maute đang đóng vai trò chủ chốt và quan trọng trong bước tiến của IS tại Đông Nam Á, bởi trong những ngày qua, nhóm này đã giúp IS giành quyền kiểm soát ở Marawi.

Tự xưng là Daulah Islamiyah, Maute do thủ lĩnh Abullah Maute đứng đầu. Abullah Maute là con trai cả của Cayamore Maute, thủ lĩnh nhóm ly khai Phong trào giải phóng Hồi giáo (MILF) từng làm mưa làm gió ở Philippines trong nhiều thập kỷ qua trước khi ký kết hòa đàm với chính quyền Manila hồi năm 2014.

Hãng Reuters cho biết, tuy ông Cayamore Maute ủng hộ hòa bình nhưng các con của thủ lĩnh này, trong đó có Abullah Maute lại không muốn vậy và đã tự tách ra lập nhóm riêng, tuyên bố chiến đấu cho IS. Và từ năm 2016, hoạt động của nhóm Maute tại Philippines bắt đầu gia tăng mạnh mẽ bởi nhận được sự hỗ trợ về tài chính và nhân lực từ IS.

Tháng 11 năm ngoái, cảnh sát Philippines đã phát hiện và ngăn chặn một vụ tấn công khủng bố bằng bom ở gần Đại sứ quán Mỹ tại thủ đô Manila. Trước đó, vào tháng 9-2016, Maute đã gây ra vụ đánh bom thành phố Davao làm 15 người thiệt mạng.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) mới đây có ra thông báo rằng, Abullah Maute và Isnilon Hapilon, thủ lĩnh nhóm Abu Sayyaf là những đầu não của IS tại Đông Nam Á.

Theo CAND

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast