Gió đổi chiều trên bán đảo Triều Tiên

Ngoại trưởng Mỹ chờ đợi Triều Tiên nói lời đối thoại Mỹ- Triều.

Trả lời cuộc phỏng vấn được phát vào ngày 18/2 trong chương trình "60 Minutes" (60 phút) của mạng truyền hình CBS, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cho biết ông đang "lắng nghe" các dấu hiệu cho thấy Triều Tiên sẵn sàng tham gia vào đối thoại trực tiếp.

gio doi chieu tren ban dao trieu tien

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson.

"Công việc của tôi dưới cương vị Ngoại trưởng là đảm bảo phía Triều Tiên hiểu rằng chúng tôi để ngỏ các kênh liên lạc. Tôi đang lắng nghe. Tôi không gửi đi nhiều thông điệp vì hiện tại không có gì để nói với họ [Triều Tiên-PV]. Vì vậy, tôi lắng nghe, chờ đợi họ nói rằng họ đã sẵn sàng đối thoại" - Ngoại trưởng Mỹ nói.

Tín hiệu đối thoại được chính Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố đã cho thấy phần nào phản ứng tích cực từ phía Mỹ đối với hòa bình trên bán đảo Triều Tiên.

Tuyên bố này thêm phần nào nhắc lại ý chí của Phó Tổng thống Mỹ phát ngôn sau khi rời khỏi sự kiện khai mạc ở Thế Vận Hội PyeongChang: "tin tưởng vào đối thoại với Triều Tiên".

Phát ngôn của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence khi đó là phản ứng cho thấy việc đối thoại Mỹ- Triều hoàn toàn tùy thuộc vào việc Bình Nhưỡng có sẵn sàng tham gia thảo luận với Mỹ hay không. Mỹ đang mở rộng hết mức mọi điều kiện và có thể nói là không đặt điều kiện gì với Triều Tiên trong việc ngồi vào bàn đối thoại.

Vì sao dù không nhiệt tình trong sự kiện khai mạc Thế Vận hội PyeongChang, Phó Tổng thống Mỹ vẫn khẳng định tín hiệu tích cực này?

Bởi trên thực tế, Thế vận hội PyeongChang đã là thành công vang dội của đối thoại liên Triều cho phép Triều Tiên đặt đồng minh của Hàn Quốc vào thế khó.

Thế Vận hội PyeongChang với sự gắn kết liên Triều cũng là một thành công vang dội của chiến lược nhà lãnh đạo trẻ Kim Yong-un.

Thế Vận hội PyeongChang diễn ra trong tình thế Trung Quốc, Nga luôn tìm kiếm những giải pháp chính trị, ngoại giao cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên, nhưng không thể bảo đảm Mỹ không tấn công Triều Tiên.

Còn Mỹ chỉ khẳng định là họ không có ý định tấn công hoặc xâm lược Triều Tiên và cam kết thực hiện nghiêm chỉnh điều đó, chứ Washington từ chối ký Hiệp ước không tấn công lẫn nhau với Bình Nhưỡng.

Để đảm bảo an toàn nhất lợi ích dân tộc và chủ quyền quốc gia mà không cần phải có hiệp ước hay cam kết đa phương, Triều Tiên còn lựa chọn duy nhất là kết nối liên Triều.

Tổng thống Hàn Quốc, ông Moon Jae-in đã thể hiện quan điểm đoàn kết dân tộc lên trước cả đồng minh Mỹ và người láng giềng Nhật Bản.

Tổng thống Moon Jae-in đã ngay lập tức bác bỏ lời kêu gọi từ phía Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, đề nghị nối lại các cuộc tập trận quy mô lớn giữa Mỹ và Hàn Quốc.

“Tôi hiểu Thủ tướng Abe không muốn trì hoãn các cuộc tập trận quân sự Mỹ - Hàn vốn nằm trong tiến trình giải trừ vũ khí hạt nhân Triều Tiên. Tuy nhiên vấn đề này thuộc về chủ quyền, vì vậy không nên can thiệp vào chuyện nội bộ của chúng tôi” - Tổng thống Hàn Quốc khẳng định.

Chính sự gắn kết liên Triều trong chiến thuật "thể thao chính trị" PyeongChang 2018 đã khiến ông Kim Yong-un thành công trong việc ép Mỹ ngồi vào bàn đối thoại trực tiếp.

Với sự có mặt của em gái ruột nhà lãnh đạo Kim Yong-un, tín hiệu hòa bình liên Triều đã được gửi đi một cách mềm mại và chân thành hơn cả.

Yonhap dẫn lời Tổng thống Moon tái khẳng định lập trường đã thể hiện khi tiếp bà Kim Yo-jong và cho biết thêm: “Chúng tôi đang chờ đợi cuộc đối thoại liên Triều có thể dẫn tới đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên cũng như mục tiêu phi hạt nhân hóa”. Nhà lãnh đạo còn lưu ý cả Bình Nhưỡng và Washington có thể đã bắt đầu thấy nhu cầu phải đối thoại với nhau.

gio doi chieu tren ban dao trieu tien

Sự mềm mại của em gái ông Kim Yong-un trong phái đoàn Triều Tiên đã mang thông điệp hòa bình lên trên cả sự quan ngại của người đồng minh Mỹ.

Trong khi đó, sự xuất hiện của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tại Thế Vận hội PyeongChang đã khiến chính nước Mỹ ở thế bị động. Nếu ông Mike Pence tiếp xúc với phái đoàn Triều Tiên, thì coi như kênh ngoại giao chính thức Mỹ-Triều đã được kết nối với sự đạo diễn của Chủ tịch Kim Jong-un, còn nếu không tiếp xúc thì phải chấp nhận để người Triều Tiên tung hứng, xem Mỹ như người ngoài cuộc.

Washington chọn không gặp phái đoàn Triều Tiên tham gia Thế vận hội mùa Đông PyeongChang 2018 và phải chấp nhận đối thoại với Bình Nhưỡng trong thế bị ép buộc, khi thoái lui sẽ trở thành thế lực đối lập với lợi ích của liên Triều.

Khi trả lời phỏng vấn từ trên chuyên cơ về nước ngày 11/2, kết thúc chuyến công du Đông Bắc Á và tham dự lễ khai mạc Olympic Mùa Đông, Phó Tổng thống Pence đã nói rằng Mỹ có thế đối thoại vô điều kiện với Triều Tiên. Tình thế khi đó cho thấy Washington đã chính thức thua nước cờ tuyệt hảo của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un.

Đàm phán Mỹ-Triều có thành?

Dẫu thành công trong Thế Vận hội PyeongChang, khả năng cuộc đối thoại trực tiếp vẫn còn xa vời.

Dù có khiêm tốn bày tỏ quan điểm không quá lạc quan, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vẫn tuyên bố còn quá sớm để thảo luận thời điểm có thể tổ chức cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.

“Có nhiều sự mong đợi nhưng tôi tin rằng điều đó còn hơi nóng vội" - Tổng thống Moon Jae-in nói với phóng viên.

Điều đó cũng sẽ cho thấy một cuộc gặp Mỹ-Triều cũng còn rất xa vời.

Ngay cả khi Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson bày tỏ thông điệp "chờ đợi" câu trả lời từ Triều Tiên trong cuộc đối thoại Mỹ-Triều, ông cũng không ngại ngần về "cây gậy" chờ sẵn.

"Chúng tôi không dùng "cà-rốt" để thuyết phục họ tham gia đàm phán, chúng tôi sử dụng những cái gậy lớn - và họ cần phải hiểu điều này. Chiến dịch gây sức ép đang có tác dụng với Triều Tiên" - Ngoại trưởng Tillerson tuyên bố.

gio doi chieu tren ban dao trieu tien

Đàm phán Mỹ-Triều vẫn còn xa vời.

Sau khi khẳng định trên chuyên cơ về khả năng diễn ra cuộc gặp Mỹ-Triều, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence hôm 14/2 lại tuyên bố có đôi chút thay đổi: "tin tưởng vào đối thoại với Triều Tiên, song đối thoại chứ không phải là thương lượng".

Ông Mike Pence nêu điều kiện: "Triều Tiên phải từ bỏ hoàn toàn và có thể kiểm chứng được các chương trình tên lửa và hạt nhân của nước này, và chỉ khi đó Mỹ mới có thể cân nhắc bất kỳ thay đổi nào trong cách tiếp cận của mình".

Từ "vô điều kiện" với Triều Tiên ngày 11/2, Phó Tổng thống Mỹ chuyển sang cuộc gặp "có điều kiện" đi kèm với "những lựa chọn quân sự khả thi".

Theo ông Pence, Washington sẽ không từ bỏ việc gây sức ép cho đến khi Bình Nhưỡng thực sự làm được điều gì đó, mà có thể khiến liên minh Mỹ-Hàn Quốc nhận thấy Triều Tiên đã thể hiện bước đi ý nghĩa hướng tới phi hạt nhân hóa.

Giới phân tích quân sự cho rằng, việc Mỹ nêu điều kiện đối thoại với Triều Tiên là nhằm "vớt vát" chút thể diện sau khi đã "sập bẫy ngoại giao" của Chủ tịch Kim Jong-un.

Rõ ràng, Washington đã việt vị trước nước cờ của ông Kim. Chính vì vậy, Washington lại thể hiện bài quen thuộc là "nuốt lời" để tránh có thể sập bẫy tiếp theo của nhà lãnh đạo trẻ xứ Bắc Hàn và nêu điều kiện đối thoại với Bình Nhưỡng là một cách phòng tránh tốt nhất, dù phải muối mặt.

Theo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast