“Kẻ thắng người thua” thời kỳ hậu IS

Sự nổi lên của IS và cuộc chiến chống lại chúng đã mang lại lợi ích cho một số bên, song lại gây tổn thất cho một số bên khác.

ke thang nguoi thua thoi ky hau is

Các tay súng SDF vẫy cờ ăn mừng sau khi giành quyền kiểm soát Raqqa. Ảnh: Reuters

Đây là nhận định được đăng trên trang báo điện tử Gulfnews của Các Tiểu Vương quốc Arập Thống nhất (UAE)

Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) gây kinh hoàng một thời gần như đã bị đánh bại ở cả Iraq lẫn Syria. Các tay súng IS đã bị đánh bật ra khỏi những thành phố quan trọng của Iraq như Mosul, Tikrit và Fallujah.

Theo dự đoán, vào cuối tháng này, các hang ổ cuối cùng còn lại của IS tại Syria cũng sẽ bị các lực lượng người Kurd ở tỉnh Idlib và thành phố Raqqa xóa sổ, trong khi những vị trí cuối cùng của chúng tại 2 tỉnh Deir Al Zor và Al Mayadeen dọc sông Euphrates sẽ bị quân đội Syria chiếm giữ.

Với những diễn biến mới nhất, Syria và Iraq sẽ sớm được tuyên bố rằng không còn bóng dáng IS, khiến giới quan sát tự hỏi ai là người thắng, kẻ thua?

Người thắng

Chế độ Syria: Nhiều người từng dự đoán về sự sụp đổ nhanh chóng của chế độ Syria hồi năm 2011 cho tới khi những ưu tiên của cộng đồng quốc tế thay đổi sau sự nổi lên của IS năm 2014. Chế độ Syria đã cố gắng "tiếp thị" và quảng bá bản thân mình như một đồng minh trong cuộc chiến chống khủng bố.

Sự "chào hàng" của chính quyền Syria đã bị Mỹ bác bỏ thẳng thừng, nhưng lại được Nga và Iran chấp nhận và khuyến khích. Hai nước này đã can thiệp và hỗ trợ cả về tài chính lẫn quân sự để đảm bảo các đồng minh Syria được bảo vệ vững chắc với lập luận rằng nếu Tổng thống Syria Bashar al-Assad ra đi, IS sẽ chiếm trọn quốc gia Trung Đông này.

Một số đồng minh quốc tế, từng cam kết theo đuổi lập trường chống Assad nhưng không sẵn sàng tham gia việc lật đổ nhà lãnh đạo Syria này, đang xem IS như một mục tiêu quan trọng hơn nhiều.

Iran: Hơn bất kỳ quốc gia nào trong khu vực, Iran được hưởng lợi rất lớn từ IS. Tehran đã sử dụng mối đe dọa từ tổ chức khủng bố này để biện minh cho sự can thiệp hiển nhiên vào cuộc xung đột Syria, tấn công mọi đối tượng trên chiến trường, đồng thời cáo buộc họ là thành viên của IS hoặc là những người ủng hộ tổ chức này.

Hezbollah: IS đã trao cho Hezbollah một lý do để tồn tại trong một thế giới phức tạp của nền chính trị Trung Đông. Lời hứa giải phóng khu vực Shebaa Farms hiện vẫn bị Israel chiếm đóng của Liban hầu như không liên quan đến Mùa Xuân Arập năm 2011.

Hezbollah cần có một kẻ thù để chiến đấu - một lý do mới để biện minh cho việc sở hữu vũ khí cũng như sự tồn tại của mình. Phong trào này đã tìm thấy đối tượng cần tìm trong IS, nhóm khủng bố từng chiếm giữ một số ngôi làng của Liban. Hezbollah cũng đã đưa quân tiến sâu vào lãnh thổ Syria để chống lại các nhóm phiến quân dưới chiêu bài chống IS.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan: Ông Erdogan - một đồng minh thân cận với các nhóm đối lập chống Tổng thống Assad - đã được trao thưởng "một lát bánh Syria" trong một thỏa thuận chung với Iran và Nga liên quan đến cuộc khủng Syria.

Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ được tự do chống lại các chiến binh Hồi giáo ở thành phố Idlib thuộc Đông Bắc Syria, gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ. Nhờ cuộc chiến này, ông Erdogan sẽ chống lại tham vọng ly khai của người Kurd vốn vẫn là mối đe dọa hàng đầu đối với Thổ Nhĩ Kỳ, nơi cộng đồng người Kurd với lượng dân số lớn sinh sống.

Người Kurd ở Syria: Họ đã thuyết phục được Washington rằng họ là những đối tác hiệu quả nhất trong cuộc chiến chống khủng bố, với các hoạt động thành công chống lại IS tại Kobani và Manbij. Người Kurd tại Syria đã được Mỹ hậu thuẫn trong bối cảnh tất cả các nhóm phiến quân trước đây do Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) bảo trợ đều bị xóa sổ.

Đầu mùa Hè năm nay, lực lượng người Kurd đã được Mỹ "bật đèn xanh" để tổ chức cuộc tấn công giải phóng thành phố Raqqa. Đổi lại, Các Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đã được trao quyền tự trị tại một khu rộng khắp giàu dầu mỏ ở phía Đông sông Euphrates - một sự nhượng bộ dường như cũng đã được Nga đồng ý.

Kẻ thất bại

Nhóm đối lập Syria: Một liên minh lớn gồm các nhóm khác nhau chống Tổng thống Assad đã bị chọc giận bởi sự nổi lên của IS. Khi thông báo với các nước trên thế giới hồi năm 2011-2012, họ tuyên bố rằng cuộc nổi dậy ở Syria là một phong trào hòa bình, dân sự và ôn hòa.

Nhiều người đã coi IS là sự sáng tạo của tình báo Iran và nghi ngờ về sự tồn tại của Abu Bakr Al Baghdadi. Kết quả là Quân đội Tự do Syria (FSA) - ban đầu là nhóm phiến quân hiệu quả nhất trên chiến trường Syria - đã bị co cụm lại và gần như bị đánh bại ở hầu hết các khu vực của quốc gia Trung Đông này.

Qatar: Quốc gia nhỏ bé giàu dầu mỏ Qatar đã đầu tư lớn vào việc nhanh chóng mở rộng sự cai trị của IS, coi mình là quốc gia duy nhất trong khu vực có thể giải quyết các tranh chấp với nhóm chiến binh cực đoan này.

Khi cuộc chiến chống khủng bố trở nên rõ ràng, hầu hết các nước trong khu vực đã cáo buộc Qatar truyền bá trào lưu chính thống Hồi giáo và sử dụng kênh truyền hình Al Jazeera có trụ sở tại Doha làm công cụ tuyên truyền hiệu quả nhằm gây bất ổn trong khu vực. Cuối cùng, Qatar đã bị loại ra khỏi liên minh quốc tế chống IS.

Tổ chức Anh em Hồi giáo: Mặc dù cách hiểu và thực hiện luật Hồi giáo của tổ chức Anh em Hồi giáo khác biệt hoàn toàn với "tầm nhìn tàn bạo" của IS, song tổ chức này đã trở thành một kẻ thất bại thảm hại, chủ yếu do có tư tưởng tội lỗi.

Các quan chức của Anh em Hồi giáo không thừa nhận IS, nhưng vẫn bênh vực và đấu tranh cho tư tưởng của họ về một nhà nước Hồi giáo. Khái niệm về Hồi giáo chính trị của Anh em Hồi giáo đã làm mất đi nhiều thanh thế của tổ chức này vì cuộc chiến chống IS ở phạm vi khu vực và quốc tế rất mạnh mẽ và cương quyết./.

Theo TTXVN

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast