Mối lo chủ nghĩa ly khai ở châu Âu

Việc Catalonia muốn độc lập chỉ là một phần của làn sóng ly khai và độc lập xảy ra dồn dập ở châu Âu, nhất là kể từ khi Liên Xô tan rã. Catalonia đã làm gia tăng nỗi e ngại ở các nước EU.

moi lo chu nghia ly khai o chau au

Biểu tình ở Barcelona phản đối Catalonia độc lập

Catalonia chưa quyết định độc lập

Catalonia thêm lần nữa thất bại trong việc đưa ra quyết định cuối cùng về việc có chính thức tuyên bố độc lập hay không, khi thời hạn chót của Chính phủ Tây Ban Nha đưa ra yêu cầu khu vực này ngừng tuyên bố độc lập vào lúc 9 giờ (GMT, tức 16 giờ Việt Nam) ngày 16-10 trôi qua mà không có động tĩnh gì.

Tuy nhiên, người đứng đầu khu vực Catalonia Carles Puigdemont đã gửi 1 bức thư tới Chính phủ Tây Ban Nha chỉ 2 giờ trước thời hạn chót. Theo Reuters, lá thư nhắc lại lời đề nghị của ông Puigdemont muốn gặp Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy càng sớm càng tốt để thảo luận về tình hình tại Catalonia và yêu cầu cuộc đối thoại diễn ra trong 2 tháng tới.

Vào ngày 10-10, ông Puigdemont đã tạm ngừng tuyên bố độc lập sau kết quả trưng cầu dân ý với đa số ủng hộ Catalonia độc lập, khi đó ông cũng kêu gọi đối thoại với Madrid. Chính phủ Tây Ban Nha đã có sẵn phương án áp dụng theo Điều 155 Hiến pháp Tây Ban Nha.

Theo đó, nếu Catalonia tuyên bố độc lập, Thủ tướng Rajoy sẽ sa thải chính quyền khu vực Catalonia và kêu gọi cuộc bầu cử mới. Hơn nữa, một số doanh nghiệp lớn đã đe dọa sẽ chuyển ra khỏi khu vực Catalonia khi nghe EU tuyên bố một Catalonia độc lập sẽ bị cô lập bên ngoài khối EU. Đối với Tây Ban Nha, Catalonia độc lập sẽ làm suy yếu vị trí kinh tế và tài chính của nước này, vì Catalonia đóng góp 20% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tây Ban Nha.

Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu từ năm 2008 cho thấy Barcelona (thủ phủ của Catalonia) đã phải cáng đáng trang trải nợ nần cho Tây Ban Nha khiến khu vực này mệt mỏi, khao khát “ly hôn”. Người Catalonia cũng có ngôn ngữ riêng của họ, không chỉ đơn thuần là phương ngữ của tiếng Tây Ban Nha.

Lo ngại dây chuyền

Thủ tướng Mariano Rajoy và những người ủng hộ ông (bao gồm cả Nhà vua Tây Ban Nha) lo rằng, nếu Catalonia độc lập, khu vực Basque có thể là kế tiếp và Valencia, nơi nói tiếng Catalan, có thể tìm cách nhập với Catalonia. Quần đảo Balearic cũng gần gũi Catalonia hơn. Và ở đầu kia của đất nước, Galicia có thể cũng tách khỏi Tây Ban Nha.

Brussels quan ngại khi Catalonia độc lập, chế độ của tất cả thành viên bị rối loạn và nghiêm trọng hơn, sự ly khai của người Catalonia sẽ tạo ra những chuyển động khác. EU hiện không có cơ chế tác động đến những cuộc nổi dậy chính trị mà chỉ có cơ chế xử lý các vấn đề thương mại. Brussels muốn Tây Ban Nha duy trì được toàn vẹn lãnh thổ.

Các quốc gia thành viên EU nói rằng, cuộc bỏ phiếu của Catalonia là bất hợp pháp theo Hiến pháp Tây Ban Nha. Nam Tư là một ví dụ điển hình về những gì có thể xảy ra, hay sự phân chia của Tiệp Khắc cũ (trở thành Cộng hòa Czech và Slovakia). Tại Bỉ, những người nói tiếng Hà Lan ở vùng Flander thịnh vượng không muốn tiếp tục chi tiêu phúc lợi cho những người nói tiếng Pháp ở miền Nam. Người ta cho rằng, Bỉ sẽ gặp khó khăn trong việc duy trì sự toàn vẹn lãnh thổ nếu vùng Flander tách ra.

Tại Italia, những người miền Bắc giàu có coi thường người Italia nghèo hơn ở Mezzogiorno hay đảo Sardinia cũng muốn tách khỏi Italia.

Đảo Corse cũng hăm dọa ly khai khỏi Pháp. Và Scotland không ủng hộ Brexit, mong muốn tách khỏi Anh để ở lại EU.

Ngay cả ở Đức, vùng Bavaria đã có sự gia tăng về ý muốn ly khai, với kết quả từ cuộc khảo sát gần đây là có 1/3 người dân muốn rời khỏi Đức. Tuy nhiên, tòa án hiến pháp của Đức cấm mọi cuộc trưng cầu dân ý Bavarian về độc lập.

Tại Đan Mạch, quần đảo Faroe tự trị cũng có thể đòi độc lập. Điều đó giải thích tại sao đa số thành viên EU phản đối việc Catalonia nỗ lực giành độc lập và đã kêu gọi Catalan tuân thủ Hiến pháp Tây Ban Nha.

Theo SGGP

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast