Mỹ ngừng hỗ trợ quân đối lập Syria: Cáo bắt tay gà?

Có nhiều ý kiến nghi ngờ về “sự chận thành” trong tuyên bố của Mỹ về việc từ bỏ sự hỗ trợ cho các nhóm phiến quân đối lập Syria.

Tướng Mỹ thừa nhận không có quyền hiện diện ở Syria

Trong cuộc phỏng vấn mới đây của NBC News, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Lavrov đã tuyên bố không phản đối căn cứ của Mỹ ở Syria, nhưng phải là bố trí trên cơ sở pháp lý, tức là phải đạt được thỏa thuận với chính quyền Damascus và tuân thủ theo luật pháp nước này.

Theo giới quan sát, từ trước đến nay, giới chức lãnh đạo Damascus có truyền thống chống lại hiện diện quân sự của nước ngoài trên lãnh thổ của mình khi không được phép.

Tuy nhiên, trên thực tế chính quyền nước này đành phải chịu đựng hiện diện của quân đội Hoa Kỳ trên lãnh thổ nước mình và quân đội nước sở tại lại còn phải tránh đụng độ với lực lượng Mỹ, mặc dù Lầu Năm Góc đã nhiều lần ra lệnh giáng đòn tấn công vào quân đội Syria.

Ngày 20/7, Tướng Raymond Thomas - người chỉ huy chiến dịch đặc nhiệm của Hoa Kỳ tại Syria đã tuyên bố rằng, Hoa Kỳ không có cơ sở pháp lý để ở lại Syria, nơi lực lượng Mỹ không có sự cho phép của Damascus vẫn tiến hành chiến dịch quân sự chống bọn khủng bố.

"Không còn xa nữa cái ngày khi người Nga sẽ nói với chúng ta: "Tại sao các vị vẫn cứ ở Syria?". Họ đã tiến rất gần đến ngày đó… Chúng ta đến Syria là hợp lý, nhưng nếu muốn trụ lại thì sẽ không thể. Người Nga thì có thể làm như vậy" - tướng Thomas nhận xét khi phát biểu tại diễn đàn an ninh ở Aspen, bang Colorado.

Đồng thời, ông này nhắc rằng, cơ sở duy nhất để quân đội Mỹ hiện diện ở Syria là để tiến hành cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Với lí do đó, Washington đã từ chối chấm dứt hoạt động chiến sự, bất kể sự phản đối từ phía chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad.

Trong bối cảnh đó, một vấn đề hết sức bất ngờ đối với giới phân tích là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố quyết định chấm dứt hoạt động chương trình của Cơ quan Tình báo Trung ương về vũ trang hóa và đào tạo nhân sự cho lực lượng đối lập tại Syria.

my ngung ho tro quan doi lap syria cao bat tay ga

Biếm họa nước ngoài về “quy trình biến khủng bố thành đối lập ôn hòa” của Mỹ

Báo Washington Post của Mỹ hôm 20/7 đã dẫn nguồn tin riêng cho biết rằng, chương trình này đã được hoạch định từ khá lâu nhưng chính thức hoạt động từ năm 2013, với mục đích then chốt là làm suy yếu chính quyền Syria và buộc Tổng thống Assad phải từ chức.

Tuy nhiên, ở trong nội bộ nước Mỹ, chương trình này đã vấp phải những sự chỉ trích gay gắt vì thiếu hiệu quả. Theo đó, Mỹ đã bỏ ra hàng tỷ USD để chiêu mộ lực lượng đối lập, cung cấp vũ khí và huấn luyện tân binh cho họ, nhưng đại bộ phận lực lượng này đã bỏ sang theo các nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) hay chi nhánh al-Qaeda Syria là Jabhat al-Nusra (đã đổi tên thành Jabhat Fatah al-Sham, hiện nay lãnh đạo liên minh khủng bố Hayat)

Theo nguồn riêng của tờ báo, ông Trump quyết định đóng cửa chương trình này vào tháng 6 sau cuộc gặp gỡ với Giám đốc CIA Mike Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia Herbert McMaster.

Tuy nhiên, Washington Post cũng cho biết rằng, chương trình hỗ trợ phe đối lập Syria đã chấm dứt nhưng kế hoạch huấn luyện lực lượng chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) vẫn tiếp tục hoạt động. Mặc dù vậy, tờ báo này không cho biết là Mỹ sẽ tiếp tục huấn luyện lực lượng nào.

Nhà Trắng không xác nhận việc chấm dứt chương trình của CIA, như Sarah Sanders, đại diện Nhà Trắng nói với giới phóng viên. Về phía mình, phát ngôn viên của CIA tuyên bố rằng, cơ quan này từ chối bình luận về những tin tức mà giới truyền thông đưa ra.

Mặc dù CIA và Nhà Trắng từ chối bình luận thông tin này, tuy nhiên, giới phân tích đã đưa ra những quan điểm riêng của mình về việc Hoa Kỳ chấm dứt chương trình hỗ trợ các nhóm phiến quân đối lập ở Syria, do Cục tình báo Mỹ CIA tiến hành.

Theo ông Yezid Sayigh, cộng tác viên cao cấp tại Trung tâm nghiên cứu Trung Đông thuộc Học viện Carnegie vì Hòa bình quốc tế, quyết định của Tổng thống Donald Trump ngừng chương trình trang bị vũ khí và huấn luyện quân sự cho phe đối lập chống chính phủ Syria có thể được xem là một thỏa hiệp với Nga.

"Đây có thể là một thỏa hiệp với Nga. Nhưng không rõ liệu nó liên quan đến việc cung cấp sự hậu thuẫn cho các nhóm đối lập như Jaish Magavir al-Thawra đang hoạt động ở phía nam của Syria, hiện đang được Hoa Kỳ và Jordan giúp đỡ hay không” - ông Yezid Sayigh nói.

Mặc dù không chắc chắn về tương lai của nhóm phiến quân thuộc chi nhánh phía Nam của nhóm đối lập Quân đội Syria Tự do (FSA) nhưng ông Sayigh cho biết rằng, điều này sẽ không ảnh hưởng đến việc hỗ trợ cho lực lượng người Kurd thuộc Liên minh Dân chủ Sirya (SDF) ở phía bắc.

Theo ông, có lẽ chương trình của CIA mà tờ Washington Post đang nói đến kế hoạch giúp phiến quân ở phía tây bắc Syria do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, và điều đó trên thực tế đã bị đình chỉ trong một thời gian, vào hồi cuối tháng 2 năm nay.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng quan tâm lôi cuốn vào quá trình trong khu vực này, do đó bất kỳ sự thay đổi chính sách của Mỹ đối với phiến quân có thể phản ánh bất đồng quan điểm vẫn tiếp diễn với Thổ Nhĩ Kỳ, mà chúng ta nhìn thấy trong các vấn đề khác - nhà nghiên cứu kết luận.

Một số luồng quan điểm khác cho rằng, đây chẳng qua là chiêu trò mới của Mỹ, còn bản chất sự việc vẫn là như cũ.

Lưu ý đến tuyên bố của Washington là “kế hoạch huấn luyện lực lượng chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo vẫn tiếp tục hoạt động” chúng ta nhận thấy rằng, như vậy Mỹ sẽ vẫn hỗ trợ cho lực lượng người Kurd và nhóm phiến quân của FSA và bất cứ nhóm nào được Mỹ gán cho cái mác “lực lượng chống khủng bố”.

my ngung ho tro quan doi lap syria cao bat tay ga

Mỹ thực sự từ bỏ hỗ trợ cho khủng bố và đối lập Syria?

Như vậy, rất có thể trong tương lai Mỹ sẽ định hướng cho các nhóm phiến quân đối lập từ bỏ sự đối đầu với chính quyền Syria, khoác cho các nhóm “đối lập ôn hòa” cái áo “lực lượng chống khủng bố”, danh chính ngôn thuận bảo vệ chúng trước sự truy quét của quân đội Syria.

Khi đó, hiện trạng các vùng ngừng bắn hiện nay vẫn sẽ được giữ nguyên, các lực lượng đối lập vẫn chiếm lĩnh các khu vực trong lãnh thổ Syria để làm điều kiện mặc cả với chính quyền Damascus, đồng thời trong thời gian tới “mặt trận chống khủng bố” của Mỹ sẽ được mở rộng, các nhóm đối lập nhỏ lẻ sẽ được quy về một mối để tăng cường lực lượng giúp Mỹ giành lợi thế trước Quân đội Syria trong cuộc chạy đua đánh chiếm những khu vực hiện IS đang kiểm soát.

Mặc dù Mỹ tuyên bố là không còn đòi Tổng thống Assad phải ra đi (bởi điều đó là không thể) nhưng với việc điều chỉnh chiến lược mới, Mỹ sẽ đẩy mạnh chiến lược “biến khủng bố thành đối lập, dùng đối lập đánh IS” để đánh chiếm thêm các vùng đất của Syria từ tay IS (như người Kurd ở Hasakah, Raqqa và có thể là cả Deir Ezzor).

Vừa qua, giới lãnh đạo phe đối lập Syria tuyên bố rằng, hơn mười nghìn chiến binh đối lập thuộc vùng Talbisi (tỉnh Homs), tỉnh Hama và một phần tỉnh Idlib sẵn sàng đàm phán với chính quyền Syria để chống khủng bố Jabhat al-Nusra và tham gia đánh chiếm tỉnh Deir Ezzor từ tay tổ chức khủng bố IS.

Nếu đây thực sự là mong muốn chân thành của các phe nhóm đối lập Syria thì có thể nói rằng đó là điều hết sức đáng mừng đối với nhân dân Syria; tuy nhiên, nếu họ thực hiện điều này theo chỉ đạo của “một ai đó” thì việc hợp tác này thực sự là “con dao hai lưỡi” đối với chính quyền Damascus.

Theo Thiên Nam/baodatviet.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast