Quân đội Trung Quốc: Top 3 nhưng vẫn ở chiếu dưới Nga-Mỹ

Theo nguyệt san Focus của Đức, Nga, Mỹ và Trung Quốc vẫn là 3 cường quốc quân sự hàng đầu của thế giới.

Mỹ-Nga vẫn đứng vị trí số 1 và số 2 thế giới

Trong bảng xếp hạng “Chỉ số hỏa lực thế giới” mới nhất của mình, Focus đã tập trung thống kê cụ thể về ngân sách quốc phòng và chi phí cho vũ khí trang bị; số lượng các trang bị chiến đấu chủ lực như: Tàu chiến; máy bay chiến đấu và trực thăng, xe tăng và xe thiết giáp…

Dựa trên những số liệu cụ thể về quân lực của 126 quốc gia và vùng lãnh thổ, Focus đã xếp hạng Mỹ, Nga và Trung Quốc là 3 cường quốc quân sự hàng đẩu thế giới. Đứng ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Ấn Độ, Pháp, Anh, Nhật Bản, Đức và Italia.

Mỹ vẫn duy trì vị trí số 1 trong bảng xếp hạng cường quốc quân sự toàn cầu nhờ ngân sách quốc phòng khổng lồ, lên tới 581 tỷ USD (lên cao hơn nữa với nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trunp). Chi phí cho quân sự của Mỹ thậm chí còn lớn hơn tổng ngân sách quốc phòng của 9 nước đứng sau trong top 10.

Về hải quân: Tuy có số lượng chiến hạm không nhiều (415 chiếc) nhưng tổng tải trọng của các chiến hạm Mỹ là vô cùng lớn, cùng với đó là chất lượng các tàu nổi, tàu ngầm thuộc dạng đỉnh cao của thế giới. Hơn nữa, chỉ tính riêng lực lượng không quân của hải quân Mỹ cũng lớn hơn một số cường quốc đứng sau.

Mỹ có tới hơn 13.444 máy bay cánh cố định và trực thăng (số lượng máy bay cánh cố định là hơn 7000 chiếc, trực thăng các loại là hơn 6000 chiếc), nhiều hơn tổng số máy bay và trực thăng của 9 quốc gia xếp sau trong top 10. Chỉ có duy nhất chỉ số xe tăng-thiết giáp là Mỹ chịu xếp sau Trung Quốc với tỷ lệ 8800/9150 chiếc, tuy nhiên, về chất lượng thì khỏi phải bàn.

Trong bản xếp hạng của Focus, Nga xếp thứ 2 về đánh giá quân lực, trong đó, nước này được đánh giá là đứng đầu thế giới về lực lượng lục quân, với số lượng xe tăng-thiết giáp vượt qua con số 15.000 chiếc.

quan doi trung quoc top 3 nhung van o chieu duoi nga my

Mỹ và Nga vẫn là 2 cường quốc quân sự hàng đầu thế giới

Lực lượng không quân và hàng không thuộc các quân chủng của Nga cũng được xếp hạng 2 với số lượng 3547 máy bay cánh cố định và trực thăng, cùng với chất lượng tác chiến tốt đã được kiểm nghiệm qua thực tế.

Còn lực lượng hải quân, nếu chỉ xét về số lượng tàu thuyền thì Nga chỉ được xếp hạng 3, sau Mỹ và Trung Quốc, nhưng nói về chất lượng, đặc biệt là các tàu ngầm hạt nhân hùng mạnh của Nga thì Trung Quốc không xứng là đối thủ, chỉ có Mỹ là được đánh giá cao hơn Nga một chút.

Tuy nhiên, nếu xét về chỉ số đầu tư quốc phòng, với ngân sách quân sự vẻn vẹn chỉ có 46 tỷ USD (đứng sau Mỹ, Trung Quốc, Saudi Arabia, Anh), lực lượng quân sự Nga xứng đáng được xếp hạng đầu tiên về sự hiệu quả trong đầu tư quân sự gắn với năng lực chiến đấu.

Trung Quốc vẫn chưa thể sánh vai Nga-Mỹ

Cường quốc quân sự số 3 là Trung Quốc đã chi tới 155 tỷ USD cho quân đội trong năm qua (chiếm hơn 7% tổng GDP), đứng thứ 2, sau Mỹ về mức độ đầu tư cho quốc phòng, với phương châm chiến lược là lấy số lượng bù đắp chất lượng trong giai đoạn đầu cải cách quân đội.

Nguồn ngân sách gấp 3 lần Nga đã giúp Trung Quốc duy trì lực lượng quân sự khổng lồ với 2,3 triệu quân (lục quân là 1,6 triệu), gấp gần 2 lần Mỹ (1,4 triệu); hơn 700 tàu thuyền các loại; 2942 chiếc máy bay cánh cố định và trực thăng (máy bay hơn 2000 chiếc, trực thăng hơn 800 chiếc).

Tuy nhiên, về cả không quân lẫn hải quân, Trung Quốc cũng mới chỉ được đánh giá là “thiếu gia mới nổi”, vũ khí, trang bị vẫn chỉ nhiều hơn chứ chất lượng không có gì vượt trội so với các nước xếp sau. Hơn nữa, quân đội Trung Quốc vẫn bị đánh giá là không có kinh nghiệm thực chiến.

Trong khi kinh nghiệm tác chiến viễn dương của Trung Quốc là con số 0 bởi hải quân nước này vẫn chỉ loanh quanh ở vùng biển vịnh Aden của Somalia, với đối thủ là các nhóm hải tặc, thì Mỹ đã chinh chiến khắp toàn cầu, còn hạm đội Nga cũng đã tuần tiễu khắp các đại dương trên thế giới và cũng đã thu được kinh nghiệm thực chiến ở Syria.

Các tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo Trung Quốc vẫn chỉ loanh quanh ở “ao nhà” (lần tuần tra duy nhất của tàu ngầm hạt nhân chiến lược Type 94 là ở Ấn Độ Dương), trong khi tên lửa đạn đạo liên lục địa JL-2 vẫn chưa hoàn thiện. Điều này khiến chúng không thể tiến hành các chuyến tuần tiễu tầm xa trên các đại dương của thế giới.

quan doi trung quoc top 3 nhung van o chieu duoi nga my

Thực lực quân sự Trung Quốc vẫn còn khoảng cách rất xa so với Nga-Mỹ

So với Mỹ và Nga, lực lượng không quân Trung Quốc đặc biệt yếu về không quân chiến lược với duy nhất loại máy bay ném bom tầm trung H-6, vốn được sản xuất từ nguyên bản Tu-14 của Liên Xô, trước thời những chiếc Tu-60, Tu-95MS, Tu-22M3 của Nga và B-52 của Mỹ.

Sự hạn chế về không quân chiến lược và tàu ngầm hạt nhân chiến lược khiến Trung Quốc chưa thể hoàn thiện bộ 3 răn đe hạt nhân, do đó, nước này vẫn không được coi là sở hữu khả năng răn đe toàn cầu, không được coi là “ngồi cùng mâm” với Nga-Mỹ.

Lực lượng lục quân của Trung Quốc được đánh giá khá cao về số lượng với hơn 9150 xe tăng-thiết giáp; hơn 6246 trọng pháo và pháo tự hành. Tuy nhiên, về chất lượng trang bị thì bị đánh giá là thua kém khá xa so với Nga, Mỹ và thậm chí là cả các cường quốc đứng sau trong bảng xếp hạng.

Điểm yếu cố hữu là kinh nghiệm tác chiến của Trung Quốc khiến họ cũng không được đánh giá cao như Nga, đã đúc rút được những kinh nghiệm tác chiến quý báu trong cuộc “Chiến tranh 5 ngày” với Gruzia và đặc biệt là chiến dịch quân sự ở Syria từ hồi tháng 9/2015.

Như vậy, xét về tổng thể, mặc dù được coi là bộ 3 cường quốc quân sự hàng đầu thế giới hiện tại và trong tương lai xa, nhưng Trung Quốc vẫn còn nhiều việc phải làm để có thể sánh vai Nga-Mỹ.

Theo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast