Tại sao điệp viên có giá nhất của KGB bị lộ?

Nhưng đây là một câu chuyện hơi dài, xin kể lại lần lượt để bạn đọc tham khảo.

Câu trả lời ngắn nhất – vì vị điệp viên siêu đẳng của Tình báo Liên Xô và Tình báo Nga này sở hữu những tài sản giá trị lớn, nhà cửa, biệt phủ xa hoa… (giàu có bất thường) và từ đó bị lần ra mối quan hệ với KGB.

tai sao diep vien co gia nhat cua kgb bi lo

Aldrich Ames ra vào trụ sở CIA như nhà mình . Ảnh: Reuters

Cựu trưởng Phân cục phản gián CIA, cựu trưởng Phòng Xô Viết Cục phân cục phản gián đối ngoại CIA Aldrich Ames đã có gần 10 năm làm gián điệp cho Tình báo Kremlin.

Aldrich Ames được cho là một trong những điệp viên có giá nhất (và cũng được trả tiền nhiều nhất) của Tình báo Liên Xô và Tình báo Nga.

A. Ames được KGB tuyển mộ năm 1985 và đã cung cấp cho KGB danh sách không ít hơn 25 công dân Liên Xô đang đang làm việc trong các cơ quan tình báo Liên Xô và Nga (sau này) làm điệp viên cho CIA,- tức các “chuột chũi” ngay trong cơ quan tình báo Xô Viết và Nga.

Hơn 10 trong số đó đã bị Tòa án Liên Xô kết án tử hình và vì thế tại Mỹ Ames còn có biệt danh là “sát thủ hàng loạt”.

Vụ phát hiện và bắt giữ Aldrich Ames năm 1994 đã làm chấn động cả nước Mỹ, nước Nga và làm giám đốc CIA bị cách chức.

Tại Mỹ, Ames bị kết án tù chung thân không được phép xin ân xá và hiện vẫn đang thụ án tại nhà đặc biệt Allenwood, Bang Pennsylvania - Mỹ.

CON ĐƯỜNG THĂNG TIẾN

tai sao diep vien co gia nhat cua kgb bi lo

Nhóm đặc nhiệm FBI bắt giữ Ames . Ảnh : www.fbi.gov

Sau khi tốt nghiệp đại học, Aldrich Ames được CIA nhận vào làm việc và được phân công về Phòng Nga.

Một trong những “khách hàng” (tức công dân Xô Viết làm việc cho CIA) đầu tiên của Ames là Aleksandr Ogorodnhik. Chính Ames đã chuyển cho Ogorodnhik ống thuốc độc cài vào trong một chiếc bút máy.

Sau đó, Ames được giao phụ trách Xergey Fedorenko, chuyên gia về vũ khí hạt nhân trong thành phần đoàn đại biểu Liên Xô tại Liên Hợp Quốc. Sau này Ames cho biết là chính Fedorenko đã cung cấp cho CIA những thông tin tuyệt mật và hết sức chi tiết về tên lửa có điều khiển và những vụ thử nghiệm chúng.

Ngoài quan hệ công việc, Ames và Fedorenko còn chơi với nhau khá thân.

Đầu năm 1978, Ames lại được giao một nhiệm vụ quan trọng khác – phụ trách (liên lạc, gặp gỡ, giao nhiệm vụ, nhận tài liệu) một nhân vật Xô Viết có tầm quan trọng thứ hai tại Liên Hợp Quốc (tức Phó tổng thư ký Liên Hợp Quốc) – kiêm Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên Xô Arkadi Shevchenko – ông này đến thời điểm đó đã có thâm niên 2 năm làm gián điệp cho Mỹ.

Chính Ames là người đã giúp Shevchenko chạy trốn sự trừng phạt của KGB khi khi ông này bị lộ (Shevchenko bị Tòa án Xô Viết kết án tử hình vắng mặt vì tội phản bội Tổ quốc) và cũng là người động viên an ủi Shevchenko khi bà vợ ông này cắt đứt quan hệ với chồng và quay trở về Liên Xô.

Còn về Shevchenko, như đã biết, sau này đã chết vì nghiện rượu (năm 1998) và để lại món nợ 600.000 đôla.

Nhưng dù sao thì Shevchenko cũng là “quả chanh đã vắt hết nước” và ở Mỹ không còn mấy ai quan tâm đến ông ta.

Một sự trùng hợp đáng lưu ý là cuộc sống riêng tư của Ames thời kỳ này cũng không yên lành. Vợ chồng Ames sống ly thân và có lẽ do cô đơn nên ông này thường hay rẽ qua các quán rượu.

Cùng lúc đó bắt đầu xảy ra những chuyện khó chịu ở cơ quan và để chứng tỏ mình, Ames nộp đơn xin đi công tác tại Mexico, để vợ ở lại New York. Nhưng tại Mexico, công việc cũng không thuận lợi và Ames ngày càng lạm dụng rượu bia và có lối sống khá phóng túng.

Tại Mexico, như trời định, Ames gặp Maria Rozario, tùy viên văn hóa Đại sứ quán Colombia tại nước này qua giới thiệu của một đồng nghiệp CIA là David Sam son – tức người đã thuê căn hộ của Maria để làm nơi tổ chức các cuộc gặp bí mật (căn hộ mật) .

Nữ tùy viên này quá quyến rũ và sau đó không lâu họ phải lòng nhau. Hai người thường đến thành phố du lịch Acapulco, ăn trưa tại những nhà hàng đắt tiền nhất tại Mexico và vì Ames có hộ chiếu ngoại giao nên họ thường tham gia những các buổi tiếp tân sang trọng của chính phủ Mexico.

Tháng 9/1983, Ames cuối cùng cũng được thăng chức – được bổ nhiệm làm trưởng một phòng của Cơ quan phản gián CIA chuyên phụ trách Liên Xô.

Công việc này cho phép Ames ta quay về trụ sở CIA và tiếp cận với gần như tất cả các tài liệu về Liên Xô. Khi đã làm quen với công việc, Ames thực sự sửng sốt : “Thật kinh khủng! chúng ta (CIA) đã thâm nhập sâu vào tất cả các bộ ngành và cơ quan của hệ thống Xô Viết!”.

Ames đặc biệt quan tâm đến hai nhân vật, cả hai đều là sỹ quan KGB. Một là cán bộ Đại sứ quán Liên Xô tại Washington Valeri Martynov với mật danh là Gentile, chịu trách nhiệm về hoạt động tình báo khoa học – kỹ thuật.

Nhân vật thứ hai, - Xergey Motorin, mật danh Ganze, thiếu tá KGB.

CIA sử dụng hai điệp viên này để tìm hiểu những bí mật trong các những chiến dịch mà KGB đã và đang thực hiện ngay tại Washington.

TUYỂN MỘ

Ngay khi Rozario đến Mỹ, cô này đòi Ames phải ly hôn vợ. Khi Ames đề cập tới chuyện này, Nan (vợ Ames) lập tức đồng ý nhưng yêu cầu sẽ giữ lại cho mình phần lớn khoản tiền tiết kiệm chung của hai người.

Trong khi đó, Rozario lại phóng tay chi những khoản tiền vượt quá khả năng chi trả của Ames.

Đến cuối năm 1984, khoản nợ của Ames đã lên đến gần 34.000 đôla. Thêm nữa, lại còn một khoản nợ vợ cũ là 16.000 đô nữa theo thỏa thuận khi ly dị.

Lương cả năm của Ames chỉ có 45.000 đôla, trong khi cần phải có số tiền gấp đôi khoản lương đó để trang trải.

Có một lần, khi đang trên đường trở về nhà từ New Yorrk, Ames nghĩ cách kiếm đâu ra tiền. Sau này, ông ta kể lại: “Ý tưởng đầu tiên nảy ra trong đầu tôi là cướp ngân hàng”.

Nhưng sau đó chợt nhớ ra rằng, đã có một lần KGB đề nghị một trong những người dưới quyền Ames cộng tác để nhận 50.000 đôla. Ames quyết định: “50.000 đô là khoản tiền đủ cho mình trả hết nợ”.

Cùng thời gian đó, cấp trên tại CIA giao cho Ames nhiệm vụ tuyển mộ thư ký báo chí Đại sứ quán Liên Xô để làm việc cho CIA, nhưng vị tùy viên này ngay từ đầu đã từ chối hợp tác với Tình báo Mỹ, tuy vậy, cũng gợi ý Ames là thử trao đổi với vị chuyên gia kiểm soát vũ khí Xergey Chuvakhin.

Tất nhiên, tay tùy viên báo chí Liên Xô này có thâm ý của mình: tất cả nhân viên Đại sứ quán Liên Xô đều thừa biết là bất cứ cái gì của Mỹ cũng làm Chuvakhin khó chịu và khả năng tuyển mộ Chuvakhin làm việc cho Mỹ là bằng không.

Dĩ nhiên, Ames không hề biết gì về kế độc này và bắt đầu gọi điện cho Chuvakhin. Cuối cùng họ nhất trí cùng ăn trưa với nhau.

Một giờ trước cuộc hẹn, Ames đánh máy một mẩu giấy trong đó thông báo rằng, sẽ trao cho KGB tên tuổi của ba nhân viên Đại sứ quán Liên Xô làm gián điệp cho CIA với giá 50.000 đôla .

Sau này, Ames giải thích việc làm trên của mình như sau: “bằng cách đó, tôi vừa trả lại cho KGB người của chính họ, trong khi trên thực tế vẫn không gây tổn hại gì cho CIA và nước Mỹ”.

tai sao diep vien co gia nhat cua kgb bi lo

Điệp viên có giá nhất của KGB Aldrich Ames . Ảnh www.fbi.gov

Sau khi đến điểm hẹn, Ames vớ rượu uống ngay khi ngồi chờ. Nhiều phút trôi qua nhưng Chuvakhin vẫn không xuất hiện. Ames hiểu ngay là mình đã bị lừa và quyết định tự mình hành động.

Ông ta thừa biết là FBI chụp ảnh tất cả những người Mỹ ra vào tòa nhà Đại sứ quán Liên Xô, nhưng điều đó không làm Ames lo lắng vì đã có giấy phép đặc biệt của CIA cho phép tiếp xúc với người Nga.

.. Ames đẩy cánh cửa dày của Đại sứ quán Liên Xô, đưa cho nhân viên bảo vệ ra đón chiếc phong bì đã chuẩn bị sẵn và lập tức rời khỏi Đại sứ quán.

Mấy ngày sau, chính Chuvakhin gọi điện cho Ames và đề nghị bố trí một cuộc gặp. Trước đó, Chuvakhin cũng có hỏi là liệu Ames có thể rẽ qua Đại sứ quán (Liên Xô) được không. Ames đồng ý.

Chuvakhin đón Ames và đưa đến một căn phòng đặc biệt và chính tại nơi này đã diễn ra cuộc gặp đầu tiên giữa Ames với tổ trưởng điệp báo tại Washington của Tổng cục một KGB (Tình báo đối ngoại ), đại tá Viktor Cherkashin.

Cuộc gặp diễn ra như trong một buổi kịch câm. Thay vì nói chuyện, Tổ trưởng điệp báo Xô Viết trao cho “vị khách” một bức thư.

Trong thư viết: “Chúng tôi rất vui lòng chấp nhận đề nghị của Ngài. Ngài Chuvakhin không phải là sỹ quan KGB, nhưng chúng tôi coi Chuvakhin là một đồng chí đáng tin cậy và chín chắn. Anh ta sẽ trao cho Ngài tiền trong bữa ăn trưa, nếu Ngài vẫn có có ý định tiếp tục trao đổi thư từ (với chúng tôi)”.

Ames viết ngay vào mặt sau bức thư: “Được, cảm ơn nhiều” và cùng Chuvakhin đến địa điểm ăn trưa, - tại đây Ames được giao gói tiền 50.000 đôla. Khi về đến nhà, ông ta cất tiền vào tủ và nói với Rozario rằng đây là khoản tiền quý giá mà một người bạn cũ có quan hệ với Mafia cho vay. Rozario không hề hỏi han gì thêm.

Tháng 6/1985, Ames lại gặp Chuvakhin và mặc dù KGB lúc này không yêu cầu cung cấp thêm thông tin, Ames vẫn trao cho KGB danh sách toàn bộ những những người đang làm việc cho CIA mà anh ta biết, chỉ trừ ông bạn thân Fedorenko (như đã nói ở phần đầu).

Ngoài ra, Ames cũng thông báo là tổ trưởng điệp báo Xô Viết tại London Oleg Gordievski đang làm gián điệp cho MI-6 (Tình báo Anh) (Oleg Gordievski - cựu đại tá Tổng cục một KGB, bị Tòa án binh Liên Xô kết án tử hình vắng mặt vì tội phản bội Tổ quốc – ông này làm việc cho MI-6 trong các năm 1974-1985 và được đánh giá là điệp viên có giá thứ hai của MI-6 trong Cơ quan tình báo Liên Xô - chỉ sau Penkovski).

Cũng trong cuộc gặp này, KGB còn nhận được từ Ames các báo cáo tình báo của CIA (hơn 3 kg tài liệu) mà Ames lấy từ cơ quan và mang đến trong một chiếc cặp số. Sau này, còn nhiều lần giao tài liệu như vậy nữa.

CIA bắt đầu cảm thấy bất ổn khi được tin các điệp viên bí mật của họ tại Liên Xô lần lượt bị loại ra khỏi cuộc chơi. Đầu tiên, mọi nghi ngờ đều tập trung vào Edward Lee Howard (nhân viên CIA làm điệp viên cho KGB, sau chạy sang Liên Xô – đã chết năm 2002).

Nhưng sau đó, nhóm điều tra đã kết luận là Howard không thể biết về tất cả các điệp viên và các chiến dịch mật của CIA.

Ngay sau đó, CIA tiến hành một cuộc điều tra nội bộ, nhưng thay vì tìm: “chuột chũi”, CIA lại tìm các giải thích về nguyên nhân của những đổ vỡ tại Matxcova.

Năm 1986, cơ quan điều tra lại kết luận là những cuộc bắt giữ điệp viên Mỹ tại Liên Xô không có mối quan hệ với nhau và mọi nghi ngờ lại chĩa vào Howard, người lúc đó đã có mặt tại Liên Xô.

Cùng thời gian đó, Ames lại làm đơn xin sang thế chỗ một đồng nghiệp ở Roma – để tránh xa trụ sở CIA. Anh ta cho rằng, người Nga sẽ bắt các điệp viên trong im lặng và lần lượt, chứ không phải bắt cấp tập và ầm ỹ như đã làm. Tại Roma, khi gặp sỹ quan KGB, Ames nói:

“Các ông làm thế thì trước sau gì tôi cũng bị bắt”. Viên sỹ quan KGB này xin lỗi Ames, nhưng cũng nói rằng KGB không có sự lựa chọn nào khác, bởi vì đây là lệnh của cấp cao nhất – Bộ Chính trị TW ĐCS Liên Xô.

CHI TIÊU PHÓNG TAY

Tại Roma, cả Aldrich (Ames) lẫn Maria đều không có ý định che giấu sự giàu có của mình. Maria lấp đầy các tủ quần áo bằng những bộ mốt nhất được thiết kế riêng.

Ames cũng thay các áo khoác ngoài bằng những bộ comple Ý với giá tới 1.500 đôla mỗi b , đi giày khâu thủ công. Ames mua xe thể thao hiệu “Jaguar” và đeo đồng hồ “Rolex”.

Cả bạn bè và đồng nghiệp của Ames đều nghĩ rằng Maria xuất thân từ một gia đình giàu có ...

Còn tại Mỹ, mặc dù cuộc kiểm tra lần đầu của CIA đã loại trừ khả năng có “chuột chũi” ngay trong nội bộ, nhiều nhân viên CIA vẫn không tin vào kết luận này.

Tháng 11/1986, theo đề nghị của một sỹ quan giàu kinh nghiệm tên là Paul Redmond, CIA đã giao cho Jin Vertfoil – một nhân viên kín tiếng với 32 năm kinh nghiệm công tác nhiệm vụ một lần nữa phân tích “những tổn thất 1985”.

Vấn đề là ở chỗ, chưa từng ai và chưa từng bao giờ có thể phát hiện được “chuột chũi” trong nội bộ chỉ bằng phương pháp thường áp dụng.

Tất cả các điệp viên bí mật bị các quan tình báo Mỹ phát hiện thời gian gần đây đều do có người tố giác.

KGB cũng đã làm tất cả để đánh lạc hướng J. Vertfoil . Trong năm đầu tiên, cô này đã cùng một nhóm nhỏ các nhà phân tích quan tâm chủ yếu đến viên sỹ quan hải quân Mỹ Clayton Lawntry – người đã đồng ý làm việc cho Liên Xô khi ông ta có mặt tại Matxcova tháng 8/1987.

Đến mùa xuân năm 1987, Jin Vertfoil kết luận là Lawntri không can dự gì vào vụ đổ vỡ này (1985). Cùng khoảng thời gian đó, một nhân viên mới nữa của CIA là Dan Payne được cử tham gia nhóm phân tích của J.Vertfoil.

Đây là một nhân viên trẻ 29 tuổi đầy tham vọng và là người cho rằng phương pháp tốt nhất để tóm được “chuột chũi” – đó là truy tìm “sự giàu có không giải thích được”. (Như ta thường nói “làm rõ nguồn gốc “những tài sản bất minh” ) .

Đến lúc này, Ames đã hết nhiệm kỳ tại Roma và chuẩn bị về trụ sở CIA. Trong lần gặp cuối, viên sỹ quan tình báo Xô Viết trực tiếp làm việc với Ames đã trao cho ông này một bức thư gồm 9 trang giấy trong đó có ghi các hướng dẫn về cách thức duy trì liên lạc sau khi Ames về Washington.

Trong thư cũng ghi rõ cam kết của KGB là Ames sẽ được nhận khoản tiền 300.000 đôla/năm nếu tiếp tục “tiếp xúc” với KGB.

Ngoài ra, KGB cũng thông báo với Ames là anh ta đã có quyền sử dụng mấy acre đất (mỗi Acre = 4.046,86 m2 ) cách Matxcova không xa sau khi “nghỉ hưu”.

Ames thực sự xúc động và giữ lại cả bức thư lẫn 3 tấm ảnh màu chụp khu đất này. Đây là một việc làm rất thiếu suy nghĩ và sau này Ames đã phải cực kỳ hối tiếc về chuyện này.

Bạn thân của Ames và Maria là Diana Worthen cực kỳ sửng sốt khi gặp lại cặp đôi này khi họ quay trở về Mỹ mùa thu năm 1989.

Diana đã từng làm việc với cả Ames và Maria tại Mexico và đã quen Maria từ trước khi họ cưới nhau. Diana không thể tin vào mắt mình – cặp đôi này trông sang trọng quá.

Gia đình Ames đã đầu tư tới 540.000 đôla để xây một biệt phủ ở vùng ven. Aldrich Ames tậu xe “Jaguar” mới, còn Maria Ames cũng mua thêm một ngôi nhà. Tuy nhiên, việc mua chiếc rèm cửa mới làm Worthen để ý hơn cả.

Số là có một lần Maria mới Worthen (Diana) đến uống trà để giới thiệu mẫu vải làm rèm và xin tư vấn. “Hãy giúp tớ chọn mẫu vải làm rèm cửa”.

Worthen trả lời: “Được, cậu định bắt đầu từ căn phòng nào”. Diana cũng mới thay rèm cửa nên biết được loại vải Maria mua đắt như thế nào. Maria cười lớn: “Diana à, cậu bận tâm chuyện giá cả . Tớ dự định thay rèm cửa một lần cho toàn bộ ngôi nhà”.

Worthen nghĩ trong đầu: “Họ kiếm đâu ra nhiều tiền thế này? Khác với các đồng nghiệp ở CIA, Diana biết là gia đình Maria không phải là gia đình giàu có. Khi cả hai cùng sống ở Mexico, Maria đã có lần thổ lộ là bố mẹ cô ta tuy nổi tiếng nhưng không giàu.

Diana chia sẻ nghi ngờ của mình với cô bạn thân Sandy Grimze ,- một thành viên trong nhóm truy tìm “Chuột chũi”.

Về phần mình, S. Grimze vốn là người lâu nay không ưa Ames vì từng chứng kiến cảnh mỗi lần không được thăng chức ông ta đã cáu kỉnh như thế nào. Ames luôn tự cho mình là thông minh hơn tất cả những người khác.

Và S. Grimze bắt đầu nghiên cứu tất cả các mối quan hệ của Ames. Còn Dan Payney, sau khi được phép tiếp cận tài khoản tín dụng của Ames đã phát hiện ra rằng chi phí trung bình hàng tháng của cặp vợ chồng này là từ 18.000 đến 30.000 đôla, trong khi lương cả năm chỉ có 69.843 đôla.

Mặc dù vậy, các con số trên cũng chưa chứng minh được một điều gì, và Vertfoil đã liên hệ với sỹ quan CIA tại Bogota (thủ đô Colombia) đề nghị bí mật kiểm tra gia đình Maria.

Nhưng câu trả lời là những nghi ngờ trên không có cơ sở vì bố mẹ Maria là một trong những gia đình giàu có nhất Colombia …

Mãi sau này CIA mới biết là viên sỹ quan CIA tại Bogota chỉ khai thác thông tin từ một nguồn duy nhất – vị cố đạo của gia đình Maria Rozario, - một người không biết gì nhiều về gia đình này .

Cuộc điều tra lại dẫm châm tại chỗ, mãi đến khi Sandy Grimze để ý đến một chi tiết là thời điểm gửi tiền vào ngân hàng của Ames trùng hợp với những ngày mà Ames gặp Xergey Chuvakhin.

Thật không thể tin được nhưng Ames đã không áp dụng những biện pháp phòng ngừa đặc biệt cần thiết và thường cứ sau mỗi cuộc gặp, khi trên đường về nhà lại rẽ qua ngân hàng để gửi tiền.

Với phát hiện mới này, Grimze lập tức đến báo cho Paul Redmond . “Không cần phải là người phát minh ra tên lửa để có thể hiểu là cái gì đang xảy ra ở đây, - Ames – đó chính là tên gián điệp Nga đáng nguyền rủa!” Grimze khẳng định với Redmond.

Sau khi có được những thông tin do Grimze cung cấp, CIA liên hệ ngay với FBI. Trước nhà và trên trần phòng làm việc của Ames đươc bí mật lắp các camera , một thiết bị ghi âm nữa được cài trên xe “Jaguar” của ông này.

Cuối cùng, ngày 6/10/1993, một điệp viên FBI đã đánh tráo thùng rác trước của nhà Ames và thu được cuộn băng máy đánh chữ mà Ames đã sử dụng để viết mấy là thư bằng tiếng Nga.

Có được bằng chứng này, FBI được phép bí mật xâm nhập nhà Ames trong lúc cả hai vợ chồng vắng nhà và cài các “con rệp ” trong nhà.

Ngoài ra , FBI cũng phát hiện trong nhà ở một số bằng chứng nữa, trong đó có cả bức thư mà KGB đã trao cho Ames trước khi rời Roma (như đã nói ở trên).

Ames cũng mắc một sai lầm cực kỳ nghiêm trọng – cài một chương trình mới trên máy tính của mình mà không hiểu rằng tất cả các bản copy tài liệu mà ông ta đã in đều được tự động lưu lại trên máy.

Trong mấy tuần tiếp theo, FBI đã nghe tất cả các cuộc trò chuyện của Aldrich và Maria và nhanh chóng xác định rằng Maria không chỉ biết về hoạt động gián điệp của chồng mà còn thường xuyên đòi Ames phải đưa thêm tiền và nhắc nhở “hãy cẩn thận hơn” trong công việc.

Sau này, các nhân viên FBI nói rằng chính những câu chuyện mà họ nghe được đã khiến họ muốn tóm Maria ngay lập tức .

FBI bắt đầu đẩy gấp tiến độ. Ngày 21/2/1994 , Ames bị nhử ra khỏi nhà với cái cớ là có việc gấp tại nơi làm việc. Ngay khi mới ra khỏi nhà, chiếc xe “ Jaguar” của Ames bị nhiều xe của FBI áp sát.

Cùng thời gian đó, nhân viên FBI thông báo cho Maria là cô ta đã bị bắt. Bắt đầu công việc khám nhà. Đã tìm thấy 10 bộ comple mới thiết kế “nguyên đai nguyên kiện”, nửa tá đồng hồ “Rolex”, vài trăm đôi giày và rất nhiều vật dụng đắt tiền khác.

Ames ngay lập tức đề nghị: nếu chính phủ thả Maria, ông ta sẽ thú nhận tất cả. Nhưng Cục tư pháp tư chối. Còn Maria thì xử sự như thế nào với Ames? Sau này, trước tòa Maria nói:

“Tôi không xin lỗi các ngài về cách hành xử của tôi, tôi chỉ giải thích. Để hiểu được tôi đã bị anh ta (Ames) lừa dối như thế nào, các vị cần phải biết anh ta đã và luôn là một kẻ dối trá và lừa đảo. Chính những phẩm chất đó đã làm cho anh ta trở thành một tình báo giỏi”.

Tòa vẫn kết án Maria 5 năm tù. Phu nhân của Ames bị trục xuất về Colombia ngay sau khi mãn hạn tù vào năm 1999. Hiện vẫn sống ở Columbia .

Còn Ames bị kết án tù chung thân. Có một lần Ames tâm sự với người bạn là chính anh đã quyết định số phận của mình.

PHẦN CUỐI

Trong vòng 30 năm, Ames chủ yếu làm việc tại các cơ quan phản gián CIA có trách nhiệm tuyển mộ các công dân Xô Viết (làm gián điệp cho Mỹ).

Chính vì thế mà biết rõ về lưới điệp báo của Mỹ tại Matxcova.

Cũng cần phải nói rằng, trước đây Tình báo Xô Viết không biết Ames và vì thế, dĩ nhiên đã không áp dụng biện pháp đặc biệt nào để lôi kéo Ames làm việc cho mình. Ames tự tìm đến.

Khi các nhân viên FBI thẩm vấn Aldrich Ames và đặt câu hỏi tại sao anh ta lại đề nghị hợp tác với KGB, Ames trả lời: “Tôi làm điều đó vì tiền và chấm hết”.

Theo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast