Thỏa thuận hạt nhân I-ran/P5+1 trước mối đe dọa mới

Trước việc Mỹ đe dọa áp đặt các biện pháp trừng phạt mới đối với I-ran sau khi nước Cộng hòa Hồi giáo này tiến hành vụ thử tên lửa hồi tháng 10-2015, Tê-hê-ran đã đáp lại bằng hàng loạt động thái và phát biểu cứng rắn. Những diễn biến căng thẳng ấy giống như một mồi lửa, có thể thiêu cháy bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa I-ran và các cường quốc bất cứ lúc nào.

Sóng gió quan hệ Mỹ-I-ran tiếp tục nổi lên trong những ngày cuối cùng của năm 2015 sau khi tờ The Wall Street Journal tiết lộ, Oa-sinh-tơn đang chuẩn bị áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào các công ty và cá nhân tại I-ran cũng như nước ngoài bị cáo buộc có liên quan tới chương trình tên lửa đạn đạo của Tê-hê-ran. Trước đó, phía I-ran khẳng định, chương trình tên lửa của nước này chỉ phục vụ cho mục đích phòng thủ và tên lửa Emad mà I-ran phóng thử vào tháng 10-2015 “hoàn toàn là loại thông thường".

Tên lửa của I-ran được cất giữ trong một đường hầm dưới lòng đất. Ảnh: AFP

Tên lửa của I-ran được cất giữ trong một đường hầm dưới lòng đất. Ảnh: AFP

Theo Roi-tơ, chỉ một ngày sau khi tờ The Wall Street Journal đăng tải thông tin nói trên, Tổng thống I-ran Ha-xan Râu-ha-ni (Hassan Rouhani) "phản pháo" bằng cách yêu cầu bộ trưởng quốc phòng nước này mở rộng chương trình tên lửa quốc gia. “Do Chính phủ Mỹ rõ ràng vẫn đang theo đuổi các chính sách thù địch và can thiệp trái phép, lực lượng vũ trang của I-ran cần nhanh chóng gia tăng đáng kể sức mạnh tên lửa của mình. Bộ Quốc phòng, với sự hỗ trợ của lực lượng vũ trang, có nhiệm vụ triển khai các chương trình mới bằng mọi cách có thể nhằm tăng cường sức mạnh tên lửa của đất nước”, ông Ha-xan Râu-ha-ni viết trong lá thư gửi Bộ trưởng Quốc phòng Hô-xê-in Đê-ghan (Hossein Dehghan).

I-ran cũng khẳng định sẽ đáp trả bất cứ động thái trừng phạt mới cũng như biện pháp gây cản trở nào của Mỹ đối với chương trình tên lửa phòng thủ của nước này. Theo lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao I-ran, Gia-bê An-xa-ri (Jaber Ansari), việc Mỹ chuẩn bị các biện pháp trừng phạt mới là hành động bất hợp pháp, đơn phương và không khôn khéo, đồng thời nhấn mạnh, "không gì có thể ngăn cản các quyền hợp pháp và chính đáng của I-ran trong việc củng cố các nền tảng phòng thủ và an ninh quốc gia". Người phát ngôn Gia-bê An-xa-ri cũng nêu rõ chương trình tên lửa của I-ran không liên quan tới thỏa thuận hạt nhân vừa đạt được với các cường quốc, và I-ran có quyền tiếp tục phát triển các tên lửa của mình vì chúng không có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Vẫn như một lời thách thức, ngay trong ngày đầu năm mới, Phó tư lệnh Lực lượng vệ binh cách mạng I-ran, Tướng Hô-xê-in Xa-la-mi (Hossein Salami) còn tuyên bố I-ran có nhiều tên lửa đến mức "không còn chỗ cất giữ". “Chúng tôi không có đủ chỗ trong kho để chứa các tên lửa. Hàng trăm đường hầm dài đều đã chất đầy các tên lửa sẵn sàng phóng ra bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, độc lập và tự do", AFP dẫn lời Tướng Hô-xê-in Xa-la-mi cho biết.

Bên cạnh đó, I-ran còn cảnh báo sẽ phát triển các tên lửa có tầm phóng lên tới 5.000km nếu Mỹ áp đặt các lệnh trừng phạt mới với Tê-hê-ran. Được biết, nếu được phát triển thành công thì loại tên lửa tối tân này có thể là mối đe dọa tiềm tàng với Trại Thunder Cove, một căn cứ không quân biệt lập của Mỹ ở Ấn Độ Dương. Trong lá thư ngỏ gửi lên Tổng thống Ha-xan Râu-ha-ni, ông Mô-xen Rê-da-ây (Mohsen Rezaei), một quan chức hàng đầu I-ran cho rằng, các lệnh trừng phạt mới giống như “một cái tát" đối với I-ran, đồng thời cảnh báo rằng, “Oa-sinh-tơn sẽ hối hận vì thái độ của mình và nhận ra rằng những lệnh trừng phạt như thế không mang lại lợi ích gì".

Những động thái leo thang căng thẳng nói trên rõ ràng là đang đe dọa trực tiếp đến việc thực thi thỏa thuận hạt nhân lịch sử mà I-ran đã ký với nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) hồi tháng 7-2015 sau hơn 12 năm đàm phán. Theo thỏa thuận này, I-ran phải cắt giảm mạnh các hoạt động hạt nhân và chấp thuận các cuộc thanh sát mới để đổi lại việc được dỡ bỏ dần các biện pháp trừng phạt của phương Tây.

Có lẽ nhận thức rõ mối nguy hiểm này, báo chí Mỹ đưa tin Nhà Trắng đã hoãn kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt mới nhằm vào I-ran. Giới chức Nhà Trắng cho biết, Bộ Tài chính Mỹ đã hoàn tất danh sách các biện pháp và đối tượng trừng phạt, tuy nhiên, thời điểm thực hiện đã được hoãn lại.

Qua đó có thể thấy, thỏa thuận hạt nhân lịch sử giữa I-ran và P5+1, vốn đạt được phần lớn nhờ vào sự nhượng bộ của các bên liên quan, giờ đây đang đứng trước không ít mối đe dọa, và để bảo đảm nó được thực thi một cách đầy đủ, người ta một lần nữa cần phải nghĩ đến việc “nhún nhường”.

Theo TRUNG DŨNG/qdnd.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast