Thỏa thuận hạt nhân Iran: Không có Mỹ, dừng lại hay tiếp tục?

Sau quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran của Mỹ, câu hỏi được đặt ra là liệu thỏa thuận này có thể được duy trì mà không có Mỹ hay không?

Trong bài phát biểu kéo dài khoảng 10 phút, Tổng thống Donald Trump hôm 8/5 đã “làm đổ vỡ hoàn toàn chiến thắng duy nhất” của người tiền nhiệm Barack Obama tại Trung Đông.

thoa thuan hat nhan iran khong co my dung lai hay tiep tuc

Tổng thống Trump giơ cao văn bản có chữ ký liên quan đến quyết định rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: AP

Văn kiện được giới chuyên gia nhìn nhận như một “đỉnh cao” của các nỗ lực ngoại giao kéo dài gần 1 thập kỷ, với cam kết chung của sáu cường quốc, vốn rất hiếm khi có thể đạt được thỏa hiệp.

Tuy nhiên, Chính quyền của Tổng thống Donald Trump không chỉ muốn Mỹ rời khỏi thỏa thuận, mà còn muốn khôi phục “ở mức cao nhất” các lệnh trừng phạt kinh tế chống Iran.

Người phát ngôn Nhà trắng Sarah Sanders cho biết: “Như Tổng thống đã nói, ông ấy muốn điều gì đó xảy ra, song chúng tôi có 100% cam kết sẽ đảm bảo Iran không sở hữu vũ khí hạt nhân.

Và cho đến khi đạt được điều này, chúng tôi sẽ tiếp tục gây sức ép tối đa. Tất cả các lệnh trừng phạt đã được đưa ra và chúng tôi đang chuẩn bị các biện pháp trừng phạt bổ sung, có thể là vào tuần tới”.

Có thể nói, trong tất cả các lựa chọn, nhà lãnh đạo Mỹ đã lựa chọn con đường khắc nghiệt nhất, đó là chấm dứt sự tồn tại của văn kiện, cũng đồng nghĩa với việc đặt thế giới trong sự không chắc chắn, đặt một dấu hỏi lớn về quyết tâm của Iran có tiếp tục ở lại văn kiện và thực hiện các cam kết liên quan chương trình hạt nhân quân sự hay không?

Theo chuyên gia phân tích Naysan Rafati, thuộc Nhóm khủng hoảng quốc tế, đây là một đòn mạnh giáng vào tính ổn định của thỏa thuận, đi ngược lại các nỗ lực toàn cầu đang được triển khai. Tuy nhiên, quyết định của Mỹ không có nghĩa là thỏa thuận sẽ bị giết chết. Không hẹn mà gặp, hầu như mọi con mắt đều đổ dồn về phía các cường quốc châu Âu. Liệu họ sẽ cúi đầu và để mặc chính các doanh nghiệp của mình phải hứng chịu hậu quả từ những lệnh trừng phạt mới của Mỹ?

Ngay sau thông báo của Mỹ, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Anh Theresa May đều cất chung tiếng nói, đó là quyết tâm đảm bảo việc thực thi Kế hoạch hành động chung toàn diện và làm việc đến cùng với các bên khác, những nước sẽ vẫn tham gia vào nỗ lực tập thể này, bao gồm việc đảm bảo các lợi ích kinh tế mà thỏa thuận mang lại vì nền kinh tế và nhân dân Iran.

Tuyên bố của châu Âu được hiểu là họ sẽ tiếp tục duy trì một số hoạt động kinh tế của châu Âu tại Iran, như có thể là xây dựng các quỹ phát triển hay hợp tác năng lượng.Nhưng liệu với quyết tâm này, châu Âu có tránh khỏi các trừng phạt của Mỹ hay không, bởi lệnh trừng phạt của Mỹ với Iran hoàn toàn có thể gián tiếp đánh vào các doanh nghiệp của chính những nước này.

Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire đã ngay lập tức bác bỏ và cho rằng, không thể chấp nhận được khi Mỹ tự coi là “hiến binh kinh tế của thế giới”. Và về mặt lý thuyết, Liên minh châu Âu có nhiều công cụ để phản ứng, trong đó có việc kích hoạt “luật phong tỏa” được Hội đồng châu Âu thông qua năm 1996 nhằm đáp trả các lệnh trừng phạt của Mỹ chống lại Cuba, Libya và Iran.

Tuy nhiên, cái khó hiện nay của châu Âu, đó là thực tế Mỹ vẫn là một đồng minh lớn của những nước này và đây cũng lý do là dù thất vọng trước quyết định của Tổng thống Donald Trump, song hầu như không nhà lãnh đạo nào tỏ ra quá gay gắt.

Tại Pháp, Tổng thống Macron vẫn duy trì chiến lược ngoại giao đối thoại của mình và sẽ không có chuyện sẽ xem xét lại quyết định về duy trì quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Mỹ. Chính vì thế, châu Âu, và đặc biệt là Pháp, Đức và Anh, đang tìm mọi cách cứu vãn văn kiện bằng một thỏa thuận rộng hơn với Iran.

Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian cho biết: “Tôi hy vọng đây sẽ không phải là một trở ngại đối với hòa bình. Trong mọi trường hợp, Tổng thống Macron đã đề xuất với Tổng thống Donald Trump một sáng kiến chính trị và sáng kiến này vẫn đang được đặt trên bàn.

Điều quan trọng hiện nay đó là liệu chúng ta có thể khôi phục được đàm phán nhằm cho phép một triển vọng ổn định tại khu vực, vốn luôn có thể bị đẩy vào tình trạng đối đầu, nếu chúng ta không thể làm được gì”.

Với quyết định của Tổng thống Donald Trump, chính quyền Mỹ sẽ gia hạn từ 3 đến 6 tháng trước khi áp dụng lại các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran, nếu như không có được một thỏa thuận mới nào đạt được giữa các bên.

Giới ngoại giao châu Âu bắt đầu lao vào cuộc chạy đua với thời gian đầy khó khăn để có một thỏa thuận mới đáp ứng cùng lúc ba bốn bên có lợi ích, lập trường rất khác nhau và có những mối quan hệ chồng chéo, phức tạp.

Đó là một Iran đang chờ đợi các cường quốc đã ký vào hiệp định có thể bảo đảm lợi ích gì cho Iran khi các lệnh trừng phạt của Mỹ được áp dụng trở lại với Iran.

Đó còn là Trung Quốc và Nga, những nước tham gia ký kết thỏa thuận, chắc chắn sẽ chỉ chấp nhận một thỏa thuận rộng lớn hơn sau khi cân nhắc thấu đáo việc các công ty của họ bị ảnh hưởng bởi trừng phạt Mỹ tới mức nào.

Theo VOV

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast