Trung Đông trên hành trình gian khó

Dù trận “cuồng phong” của phong trào Mùa xuân A-rập đã dần trôi xa để lại cục diện rối loạn ở Trung Đông, nhưng những biến thể của nó đang tạo ra sức tàn phá ghê gớm đối với “chảo lửa” xung đột này. Trung Đông 2015 đã và đang bị biến thành những chiến trường giết chóc đẫm máu, làm dấy lên làn sóng người tị nạn khổng lồ và kích động phong trào thánh chiến Hồi giáo cực đoan không chỉ ở khu vực mà còn là mối đe dọa đối với an ninh toàn cầu.

Các cuộc nội chiến vẫn đang diễn ra ác liệt tại Y-ê-men, I-rắc và nhất là tại Xy-ri, vùng “tâm bão” của bạo lực và hỗn loạn ở khu vực, đang trở thành mảnh đất màu mỡ làm nảy sinh và nuôi dưỡng chủ nghĩa khủng bố với sự nổi lên của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Các cuộc tấn công giành giật lãnh thổ của IS để phục vụ cho tham vọng thành lập và mở rộng cái gọi là “Vương quốc Hồi giáo” của lực lượng này tại I-rắc và Xy-ri không chỉ đẩy 2 nước này chìm sâu vào vòng xoáy bạo lực mà còn tạo ra mối nguy đe dọa tới an ninh và sự ổn định ở khu vực.

Sự hoành hành của IS đã buộc Mỹ và các nước phương Tây, vốn đang ngày càng lơ là đối với Trung Đông và muốn trút bỏ gánh nặng tại đây, phải bất đắc dĩ quay trở lại bằng một chiến dịch can thiệp quân sự hạn chế vào Xy-ri và I-rắc hiện vẫn chưa có hồi kết.

IS đang hứng chịu những tổn thất nặng nề sau các chiến dịch không kích ở I-rắc và Xy-ri. Ảnh: AP

IS đang hứng chịu những tổn thất nặng nề sau các chiến dịch không kích ở I-rắc và Xy-ri. Ảnh: AP

Tổng thống Mỹ B. Ô-ba-ma đã phải thừa nhận rằng Mỹ nên rút quân và đối với vấn đề Xy-ri, ông B. Ô-ba-ma đã hứng chịu không ít búa rìu vì thái độ dè dặt, chần chừ. Đỉnh điểm là hiện nay, theo giới phân tích, Mỹ lần đầu tiên đã nhường lại thế chủ động ở khu vực Trung Đông cho Nga kể từ những năm 1970, sau khi Nga quyết định phát động chiến dịch quân sự can thiệp vào Xy-ri hồi cuối tháng 9 vừa qua.

Tuy nhiên, hiệu quả chiến dịch tiêu diệt IS không được như trông đợi đã buộc Oa-sinh-tơn phải điều chỉnh chiến lược nhưng vẫn giữ quan điểm không điều quân trực tiếp tham chiến để tránh bị sa lầy. Cũng từ đây, Xy-ri bị biến thành một chiến trường ủy nhiệm khi Mỹ và các nước can thiệp vào Xy-ri qua tay một đối tác khác. Vậy nhưng chính chiến lược điều chỉnh của Oa-sinh-tơn, theo đó Mỹ đào tạo, tài trợ và trang bị cho những tay súng được coi là ôn hòa ở Xy-ri để chiến đấu chống tại những tay súng cực đoan IS, lại đang phản tác dụng, khi IS thì vẫn ngày càng lớn mạnh và vươn rộng, còn những lực lượng được Mỹ và các nước đồng minh chống khủng bố tài trợ vẫn chưa phát huy được tác dụng như mong muốn.

Trong khi đó, Pháp-quốc gia cũng phân phối viện trợ cho quân nổi dậy ôn hòa ở Xy-ri và tham gia chiến dịch không kích IS, đã phải hứng chịu cuộc tấn công tàn khốc của IS ngay giữa lòng thủ đô Pa-ri hồi tháng 11 vừa rồi. Cũng như trong những lần tấn công khủng bố nhằm vào phương Tây khác, một thông điệp mà các phần tử khủng bố luôn gửi kèm đó là “nhằm trả đũa sự can thiệp của phương Tây ở Trung Đông”. Những kẻ khủng bố ở Pa-ri cũng không ngoại lệ. Chúng nhắm tới các hành động của Pháp tại Xy-ri.

Chắc chắn không gì có thể giúp biện minh cho những hành động khủng bố cực đoan đáng lên án của các phần tử thánh chiến IS. Nhưng rõ ràng, hành động tàn bạo này là một lời cảnh báo cho thấy bạo lực ở Trung Đông đã bị “xuất khẩu” và đang diễn ra trên một mặt trận mở rộng hơn. Không ai khác, các nước phương Tây đã góp phần không nhỏ tạo nên mặt trận đó khi chính họ vũ trang cho những phần tử thánh chiến và phát động những cuộc chiến tranh ủy nhiệm.

Với làn sóng người tị nạn từ I-rắc và Xy-ri hiện nay, không chỉ các nước láng giềng khu vực phải gánh chịu, chính Mỹ và các nước châu Âu cũng đang phải nếm quả đắng.

Giờ đây hiếm thấy báo chí đưa tin Mỹ và các nước phương Tây rót bao nhiêu tiền hỗ trợ phát triển kinh tế ở Trung Đông mà thay vào đó là những con số chi cho chiến tranh. Hệ quả là trải qua một năm đầy biến động với các cuộc can thiệp từ bên ngoài kéo theo nhiều hệ lụy, cục diện Trung Đông vẫn chỉ là một bức tranh bị xé nát bởi khủng hoảng, bất ổn, đói nghèo, lạc hậu và di cư, thậm chí đang có nguy cơ tồi tệ hơn.

Sau vụ tai nạn được xác định là do khủng bố của một máy bay Nga trên bán đảo Xi-nai hồi tháng 10, cùng với cuộc tấn công Pa-ri, Xy-ri và I-rắc có thể sẽ phải trải qua sự can thiệp quân sự lớn hơn từ bên ngoài, đẩy khu vực vào vòng xoáy bạo lực với cường độ thậm chí còn mạnh hơn.

Có lẽ đến giai đoạn này, các nước bất ổn ở Trung Đông đều đã hiểu được cái giá của cái gọi là dân chủ và tự do mà Mỹ và phương Tây hứa hẹn là như thế nào. Tự do đã không mang lại sự ổn định, dân chủ đã không thể bén rễ ở khu vực bởi bạo lực và xung đột. Cái còn lại chỉ là lời lẽ bóng bẩy của những cường quốc đầy tham vọng và toan tính lợi ích ở khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng. Xy-ri chính là một ví dụ điển hình bởi cuộc chiến ở Xy-ri hiện nay rõ ràng nghiêng nhiều hơn về va chạm lợi ích của các cường quốc. Mục tiêu không cần che giấu của các nước phương Tây là lật đổ chế độ của Tổng thống Xy-ri An Át-xát chứ không hẳn nhằm thiết lập một chế độ dân chủ cho Xy-ri.

Ngoài “thùng thuốc súng” đã kích hoạt Xy-ri, tiến trình hòa bình giữa Pa-le-xtin và I-xra-en vẫn tiếp tục là một “ngòi nổ” chưa được tháo gỡ đe dọa tương lai của toàn khu vực. Những bước tiến của Pa-le-xtin trong nỗ lực tìm kiếm một nhà nước độc lập được cộng đồng quốc tế ủng hộ và khích lệ vẫn chưa thể đem lại hòa bình bởi I-xra-en không chấp nhận. Những mâu thuẫn dai dẳng giữa hai bên vẫn chưa thể giải quyết suốt nhiều năm qua, hệ quả đã biến thành nỗi thất vọng của người dân Pa-le-xtin bị dồn nén và bùng phát trong những lần đụng độ với người I-xra-en. Mà lần đụng độ gần đây nhất đã diễn ra trên các đường phố ở Giê-ru-xa-lem, dải Ga-da hay khu Bờ Tây kéo dài suốt mấy tháng qua. Giới phân tích đã cảnh báo, đây cũng chính là một môi trường dễ làm nảy sinh chủ nghĩa khủng bố kiểu mới, vốn được coi là sản phẩm của sự bất công và phi nghĩa, có thể từ chính thế giới A-rập.

Ngay cả với điểm sáng nổi bật trong bức tranh Trung Đông một năm qua chính là việc I-ran đạt được thỏa thuận hạt nhân lịch sử với Nhóm P5+1 cũng chưa chắc đảm bảo sẽ giúp ích cho khu vực. Không thể phủ nhận thỏa thuận này giúp tháo ngòi nổ xung đột giữa I-ran với Mỹ và phương Tây, giảm nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân, nhưng chính nó lại góp phần làm gia tăng mối lo ngại của các nước láng giềng khu vực đối với quốc gia Hồi giáo I-ran.

Trung Đông vì vậy sẽ còn phải tiếp tục hành trình đầy chông gai để tới đích hòa bình, ổn định và phát triển. Thậm chí, nếu không thoát khỏi sự chi phối của các cường quốc bên ngoài và giành quyền tự quyết, khu vực này sẽ phải đi tiếp trên con đường dẫn tới kiệt quệ và hủy diệt. Nghiêm trọng hơn, nó có thể kích hoạt một cuộc chiến tranh rộng lớn hơn, không chỉ ở ngay nội bộ khu vực mà trên chính các đường phố của một số nước trên thế giới, như đã xảy ra ở thủ đô Pa-ri vừa qua.

Theo MỸ HẠNH/qdnd.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast