Việt Nam thuộc danh sách 'ưu tiên hàng đầu' mua S-400?

Chuyên gia Nga đã đưa ra các tiêu chí về một “khách hàng truyền thống” mua S-400. Vậy Việt Nam có nằm trong danh sách này?

Sau chiến dịch không kích ở Syria, sự quan tâm đến hệ thống phòng không S-400 “Triumph”đang ngày càng gia tăng. Một số nước đã đặt mua hoặc đề cập đến ý định mua sắm, ví dụ như Trung Quốc, Ấn Độ, Algeria, Ai Cập… Hiện Ấn Độ và Trung quốc đã ký hợp đồng mua sắm

Trợ lý về Hợp tác Kỹ thuật Quân sự của Tổng thống Nga là ông Vladimir Kozhin tuyên bố, rất nhiều quốc gia đã bày tỏ sự quan tâm đến S-400. Tuy nhiên, Nga xác định trước mắt phải tập trung ưu tiên sản xuất cho lực lượng phòng không trong nước.

Hiện nay, trong thành phần trang bị của lực lượng Phòng không Nga, thuộc Quân chủng Hàng không-Vũ trụ (VKS) mới được biên chế có năm trung đoàn S-400 "Triumph".

Bốn trung đoàn trong số này đang được ưu tiên tham gia đảm bảo phòng không cho thủ đô Moscow và khu vực công nghiệp trung ương. Trung đoàn thứ năm đang nằm trong các cơ cấu huấn luyện-đào tạo của Lực lượng Phòng không.

Ông Kozhin còn nhấn mạnh rằng, hiện Nga đang tập trung sản xuất để đáp ứng nhu cầu của các quân khu khác. Sau khi đáp ứng đủ mới nghĩ đến việc xuất khẩu, nhưng không phải tất cả các nước hỏi mua Nga đều bán và việc cung cấp cũng ưu tiên các khách hàng truyền thống.

Hệ thống phòng không S-400 là thành tố quan trọng của hệ thống phòng không mỗi quốc gia

Hệ thống phòng không S-400 là thành tố quan trọng của hệ thống phòng không mỗi quốc gia

Tiêu chuẩn lựa chọn khách hàng xuất khẩu của Nga

Các nước nào có thể gọi là khách hàng truyền thống mua các hệ thống phòng không "Made in Russia"? Theo chuyên gia Nga Ruslan Pukhov, đặc điểm chung của các nước này là “chính sách đối ngoại độc lập và nhận thức về chiến tranh trong tương lai”, cùng với khả năng về tài chính.

Về bản chất, “chính sách đối ngoại độc lập” và “nhận thức về chiến tranh trong tương lai” có mối quan hệ biện chứng với nhau bởi nó xuất phát từ những kinh nghiệm đúc kết từ các cuộc chiến tranh đã qua, chủ yếu do Mỹ và phương Tây tiến hành ở khắp nơi trên thế giới.

Các nước có “chính sách đối ngoại độc lập” là như thế nào? Theo quan điểm của Nga đó là sự tự chủ về đường lối ngoại giao, không phụ thuộc vào nước ngoài (cụ thể là phương Tây).và tiềm tàng khả năng bị tấn công bất cứ lúc nào (ví dụ như Trung Quốc, Iran…).

Trên thế giới có 2 trường phái vũ khí chính là của Nga và Mỹ (Trung Quốc chưa đủ uy tín và khả năng tạo dựng 1 trường phái riêng), do đó cũng tạo nên xu hướng mua sắm vũ khí của 2 trường phái thân Nga và thân Mỹ (những nước trung hòa được xu hướng này như Ấn Độ là rất ít).

Do đó, có thể hiểu rằng, nhưng nước có “chính sách đối ngoại độc lập” là có đường lối chính trị không thân thiện với Mỹ, bởi vậy quan điểm của họ về chiến trnh trong tương lai cũng gắn với những cuộc chiến do Mỹ và NATO lãnh đạo từ trước đến nay.

Hệ thống phòng không S-300PMU1 của Việt Nam

Hệ thống phòng không S-300PMU1 của Việt Nam

Nhân tiện cũng nói thêm là trong cuộc chiến 5 ngày của Nga ở Gruzia năm 2008, lực lượng không quân Nga được sử dụng ở mức thấp, không thể hiện đầy đủ đặc điểm của tác chiến đường không hiện đại. Trong chiến dịch không kích ở Syria cũng tương tự.

Các tổ hợp tên lửa đất đối không của Nga chính là khắc tinh của những loại máy bay hàng đầu trên thế giới của Mỹ, châu Âu và thậm chí của chính mình. Do đó, không có gì lạ khi hệ thống phòng không hàng đầu thế giới S-400 của Nga nhận được nhiều sự quan tâm đến thế.

Nhu cầu của các nước trên thế giới về các hệ thống tên lửa phòng không bắt đầu gia tăng từ sau chiến dịch "Bão táp sa mạc" của Mỹ ở Iraq (1991), tiếp đó là chiến dịch ném bom Nam Tư (1999), cuộc xâm lược Iraq lần 2 (2003), các vụ không kích của liên quân ở Libya (2011) và chiến dịch ở Syria…

Phần lớn các cuộc chiến tranh hiện đại đều bắt đầu bằng các đòn không kích và tấn công tên lửa hành trình vào đầu não chỉ huy, công trình trọng điểm quốc gia, cơ sở hạt nhân, các hệ thống vũ khí…, nhằm tiêu diệt sinh lực, phá tan hệ thống chỉ huy quân sự của địch ngay từ đòn đánh đầu tiên, do đó các hệ thống phòng không có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình có vai trò cực kỳ quan trọng.

Nhận thấy mối đe dọa chính đối với chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và lực lượng quân sự của mỗi quốc gia trên thế giới đều xuất phát từ bầu trời, nhiều quốc gia đã chú trọng xây dựng các hệ thống phòng không nhiều tầng, lớp, nhằm bảo đảm khả năng phòng chống đòn tập kích đường không.

Việt Nam có phải là “khách hàng ưu tiên” của S-400?

Về khả năng thanh toán, tuy giá thành vũ khí của Nga thường rẻ hơn phương Tây khoảng 1/3, thậm chí là một nửa nhưng với những loại vũ khí công nghệ cao, giá thành một hợp đồng cũng phải lên tới hàng tỷ dolars. Vì thế, những khách hàng truyền thống đầu bảng của Nga thường là các nước giàu có như Trung Quốc, Ấn Độ, Iran…

Ví dụ như Ấn Độ mua 5 tiểu đoàn tên lửa phòng không S-400 với giá hơn 6 tỷ USD hay Trung Quốc mua 6 tổ hợp S-400, mỗi tổ hợp gồm 8 bệ phóng và một số lượng đạn không xác định, có trị giá tới hơn 3 tỷ USD.

Hệ thống phòng không tầm trung Buk-M2E của Nga đang được nhiều nước quan tâm

Hệ thống phòng không tầm trung Buk-M2E của Nga đang được nhiều nước quan tâm

Tuy nhiên, cũng đã có những khách hàng không giàu có ở châu Phi và châu Mỹ là Uganda, Ai Cập, Venezuela và Algeria cũng đã bỏ ra số tiền không hề nhỏ để mua tên lửa phòng không của Nga.

Nguyên nhân là Nga cũng có những chính sách ưu đãi khuyến mại trong buôn bán vũ khí như cho vay lãi suất thấp trả chậm hay đổi chác hàng hóa hoặc trao đổi ngược về đầu tư... Do đó, kể cả các nước nghèo cũng có thể trở thành khách hàng mua những vũ khí rất hiện đại.

Thời gian qua cũng đã xuất hiện thông tin về việc Việt Nam đặt mua S-400 của Nga. Các quan chức nước này đã nhiều lần tuyên bố là Việt Nam nằm trong “danh sách ưu tiên hàng đầu”. Tuy nhiên, điều này không được sự xác nhận của đại diện Bộ quốc phòng nước ta.

Hơn nữa, thực tế cho thấy, Việt Nam còn ưu tiên khác là cần hoàn thiện hệ thống phòng không đa tầm gần-trung-xa, ví dụ như mua thêm S-300 để biên chế đủ 3 trung đoàn ở Bắc, Trung, Nam, đồng thời nâng cấp tổ hợp, mua các phiên bản tên lửa có tầm bắn xa hơn.

Ngoài ra, Việt Nam cũng đang cần mua thêm các tổ hợp phòng không tầm gần dùng để bảo vệ cơ quan đầu não và chính các hệ thống phòng không tầm xa như S-300, bởi ngoài nhiệm vụ tiêu diệt các mục tiêu đường không, chúng còn có khả năng đánh chặn tên lửa hành trình.

Hệ thống phòng không tầm gần-tầm trung Spyder-SR và Spyder-MR của Israel

Hệ thống phòng không tầm gần-tầm trung Spyder-SR và Spyder-MR của Israel

Do thiếu các hệ thống phòng không tầm ngắn của không quân, hiện Việt Nam đang sử dụng hệ thống phòng không dành cho lục quân Strela-10 cho lực lượng phòng không, thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân, để đảm nhiệm vai trò phòng thủ điểm.

Do đó, nhiệm vụ cấp thiết của Việt Nam là nỗ lực củng cố lớp phòng thủ tầm gần, tầm trung bằng các hệ thống phòng không cơ động hiện đại như Spyder-SR và Spyder-MR (tầm phóng 15 và 35km) của Israel và Buk-M2E của Nga có tầm phóng khoảng 50km, độ cao đánh chặn 25km.

Theo báo cáo của Viện Nghiên cứu Hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI) năm 2014, Việt Nam đã ký hợp đồng trị giá 400 triệu USD, mua 6 hệ thống Buk-M2E (khung gầm bánh hơi chứ không phải bánh xích như của Nga) cùng 200 tên lửa 9M317 với Nga vào năm 2012.

Chi tiết về việc Việt Nam đã sở hữu các hệ thống tên lửa Israel đã được Bộ quốc phòng nước ta xác nhận, nhưng chúng ta mới có số lượng ít, vẫn cần phải mua thêm, còn nguồn tin của SIPRI là Việt Nam sở hữu Buk-M2E thì chưa được kiểm chứng.

Theo Đất việt

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast