Bài học quí từ mô hình điểm xây dựng NTM xã Gia Phố

Trong 3 năm qua, cùng với chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương; Ban Thường vụ Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ, Ban Chỉ đạo tỉnh; các sở, ban, ngành cấp tỉnh và huyện Hương Khê, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Gia Phố đã nỗ lực hết mình, hoàn thành cơ bản các nội dung về xây dựng mô hình xã điểm mà Trung ương đã tin và giao nhiệm vụ. Từ mô hình điểm này, chúng ta rút ra được những bài học quý báu về sự thành công và chưa thành công trong lãnh đạo, chỉ đạo; đề ra cơ chế, chính sách, về cách huy động nguồn lực, vai trò của người dân làm chủ thể trong xây dựng nông thôn mới.

Sau 3 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn Gia Phố từng bước đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao
Sau 3 năm thực hiện chương trình xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn Gia Phố từng bước đổi thay, đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được nâng cao

Thành công lớn nhất, xây dựng NTM là một chủ trương đúng đắn, cần thiết, hợp lòng dân không chỉ người dân ở khu vực nông thôn mà còn của toàn xã hội đang hết sức quan tâm, theo dõi. Mô hình vừa có tính chính trị, vừa có tính kinh tế và mang tính chiến lược lâu dài cho sự ổn định và phát triển bền vững, đáp ứng sự mong đợi, kỳ vọng của cả hệ thống chính trị và nhân dân trong cả nước. Sau 3 năm thực hiện, đến nay chúng ta đã hoàn thành cơ bản các nội dung của mô hình thí điểm. Các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước cấp Trung ương cũng như cấp tỉnh được cụ thể hóa và kiểm chứng tại địa bàn cấp xã. Một số cơ chế, chính sách thí điểm áp dụng bước đầu đã thành công, như: trao quyền tự chủ cho cơ sở về quản lý đầu tư xây dựng cơ bản; phát huy nội lực cộng đồng, giám sát cộng đồng… Đội ngũ cán bộ các cấp tích cực tham gia, gắn bó với cơ sở, với nhân dân nhiều hơn. Mô hình thí điểm trong quá trình xây dựng cũng đã góp phần để Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 800.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình thực hiện thí điểm xây dựng mô hình xã điểm NTM cũng bộc lộ những vướng mắc, khó áp dụng và hiệu quả thấp. Cụ thể như: Bộ tiêu chí Quốc gia theo Quyết định 491 của Thủ tướng Chính phủ có nhiều điểm chưa phù hợp; vấn đề xây dựng quy hoạch theo nội dung một số văn bản như giữa 192 với 491, 800... không đồng nhất. Nhận thức về xây dựng NTM của một bộ phận không nhỏ đảng viên, cán bộ và nhân dân còn hạn chế; còn có tư tưởng trông chờ, ỷ lại. Việc cân đối nguồn lực có đáp ứng đảm bảo khi nhân ra diện rộng để đến năm 2015 có 20% và đến năm 2020 có 50% số xã về đích hay không là chưa rõ... Vấn đề lồng ghép các chương trình thực chất không tăng thêm nguồn lực cho NTM, lồng ghép thực hiện tại xã điểm thì phải rút ở các xã khác. Vai trò của từng tổ chức trong hệ thống chính trị chưa phân định được một cách rõ ràng trong thực hiện từng tiêu chí. Phát triển sản xuất là vấn đề trọng yếu, nhưng đang là khó khăn lớn nhất, chưa có giải pháp đột phá, phải có thời gian dài và nâng cao nhận thức, kiến thức làm ăn và đào tạo nghề cho người dân là hoàn toàn không dễ.

Đặc biệt, hạn chế rất lớn là vai trò của cấp ủy đảng, chính quyền và hệ thống chính trị cơ sở. Đây là địa bàn mà đội ngũ cán bộ trực tiếp tổ chức thực hiện các chủ trương và chính sách nhưng thực tế chưa thể đáp ứng từ năng lực, kinh nghiệm, sự say mê và tận tâm, tận tụy để cống hiến vì cuộc sống của nhân dân, vai trò các đoàn thể thì không cụ thể và thiếu phương pháp. Công tác lãnh đạo, chỉ đạo cấp trên từ tỉnh đến huyện tuy đã có nhiều cố gắng nhưng thực chất hiệu quả vẫn thấp, thiếu cụ thể và cách tháo gỡ khó khăn cho địa phương còn hạn chế và chậm thời gian.

Từ những kết quả đạt được cũng như những hạn chế, vướng mắc trong thực hiện thí điểm xây dựng mô hình xã điểm NTM ở Gia Phố, chúng ta có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm bước đầu:

Vai trò chủ thể người dân và cộng đồng là nhân tố quyết định thành công; xây dựng NTM là xây dựng cuộc sống cho chính họ. Do đó, các công việc phải được dân luận bàn kỹ và quyết định. Sự hỗ trợ của Nhà nước có hiệu quả thiết thực cho người dân chỉ khi người dân tin, dân vui, dân tự giác, tự nguyện hăng hái thi đua cùng nhau góp sức, góp công và tài sản của chính họ để thực hiện thì mới thành công.

Xây dựng NTM lấy nông dân và cộng đồng làm chủ thể và phải có lãnh đạo, chỉ đạo và có hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, nhưng phải khẳng định rằng: “Xây dựng NTM không chỉ có sự hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước và sự đóng góp của nhân dân mà còn phải có đội ngũ cán bộ ở cấp xã biết, hiểu, thạo việc, tâm huyết và thực sự hy sinh vì cuộc sống của nhân dân”.

Xây dựng NTM cái gốc vẫn là phát triển sản xuất để nâng cao thu nhập cho người dân; đồng thời tập trung vào các tiêu chí mà gắn liền với lợi ích cả vật chất, tinh thần của nhân dân nhiều nhất làm trước và biết phát động phong trào thi đua sẽ tạo thành sức mạnh của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội tham gia hăng hái lao động sản xuất thì sẽ có hiệu quả thiết thực, bền vững.

Mô hình sản xuất bún, bánh của gia đình chị Trần Thị Vân, thôn Trung Phố tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 10 lao động
Mô hình sản xuất bún, bánh của gia đình chị Trần Thị Vân, thôn Trung Phố tạo việc làm và thu nhập ổn định cho 10 lao động

Để thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh, thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương, đơn vị cần xác định rõ một số nhiệm vụ trọng tâm:

Đối với xã Gia Phố, cần tiếp tục rút kinh nghiệm, hoàn thành các tiêu chí còn lại và củng cố, giữ vững các tiêu chí đã đạt; tập trung sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động; phát huy hiệu quả các công trình đã có; phát huy vai trò người dân làm chủ và phát huy cao dân chủ.

Các địa phương khác cần xác định Gia Phố là điểm học tập trong chỉ đạo; nhất là về vai trò đội ngũ cán bộ xã, người dân và cộng đồng... để vận dụng linh hoạt vào thực tiễn địa phương; hoàn thành quy hoạch, các đề án chất lượng, chi tiết, sát thực và tổ chức thực hiện tốt.

Đối với các sở, ban ngành, cần hoàn chỉnh báo cáo gửi trung ương và tiếp tục tổ chức hội thảo sâu để rút ra các bài học quý; tiếp tục giúp Gia Phố và chỉ đạo, phối hợp với các huyện, thị, thành trong tỉnh rút kinh nghiệm từ mô hình điểm Gia Phố đẩy nhanh tiến độ thực hiện, đảm bảo chất lượng.

Cùng với sự nỗ lực, vào cuộc của tỉnh, đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương tổng kết mô hình thí điểm của cả nước; ban hành các tài liệu liên quan và bài học kinh nghiệm của các địa phương để áp dụng trên địa bàn cả nước một cách phù hợp và hiệu quả thiết thực; cần ưu tiên các nguồn lực từ ngân sách của Nhà nước hỗ trợ cho các địa phương, trao quyền chủ động cho cơ sở trong việc lồng ghép các nguồn lực để có phương thức huy động thuận lợi và hiệu quả; nghiên cứu và điều chỉnh sớm một số tiêu chí trong bộ tiêu chí quốc gia và vấn đề xây dựng đồ án quy hoạch cần có một quy hoạch chung để có cơ sở xây dựng quy hoạch chi tiết phù hợp với từng địa phương.

LĐS

,

Chủ đề Xây dựng nông thôn mới

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast