Bùng phát dịch cúm gia cầm ở Cẩm Xuyên

Theo kết luận của Trung tâm chẩn đoán - xét nghiệm Thú y (thuộc Cơ quan Thú y Vùng 3), 9 mẫu bệnh phẩm được lấy từ gia cầm bị chết của 3 hộ dân thôn Trung Nam, xã Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) phản ứng dương tính với vi - rút H5N1. Như vậy, dịch cúm gia cầm đã trở lại Cẩm Xuyên sau 9 tháng tạm lắng.

Theo ông Phạm Thanh Bình - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Hà Tĩnh, vào tối ngày 10 - 10, sau khi nhận được thông tin từ nhân viên thú y xã Cẩm Thành, Cán bộ Trạm Thú y Cẩm Xuyên đã cấp báo: đàn gia cầm (chủ yếu là vịt mới 2 - 3 tháng tuổi) của 5 hộ dân ở thôn Trung Nam có hiện tượng ốm chết. Qua kiểm đếm đã xác định được 718 con bị chết trong tổng đàn 2.750 con.

Ngành y tế kịp thời có mặt tại vùng dịch Cẩm Thành để tuyên truyền phòng chống cúm gia cầm lây sang người
Ngành y tế kịp thời có mặt tại vùng dịch Cẩm Thành để tuyên truyền phòng chống cúm gia cầm lây sang người

Nhằm kịp thời bao vây, khống chế dịch, sáng 11 - 10, Chi cục Thú y tỉnh đã cử đoàn về kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống dịch. Để làm cơ sở cho việc dập dịch, một mặt Chi cục đã tiến hành lấy 9 mẫu bệnh phẩm của 3 trong tổng số 5 hộ dân có gia cầm ốm chết để gửi cơ quan chuyên môn cấp trên xét nghiệm; mặt khác đơn vị phối hợp với UBND huyện Cẩm Xuyên chủ động triển khai các bước dập dịch chứ không chờ kết quả xét nghiệm dương tính rồi mới triển khai. Theo đó, Chi cục đã xuất cấp 200 lít hóa chất Benkocid, 100 bộ bảo hộ lao động, 50 đôi ủng và 2 máy phun động cơ để hỗ trợ địa phương chống dịch.

Được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp và cơ quan chuyên môn, ngày 12 - 10, huyện Cẩm Xuyên đã thành lập BCĐ phòng chống dịch và đoàn tiêu hủy gia cầm để chỉ đạo xã Cẩm Thành tiến hành chôn gia súc ốm chết, đồng thời triển khai các thủ tục cần thiết để tiêu hủy số gia cầm còn lại.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nên cả 5 hộ dân có gia súc bị bệnh trước đó và 3 hộ mới phát sinh đều nghiêm chỉnh chấp hành. Toàn bộ quy trình tiêu hủy đã kết thúc trong ngày 12 - 10 với tổng số 2.958 con.

Ông Phạm Đào Tịnh - Trưởng Trạm Thú y huyện Cẩm Xuyên cho biết thêm, sau khi xử lý dứt điểm số gia cầm ốm chết và số cần tiêu hủy trong đàn gia cầm của 5 hộ dân ở thôn Trung Nam thì vào sáng ngày 13 - 10, nhân viên thú y lại phát hiện thêm một hộ dân ở thôn Na Kênh có 230/389 con gia cầm bị ốm chết. Sau khi xác định số gia cầm này cùng thả chung một xứ đồng với gia cầm bị dịch, huyện đã tiến hành tiêu hủy cả đàn mà không cần lấy mẫu xét nghiệm. Tính chung, số gia cầm ốm chết và tiêu hủy của 9 hộ dân ở Cẩm Thành đến chiều ngày 13 - 10 là 3.347 con, trong đó: 3.149 con vịt, 174con gà và 24 con ngan).

Cùng với tiến hành tiêu hủy gia cầm, Trạm Thú y Cẩm Xuyên đã chỉ đạo xã thành lập 11 chốt kiểm soát để ngăn chặn việc tẩu tán gia cầm từ trong vùng dịch ra ngoài, đồng thời tiêu độc khử trùng phương tiện ra vào vùng dịch; sử dụng 1 tấn vôi bột tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi và các tuyến đường liên thôn.

Theo nhận định của ngành chuyên môn, nguyên nhân xuất hiện dịch cúm gia cầm tại Cẩm Thành (Cẩm Xuyên) chủ yếu do địa phương này nằm trong vùng ảnh hưởng khi hồ Kẻ Gỗ xả tràn nên môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng; thứ nữa là do thời tiết thay đổi trong khi mầm bệnh đã di trú trong môi trường khá lâu; và một yếu tố có thể xem như quyết định nhất là đàn gia cầm của địa phương đã hết thời gian miễn dịch nhưng chưa được tiêm phòng đợt 2 (do nguồn cung vắc xin chưa đáp ứng được nên Cục Thú y trung ương chủ trương lùi kế hoạch tiêm phòng gia cầm sang tháng 11 thay vì tháng 10 như lâu nay).

Hiện nay, môi trường đang bị ô nhiễm nghiêm trọng do hậu quả của đợt lũ vừa qua; đàn gia cầm đã hết thời gian miễn dịch nhưng chưa được tiêm phòng đợt 2 trong khi mầm bệnh đang tiềm ẩn khắp mọi nơi. Để chủ động phòng chống dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm, cơ quan chuyên môn đề nghị các địa phương trong tỉnh, nhất là chính quyền cơ sở chỉ đạo các chủ hộ chăn nuôi tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại và môi trường xung quanh; bổ sung nguồn thức ăn dinh dưỡng để tăng sức đề kháng cho các đàn vật nuôi; thường xuyên kiểm tra, giám sát đàn gia súc, gia cầm để kịp thời phát hiện các biểu hiện bất thường nhằm khoanh vùng xử lý dứt điểm trong diện hẹp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast