Bước tiến trong cơ giới hoá nông nghiệp

Đã mấy vụ mùa trôi qua, người nông dân xã Vượng Lộc (Can Lộc - Hà Tĩnh) không còn phải vất vả khi tìm nhân công làm đất, cắt, đập, vận chuyển lúa. Bởi, cứ đến mùa vụ, trên những cánh đồng, tiếng máy cày, máy tuốt, máy xay xát lại rộn vang cả một vùng quê. Vượng Lộc được đánh giá là một trong những địa phương đứng đầu toàn tỉnh về việc thực hiện cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp.

Gia đình anh Trần Tiến đã mạnh dạn đầu tư nhiều thiết bị hiện đại để phát triển chăn nuôi lợn nái.
Gia đình anh Trần Tiến đã mạnh dạn đầu tư nhiều thiết bị hiện đại để

phát triển chăn nuôi lợn nái.

Đến Vượng Lộc, hình ảnh đầu tiên tạo ấn tượng cho chúng tôi là một cơ sở chuyên cung cấp và bảo dưỡng các loại máy nông nghiệp Trần Đức khá lớn nằm ngay đầu xã. Cửa hàng này có đến vài trăm máy nông nghiệp các loại, có cả hàng “nội” và nhập “ngoại”, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu của nông dân. Thế mới biết, con trâu giờ đây không còn là “đầu cơ nghiệp” của người nông dân nữa, thay vào đó sự đầu tư máy móc hiện đại đang là một xu thế tất yếu, phù hợp với nền sản xuất hàng hoá bền vững. Ông Nguyễn Văn Quế, Phó chủ tịch UBND xã cho biết: “Từ sau chuyển đổi ruộng đất, đồng ruộng được quy hoạch lại phù hợp, bà con nông dân đầu tư mua máy móc phục vụ nông nghiệp ngày càng nhiều. Cứ vào mùa vụ, ngày nào cửa hàng của anh Trần Đức cũng tấp nập khách hàng, người mua mới, người bảo dưỡng lại máy cũ để chuẩn bị cho mùa sản xuất”.

Sau chuyển đổi ruộng đất lần 2, từ chỗ ruộng đồng bị chia nhỏ manh mún toàn xã đã “dồn điền, đổi thửa” được 5.067 thửa (giảm 67% so với lần 1) có diện tích từ 210 m2 đến 26. 700m2; 42 hộ được nhận đất tập trung với diện tích 1- 1,5 ha để xây dựng mô hình kinh tế tổng hợp. Điều đó đồng nghĩa với việc các công đoạn thủ công trong sản xuất nông nghiệp đã lỗi thời, không đáp ứng được khối lượng công việc, hiệu quả kinh tế lại thấp. Một trong những “bí quyết” để Vượng Lộc có những bước đột phá trong việc áp dụng cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp là do cán bộ xã sớm đổi mới, vận dụng một cách sáng tạo, phù hợp các chủ trương, chính sách của Đảng vào địa phương. Để phát triển ngành sản xuất nông nghiệp theo hướng thâm canh, gắn với quy hoạch đồng ruộng, lãnh đạo xã đã chỉ đạo nhân dân ra quân làm giao thông, thuỷ lợi nội đồng, tạo tiền đề cho việc áp dụng cơ giới hoá một cách thuận lợi và có hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, xã còn giao trách nhiệm cho Hội Nông dân và Hội Phụ nữ xã tích cực tuyên truyên, vận động sâu rộng trong nhân dân, từ đó giúp họ có những nhận thức đúng về một nền sản xuất hàng hoá hiện đại. Hai đoàn thể này còn trực tiếp làm các hồ sơ, thủ tục, tạo điều kiện thuận lợi cho người nông dân tiếp cận với các gói kích cầu của Chính phủ trong việc đầu tư, mua sắm máy móc phục vụ nông nghiệp. Đối với công cụ sạ hàng, xã đã hỗ trợ 200 nghìn đồng mỗi máy cho các hộ có nhu cầu, đồng thời hỗ trợ 10- 20 nghìn đồng/kg lúa lai và 3-5 nghìn đồng/ kg lúa thường. Đặc biệt, thực hiện chủ trương của huyện, xã đã tổ chức sôi nổi hội thi trình diễn máy cày cho 15 chi hội nông dân trong xã. Với tiêu đề “Ra quân sản xuất Đông Xuân 2010 và hội thi sản xuất bằng cơ giới”, sau khi bốc thăm, 70 máy cày đã tiến hành làm 1000m3 đất trong vòng 40 phút, đội nào hoàn thành công việc trước đội đó sẽ chiến thắng. Vượt ngoài ý nghĩa của một cuộc thi, đây chính là dịp để người nông dân được tiếp cận với các tiến bộ KHKT, từ đó khơi dậy phong trào thi đua sôi nổi trong toàn dân.

Chỉ mới là vụ thứ hai sau CĐRĐ, số lượng máy cơ giới của xã đã không ngừng tăng. Theo thống kê, toàn xã hiện có 337 máy cày, 120 máy tuốt lúa, 41 máy xay xát, 142 máy cắt rạ và 3 máy sạ hàng. Hiện nay, có đến 90% đồng ruộng xã Vượng Lộc là làm việc bằng máy. Nhiều gia đình còn đầu tư 2- 3 loại máy, vừa phục vụ cho ruộng nhà, vừa tranh thủ làm dịch vụ tăng thêm thu nhập. Theo đó, chất lượng và năng suất đã có sự biến chuyển rõ rệt, đạt gần 61 tạ/ha trong vụ Hè thu năm 2009, tăng hơn 4 tạ/ha so với cùng kỳ năm trước.

Việc đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp cũng tạo cơ hội để phát triển các mô hình kinh tế có quy mô lớn. Hiện, toàn xã có 35 mô hình kinh tế tổng hợp có diện tích từ 1- 1,5 ha. Chẳng hạn như gia đình anh Trần Tiến ở xóm 11 là hộ làm mô hình kinh tế chăn nuôi tổng hợp khá lâu năm, nay với 1,1 ha anh có điều kiện để phát triển mô hình theo hướng thâm canh trên quy mô lớn. Hiện nay, hệ thống chuồng trại, ao hồ đã được cải tạo, nâng cấp bằng các trang thiết bị hiện đại và đồng bộ như: hệ thống làm mát, quạt điện, hệ thống vệ sinh,…phục vụ cho hơn 20 con lợn nái ngoại và luôn có trong chuồng khoảng 400 con lợn nạc; hàng trăm con gà, vịt và một ao cá rộng gân 700m2.

Với việc đưa cơ giới vào sản xuất nông nghiệp, Vượng Lộc đã tạo được “cú hích” trong phát triển kinh tế nông nghiệp, tạo tiền đề bước vào một nền sản xuất hàng hoá mang tính thâm canh và bền vững.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast