Cá tra lại "mắc lưới" tiêu chuẩn của WWF?

Người nuôi cá tra lại đang phải đứng trước lựa chọn là có hay không việc áp dụng nuôi theo tiêu chuẩn ASC của Quỹ này.

Sau khi cá tra được gỡ khỏi danh sách đỏ của Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên (WWF) thì người nuôi cá tra lại đang phải đứng trước lựa chọn là có hay không việc áp dụng nuôi theo tiêu chuẩn ASC của Quỹ này.

Thực tế là nghề nuôi cá tra ở nước ta nói riêng và nuôi trồng thủy sản vẫn đang tuân thủ theo quy định vùng nuôi an toàn của Bộ Thủy sản (cũ) và áp dụng nhiều tiêu chuẩn quốc tế khác như SQF, Global Gap, GAP, CoC... Và các sản phẩm cá tra nuôi này nhiều năm qua vẫn được xuất khẩu sang 120 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với khối lượng và giá trị lớn. Điều đó cho thấy kể cả không áp dụng tiêu chuẩn ASC do WWF đặt ra thì sản phẩm cá tra nuôi của nước ta vẫn đáp ứng được các yêu cầu về vùng nuôi cũng như về vệ sinh an toàn thực phẩm, được người tiêu dùng thế giới đón nhận.

Động thái của WWF gỡ bỏ cá tra khỏi danh sách Đỏ và ký Biên bản ghi nhớ với Hiệp hội Chế biến xuất khẩu thủy sản Việt Nam và Hội nghề cá Việt Nam về việc áp dụng tiêu chuẩn ASC của WWF cho thấy: WWF hoàn toàn có dụng ý khi hành động như vậy. Thực chất việc WWF đưa cá tra vào danh sách đỏ là tạo rào cản cho loại sản phẩm đang được ưa chuộng này để nhằm đạt được mục đích riêng. Bởi vì để áp dụng các tiêu chí mà WWF đặt ra và đạt được chứng nhận của tổ chức phi chính phủ này, người nuôi phải mất rất nhiều công sức và chi phí. Và trong khi giá cá tra trên thị trường quốc tế có phần suy giảm, thì người nuôi lại phải gánh thêm một khoản chi phí không đáng có.

Mặc dù quyết định có áp dụng quy chuẩn ASC của WWF hay không là hoàn toàn phụ thuộc vào người nuôi cá tra Việt Nam, nhưng nếu câu trả lời là "không" thì cũng khó lường được hậu quả một khi tổ chức này vẫn tiếp tục lạm dụng quyền được khuyến cáo của mình. Nếu câu trả lời là "có" thì vô tình đã tạo ra một tiền lệ nguy hại để các tổ chức phi chính phủ thay nhau tự đặt ra những chuẩn mực để "khuyến cáo" theo kiểu ép buộc người nuôi phải áp dụng. Và như vậy không biết đến khi nào người nuôi thủy sản Việt Nam và người nuôi thủy sản trên thế giới mới chấm dứt được việc phải chi trả những khoản phí vô lý và thoát khỏi cảnh một cổ mấy tròng này?

Các chuyên gia ngành thủy sản cho biết, hiện nay tiêu chí CoC của Tổ chức nông lương LHQ mà nuôi trồng thủy sản Việt Nam đang áp dụng là tiêu chí được thừa nhận rộng rãi ở tất cả các quốc gia trên thế giới. Đây là tiêu chuẩn cơ bản, cần thiết nhất mà các vùng nuôi thủy sản cần áp dụng thay vì áp dụng những tiêu chuẩn ít được thừa nhận khác. Một số chuyên gia cũng cho rằng có lẽ đã đến lúc Chính phủ nước ta cần có những quy định về những giới hạn cụ thể mà các tổ chức phi chính phủ được phép và không được phép làm ở nước ta để giảm thiểu những tình trạng bất lợi này./.

Theo VOVnews.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast