Cam bù rớt giá, nhiều hộ trồng cam ngậm ngùi

Cam bù – một loại quả chỉ chín vào dịp Tết Nguyên đán được trồng rất nhiều ở vùng miền núi Hương Sơn, Hương Khê và Vũ Quang. Nhiều năm lại đây, cam bù là cứu cánh cho những hộ nông dân xóa đói giảm nghèo, thậm chí giúp họ trở thành những triệu phú chân đất. Tuy nhiên, Tết Nguyên đán Nhâm Thìn này, giá cam bù rớt xuống thấp khiến nhiều hộ trồng cam đón Tết trong nỗi ngậm ngùi.

Cam bù là một loại đặc sản nên rất nhiều người có nhu cầu mua để làm quà và để dùng trong gia đình vào dịp Tết. Nếu như năm ngoái người nông dân được hưởng lợi nhờ thời tiết nóng bức khiến nhu cầu sử dụng cam của nhân dân tăng lên thì năm nay điều đó lại ngược lại hoàn toàn. Thêm vào đó, cam lại được mùa hơn nhiều so với năm ngoái. Giá cam bù từ 60 - 70 nghìn đồng/kg tại vườn, nay giảm xuống còn 25 - 30 nghìn đồng/kg tại vườn. Thậm chí, thương lái cũng không còn lùng vào tận các trang trại cam để mua sỉ cả vườn như trước nữa mà họ mua rất dè dặt.

Cam bù được mùa nhưng xuống giá mạnh
Cam bù được mùa nhưng xuống giá mạnh

Theo tìm hiểu của chúng tôi, do ảnh hưởng của tình hình thời tiết phức tạp, các thương lái cũng không dám mua nhiều, trái lại chỉ mua cầm chừng. Năm nay đến mua tại các vườn cam chủ yếu là những người buôn cam ở các chợ lẻ trong huyện. Cũng chẳng phải vì lý do giá cam bù rẻ hơn mà sức tiêu thụ lớn hơn, trái lại do năm nay thời tiết mưa nhiều vào đúng dịp chín nên cam không ngọt, trời lại lạnh nên nhu cầu sử dụng cam không lớn khiến sức mua giảm mạnh.

Chị Hoa – một người buôn cam ở chợ Rạp (Hương Sơn) cho biết: “Do lượng giao dịch không mạnh như năm ngoái nên tôi cũng không dám hái nhiều, mỗi ngày chỉ dám hái khoảng dăm, bảy yến bán lẻ, bao giờ bán hết lại đi hái tiếp”.

Có những nơi thấy thương lái mua giá rẻ quá, bà con cũng chờ ngày áp tết mới hái cam tự mang ra chợ bán nhưng giỏi lắm cũng chỉ bán được bằng một nửa giá năm ngoái. Anh Trần Văn Tiến ở xóm 7 (Sơn Thọ - Vũ Quang) cho biết: “Năm ngoái vườn cam của tôi được khoảng 1 tấn quả, vợ chồng tôi bán tại vườn cũng thu về 65 triệu, năm nay chúng tôi đầu tư chăm sóc cho vườn cam nhiều hơn, thấy cam được mùa lại chín muộn thì mừng. Vợ chồng ngồi tính chỉ cần bán tại vườn cũng thu được 75, 80 triệu, ấy thế mà năm nay cam xuống giá quá mạnh, vườn cam của tôi đẹp là thế mà chỉ thu được hơn 30 triệu, tính ra cũng chẳng lời lãi được bao nhiêu”.

Cũng như anh Tiến, nhiều hộ trồng cam khác ở Vũ Quang và Hương Sơn cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Vườn cam của anh Trần Văn Sơn ở xóm 3 ( Sơn Trường – Hương Sơn) vốn nổi tiếng với cam có chất lượng cao được thương lái ưa chuộng nhưng năm nay cũng không tránh khỏi tình trạng ế ẩm. Anh Sơn cho biết: “Năm nay vườn cam của tôi thu được hơn 2 tấn nhưng chỉ bán được hơn 50 triệu đồng”. Với những hộ đã trồng nhiều năm, đã thu lợi từ vườn cam như anh Sơn thì sức ảnh hưởng không đáng kể nhưng với những hộ mới đầu tư trồng cam thì mùa này chỉ coi như lấy công làm lãi.

Nói đi nói lại, câu chuyện đầu ra ổn định cho các loại cây ăn quả vẫn là điều đáng quan tâm nhất. Hiện nay, Hương Sơn là nơi trồng nhiều cam bù nhất trong tỉnh với hơn 250 ha, trong đó hơn 1/2 diện tích đã cho thu hoạch. Nếu như năm ngoái toàn huyện Hương Sơn chỉ thu được khoảng 800 tấn cam thì năm nay sản lượng cam trong toàn huyện ước đạt 1300 tấn, thế nhưng hình thức tiêu thụ vẫn chỉ là tự phát. Chủ yếu vẫn là do các thương lái trong tỉnh đến mua và bán rải rác khắp các chợ.

Cam bù vốn là loại quả đặc trưng chỉ chín và tiêu thụ nhiều nhất trong dịp tết, thời gian chín cũng không dài, nếu để lâu ngày trên cây cam sẽ bị xốp. Do vậy, chỉ trước tết cam mới có chất lượng tốt và bán được giá nhất. Theo đó, trong trường hợp thị trường ổn định thì người trồng cam ung dung nhưng nếu sức mua giảm xuống thì các hộ trồng cam chỉ có nước bán đổ và tự hái cam mang ra chợ bán. Thế nên, vấn đề bấp bênh trong thu nhập của người trồng cam là điều không thể tránh khỏi.

Chưa kịp mừng vì mùa cam trĩu quả đã phải ngậm ngùi vì giá cam rớt mạnh là tình hình chung của nhiều hộ trồng cam bù trong tỉnh mùa cam vừa rồi. Với tình hình ấy, chắc hẳn năm nay nhiều hộ cũng sẽ dè dặt hơn trong đầu tư chăm bón cho vườn cam. Và mùa cam tới cũng không chắc cây cam bù có trở thành cây triệu phú cho những nông dân trồng cam nữa hay không?

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast