Can Lộc tập trung chăm sóc, bảo vệ cây trồng và vật nuôi vụ Đông Xuân

Thời tiết nắng nóng kéo dài trong những ngày qua đang ủng hộ các loại sâu, dịch bệnh trên cây trồng và vật nuôi sinh trưởng. Do vậy, vào thời gian này, bà con nông dân luôn bám sát đồng ruộng nhằm phát hiện và xử lý kịp thời sâu bệnh trên cây trồng, đồng thời chủ động tiêm phòng dịch cho gia súc, gia cầm với mục tiêu đảm bảo cho một vụ mùa bội thu...

Bà con nông dân xã Thiên Lộc chăm sóc, tỉa dặm cho cây lúa
Bà con nông dân xã Thiên Lộc chăm sóc, tỉa dặm cho cây lúa

Vụ Đông Xuân 2009- 2010, Can Lộc gieo cấy 7. 825 ha lúa, 980 ha lạc và khoảng 300 ha rau màu các loại. Đối với cây chủ lực là lúa, mặc dù đầu mùa vụ, nông dân phải đối mặt với cảnh thiếu giống lúa do bão lụt gây hại nhưng huyện đã tiếp nhận và phân bổ kịp thời các loại giống, đảm bảo cho việc gieo cấy kịp thời, phù hợp với cơ cấu. Năm nay, bộ giống mới chất lượng, như: P290, nhóm giống X, P6 và các giống lúa lai thuộc trà xuân trung, xuân muộn tiếp tục được nhân rộng trên địa bàn. Nhờ vậy, diện tích trà lúa xuân sớm (tiêu biểu là giống IR 1820) đã giảm xuống còn 38%, giảm 12% so với năm trước. Theo đó, trà lúa xuân trung và xuân muộn tăng lên, đảm bảo đúng mục tiêu đã đề ra từ đầu vụ. Đặc biệt, với việc nhân rộng các loại giống lúa lai sẽ tạo ra thế mạnh cho địa phương trong việc phát triển kinh tế.

Ông Võ Hữu Hào, Phó chủ tịch UBND huyện Can Lộc cho biết: “Các loại giống mới tuy chất lượng vượt lên nổi trội nhưng giá giống vẫn ở mức cao và phải phụ thuộc vào đầu mối cung cấp. Do vậy, để khuyến khích bà con nông dân, huyện đã có chính sách hỗ trợ 30% giá giống (cả lúa lai và lúa thuần), 5% nilông che phủ mạ và có hướng dẫn quy trình sản xuất và lịch thời vụ xuống tận các hộ. Đồng thời, bên cạnh việc đốc thúc các địa phương đẩy mạnh cơ giới hoá, huyện còn hỗ trợ mỗi xã 10 triệu đồng để nạo vét kênh mương, đảm bảo nguồn nước sạch tưới cho đồng ruộng và các loại cây trồng khác”. Tính đến nay, toàn huyện đã gieo cấy được 7. 825 ha lúa, đạt 100% kế hoạch, 800 ha lạc, đạt 82% kế hoạch và 300 ha rau màu. Can Lộc những ngày qua trời nắng như đổ lửa nhưng bà con nông dân vẫn xuông đồng, tỉa dặm, chăm sóc lúa, đồng thời tập trung gieo nốt số diện tích lạc còn lại, đảm bảo đúng thời vụ. Đối với chăn nuôi, phát huy thế mạnh của vùng, nuôi lợn nái đang là xu thế cho hiệu quả kinh tế cao. Nhất là, nhờ làm tốt công tác chuyển đổi ruộng đất lần 2, huyện đã quy hoạch vùng xây dựng mô hình chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại và hợp vệ sinh. Có những mô hình chăn nuôi được đầu tư hàng trăm triệu đồng như mô hình chăn nuôi tổng hợp của anh Trần Tiến (Vượng Lộc) với hơn 20 con lợn nái ngoại và luôn có trong chuồng khoảng 400 con lợn nạc. Riêng hệ thống chuồng trại anh đã đầu tư đến 300 triệu đồng, có cả những phương tiện hiện đại đảm bảo hợp vệ sinh và thoáng mát như: máy làm mát, quạt, hệ thống biôgas,…Ngoài ra, mô hình còn có hàng trăm con gà, vịt và hồ nuôi cá diện tích lớn. Anh cho biết: “Ý tưởng làm ăn lớn đã ấp ủ bao lâu nay của vợ chồng tôi nhưng trước đây diện tích nhỏ hẹp, manh mún nên không thể đầu tư được. Sau chuyển đổi, diện tích được quy hoạch lại ổn định và hợp lý, với 1,1ha gia đình tôi được có điều kiện để đầu tư đồng bộ và làm ăn thâm canh. Song, điều lo lắng của những người chăn nuôi quy mô lớn như chúng tôi là dịch bệnh luôn rình rập. Tuy đến nay đàn gia súc của tôi vẫn an toàn với dịch bệnh nhưng để chủ động, chúng tôi đã tiến hành tiêm phòng cho lợn và gia cầm”. Bên cạnh đó, Can Lộc đang tập trung xây dựng và nhân rộng mô hình nuôi hươu vừa cho thu nhập cao, vừa làm đa dạng hoá nghề chăn nuôi ở địa phương.

Hiện nay, do thời tiết có nhiều chuyển biến thất thường, nhất là sau đợt rét hại kéo dài trong dịp Tết Nguyên Đán đã có những biểu hiện bất lợi đối với cây trồng và vật nuôi. Theo sự theo dõi của phòng nông nghiệp huyện, đến thời điểm này, gia súc và gia cầm đang an toàn với dịch bệnh, còn trên lúa, các bệnh rầy nâu, sinh lý đã xuất hiện cục bộ ở Thị trấn, Tùng Lộc và Quang Lộc. Nhất là vấn nạn chuột phá hoại mùa màng đang khiến người nông dân không khỏi lo lắng, nhiều trà lúa bị hư hỏng nặng nề, không còn khả năng phát triển. Để giành lấy thắng lợi toàn diện trong vụ Đông Xuân này, ngay khi thời tiết ấm lên huyện Can Lộc đã chỉ đạo các địa phương hướng dẫn nông dân tháo cạn nước ở mức 2-3 cm và bón 15 kg vôi mỗi sào, kết hợp với làm cỏ, sục bùn. Nhiều địa phương đã ra quân diệt chuột với nhiều biện pháp như : bỏ bã, đào hang với chính sách hỗ trợ mỗi đuôi 100 đồng. Chẳng hạn như xã Vượng Lộc, đợt ra quân sau tết, người dân đã bắt được trên 50 nghìn con chuột.

Thời gian tới, cùng với việc tập trung chỉ đạo cho nông dân đẩy nhanh tiến độ sản xuất hết diện tích cây trồng vụ đông xuân, huyện còn chỉ đạo địa phương thường xuyên kiểm tra, theo dõi, phát hiện kịp thời các đối tượng gây hại đảm bảo phòng trừ kịp thời đạt hiệu quả cao nhất, đặc biệt đối với cây lúa chú ý các đối tượng sâu đục thân, bệnh đạo ôn và chuột. Bên cạnh đó, với dự báo một vụ mùa khô hạn, các địa phương cũng phải chủ động nguồn nước tưới ngay từ bây giờ. Đối với chăn nuôi, bà con nông dân cũng đang tích cực tiến hành tiêm phòng chống dịch cúm gia cầm và dịch lở mồm long móng gia súc đợt I. Bằng sự chủ động trong công tác chỉ đạo chăm sóc các loại cây trồng, vật nuôi vụ đông xuân, Can Lộc phấn đấu giành vụ SX thắng lợi toàn diện, tạo tiền đề vươn lên thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển kinh tế năm 2010./.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast