Chiến lược nào cho nghề muối?

Mùa mưa bão bắt đầu là khi vụ muối 2011 đang dần khép lại. Bức tranh về vụ muối năm nay là những mảng màu sáng, tối đan xen. Đó là những vùng quê gắn chặt với nghề dẫu hạt muối long đong trong cơ chế thị trường. Đó còn là gần 100 ha đồng muối bỏ hoang, chỏng chơ ô nại, xơ xác sân phơi ở những địa phương một thời sôi động với diêm nghiệp…

Khi diêm dân gắn bó với nghề

Hiếm có nơi nào, diêm dân lại yêu nghề, giữ nghề như làng muối Châu Hạ xã Thạch Châu (Lộc Hà). Gần 15 ha đồng muối, với Châu Hạ thực sự là nguồn tài nguyên vô giá vì nó là vốn tư liệu sản xuất chính của bao thế hệ người dân ở đây.

Mùa nắng 2011 đến muộn, cộng với dư âm về sự rớt giá muối năm 2010 khiến cho diêm dân nhiều nơi dần xa đồng muối. Trong khi đó, từ ngày mồng 4 tết, người dân Châu Hạ đã sôi nổi ra quân vệ sinh đồng muối, tu sửa ô nại. Khi ánh nắng đầu mùa xuất hiện, những mẻ muối đầu tiên của người dân Châu Hạ cũng kịp “ra lò”.

Diêm dân thôn Châu Hạ (Thạch Châu - Lộc Hà) tranh thủ những ngày nắng cuối cùng trong năm để sản xuất
Diêm dân thôn Châu Hạ (Thạch Châu - Lộc Hà) tranh thủ những ngày nắng cuối cùng trong năm để sản xuất

Xóm trưởng Phan Văn Ty cho biết, sự gắn bó máu thịt với nghề truyền thống đã giúp Châu Hạ có vụ sản xuất thắng lợi năm nay. Mặc cho giá muối bấp bênh, diêm dân vẫn tỉ mẫn hàng tháng trời để cải tạo đồng muối, đầu tư tu sửa ô nại để làm ra sản phẩm chất lượng cao mặc cho giá muối bấp bênh. Và cũng bởi gắn bó với nghề nên diêm dân Châu Hạ luôn chịu khó tận dụng tối đa những ngày nắng ráo để tăng sản lượng. Mùa hè năm nay không nhiều nắng, ở hầu hết các xã làm muối trong toàn tỉnh, diêm dân chỉ có khoảng 90 ngày nắng để sản xuất, trong khi đó Châu Hạ có trên 100 ngày. Bởi vậy sản lượng muối toàn xóm vẫn đạt kế hoạch: 2,4 ngàn tấn.

Muối Châu Hạ từ hàng chục năm qua đã có thương hiệu bởi lợi thế về chất đất cộng với sự đầu tư thâm canh của diêm dân. Bởi vậy, giá muối Châu Hạ được tư thương, doanh nghiệp thu mua luôn cao hơn giá muối ở các địa phương khác trong tỉnh. Cả xóm có 135 hộ làm muối, trung bình mỗi hộ có khoảng 1,5 sào. Theo tính toán của ông xóm trưởng, trung bình mỗi sào vụ này được 8,6 tấn, với giá muối bình quân là 1.400 đồng/kg, thu được khoảng 12 triệu đồng. Mặc dù không thể so sánh với nững nghề phụ khác, nhưng so với sản xuất nông nghiệp, 1 ha muối cho thu nhập hơn 200 triệu đồng là một con số đáng kể.

Cùng chung nhịp độ sản xuất của Châu Hạ là đồng muối xã Kỳ Hà (Kỳ Anh). Mặc dù có kém hơn về chất lượng và năng suất nhưng lợi thế của Kỳ Hà là có diện tích đồng muối lớn (gần 100 ha), thu hút hơn 2.000 lao động. Vụ muối năm nay, mặc dù diện tích có sụt giảm và sản lượng không đạt kế hoạch đề ra (8.000 tấn/kế hoạch 9.000 tấn) nhưng nghề muối vẫn khẳng định vị trí là nguồn thu nhập chính của người dân Kỳ Hà với giá trị thu nhập đạt khoảng 8 tỷ đồng, chiếm 60% tổng nguồn thu hàng năm của xã.

Chiến lược nào cho nghề muối?

Có thể nói, Châu Hạ, Kỳ Hà chỉ là những điểm sáng còn lại trong bức tranh ảm đạm của vụ muối 2011. Ông Trần Đức Thuận, Trưởng phòng Chế biến Nông - Lâm Thủy sản - Thương mại và Nghề muối - Chi cục Phát triển nông thôn Hà Tĩnh cho biết, sau năm đỉnh cao 2009, cùng với sự rớt giá thê thảm, diện tích đồng muối liên tục suy giảm. Đến năm 2011, trong tổng diện tích 240 ha đất làm muối toàn tỉnh, chỉ còn hơn 100 ha sản xuất, giảm hơn 90 ha so với vụ muối năm 2010. Trong số đó, Thạch Bàn (Thạch Hà) và Hộ Độ (Lộc Hà) là 2 xã có diện tích đồng muối bỏ hoang lớn nhất. Tổng sản lượng muối năm nay là 13.000 tấn, giảm khoảng 10.000 tấn so với năm ngoái.

Mặc dù giá muối sụt giảm, nhưng nghề muối vẫn là nghề mưu sinh chủ yếu của người dân xã Kỳ Hà (Kỳ Anh).

Mặc dù giá muối sụt giảm, nhưng nghề muối vẫn là nghề mưu sinh chủ yếu của người dân xã Kỳ Hà (Kỳ Anh).

Chiến lược để nghề muối giữ được nhịp độ phát triển ổn định, đảm bảo an sinh cho những địa phương làm muối có thể được bắt đầu từ những cơ hội mới tại Quyết định 24/2011/QĐ-UBND của UBND tỉnh về chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp nông thôn giai đoạn 2011-2015. Vấn đề mà diêm dân băn khoăn nhất lâu nay, là sự bấp bênh của giá muối đã được đề cập trong nội dung của Quyết định 24.

Theo đó, khi giá muối giảm đến mức bằng hoặc thấp hơn 70% giá bình quân 3 năm liên kề (đã tính trượt giá theo chỉ số giá tiêu dùng của Nhà nước công bố), thì hộ sản xuất muối được tỉnh hỗ trợ phần giá trị sụt giảm, tối đa không quá 5 triệu đồng/hộ/năm.

Cũng theo Quyết định 24, kinh phí cho việc kiên cố hóa kênh mương thủy lợi phục vụ sản xuất muối sẽ được ngân sách hỗ trợ 70%; hộ diêm dân ứng dụng công nghệ mới trong sản xuất muối quy mô 250m2 trở lên được hỗ trợ 500 ngàn đồng/chạt lọc, 20% kinh phí tấm hấp thu nhiệt (tối đa mỗi hộ không quá 20 triệu đồng). Đây chính là một nguồn lực lớn thúc đẩy sản xuất muối công nghệ cao để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, từ đó tăng giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích.

Tuy nhiên, bên cạnh đầu tư đại trà, theo chúng tôi cần khuyến khích sự tích tụ ruộng đất, hình thành các ông chủ sản xuất muối và tạo điều kiện cho DN, HTX tham xây dựng các mô hình có quy mô lớn. Về lâu dài, khi một bộ phận diêm dân lựa chọn hướng thoát ly nghề muối thì việc hình thành các mô hình sản xuất tập trung do một hộ hoặc một đơn vị đứng chủ để khai thác hiệu quả diện tích đất muối là rất cần thiết.

Theo Giám đốc Công ty Cổ phần muối & Thương mại Lê Đình Thành thì mô hình này đã thành công ở các tỉnh phía Nam và có thể áp dụng hiệu quả ở tỉnh ta. Những ông chủ lớn trên đồng muối này cũng sẽ có trách nhiệm tổ chức sản xuất, tạo việc làm với thu nhập ổn định cho diêm dân.

Một hướng đi mới cũng được mở ra trong Quyết định 24 đó là hỗ trợ kinh phí xây dựng kết cấu hạ tầng cho những diện tích muối chuyển sang nuôi tôm với mức 20 triệu đồng/ha. Trên thực tế, năm 2011 này có 80 ha làm muối kém hiệu quả ở xã Hộ Độ và Mai Phụ (Lộc Hà) đang trong lộ trình chuyển sang dự án nuôi tôm. Tuy nhiên, trong quá trình chuyển đổi, cần giải bài toán việc làm cho diêm dân có diện tích đất sản xuất bị thu hồi một cách cẩn trọng và hiệu quả. Bên cạnh đó, cần chú trọng đưa nghề mới, phù hợp về các địa phương làm muối để tạo cơ hội tăng thu nhập cho diêm dân.

Tuy nhiên, mọi chính sách chỉ có thể thực hiện thành công nếu như trên đồng muối vẫn còn những diêm dân thực sự gắn bó với nghề truyền thống. Tình yêu nghề và sự cần mẫn thâm canh sản xuất sẽ giúp nghề muối đứng vững trước những biến động thăng trầm của thị trường. Cùng đó là tinh thần trách nhiệm cao của cấp ủy, chính quyền các cấp trong việc xây dựng, triển khai các giải pháp phát triển sản xuất một cách hiệu quả và tiếp cận, tranh thủ nguồn lực từ chính sách dành cho diêm nghiệp.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast