Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát

Ngày 4/1/ 2011, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã ký ban hành Nghị quyết phiên họp thường kỳ tháng 12 năm 2010. Theo đó, Chính phủ xác định nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2011 là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát; đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn thị trường, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Tân Mão 2011; quan tâm chăm lo đời sống nhân dân...

Nghị quyết nêu rõ: với sự cố gắng của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, của cộng đồng doanh nghiệp, năm 2010, chúng ta đã cơ bản hoàn thành mục tiêu tổng quát là ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiềm chế lạm phát cao, duy trì tăng trưởng hợp lý và bảo đảm an sinh xã hội.

Tuy nhiên, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2010 cũng còn những hạn chế, yếu kém, nổi lên là: lạm phát và lãi suất cho vay còn cao; phản ứng chính sách trong quản lý thị trường ngoại hối, thị trường vàng còn chậm; chất lượng tăng trưởng thấp; nhiều vấn đề bức xúc của đời sống kinh tế - xã hội chậm được giải quyết; kết quả giảm nghèo chưa thật bền vững, đời sống của một bộ phận nhân dân còn nhiều khó khăn; quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực còn bất cập, bộc lộ nhiều sơ hở, thiếu kiểm tra, chấn chỉnh kịp thời...

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Nhiệm vụ trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát - Ảnh: Chinhphu.vn

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Nhiệm vụ trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát - Ảnh: Chinhphu.vn

Trên cơ sở các mục tiêu, nhiệm vụ tổng quát, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011 với mục tiêu trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; đổi mới mô hình tăng trưởng, thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế; tiếp tục nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ; bảo đảm an sinh xã hội gắn với thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, nâng cao chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe, bảo đảm đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân; tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu; đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng; tăng cường quốc phòng, an ninh, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại.

Để thực hiện có hiệu quả những giải pháp trên, Chính phủ yêu cầu:

Các thành viên Chính phủ nêu cao tinh thần trách nhiệm, quán triệt các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, chấp hành nghiêm sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước trong lĩnh vực, chuyên ngành; chủ động và khẩn trương triển khai đồng bộ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011.

Thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ trọng tâm là ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh, bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ, bình ổn thị trường, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Tân Mão 2011; quan tâm chăm lo đời sống nhân dân.

Bình ổn thị trường, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Tân Mão là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện.

Bình ổn thị trường, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán Tân Mão là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được Chính phủ tập trung chỉ đạo thực hiện.

Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan phải đích thân chỉ đạo công tác xây dựng thể chế, hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng các đề án không khả thi, chậm tiến độ, chất lượng thấp; đẩy nhanh việc soạn thảo và trình các dự án luật, pháp lệnh, các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh đúng thời hạn quy định. Trước mắt cần khẩn trương rà soát, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách trên các lĩnh vực: quản lý đất đai, khoáng sản, rừng; quản lý doanh nghiệp nhà nước; đầu tư xây dựng cơ bản, gắn với kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước trên các lĩnh vực này.

Tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát việc thực thi các chính sách, giải pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trên từng lĩnh vực; kịp thời chấn chỉnh, uốn nắn những lệch lạc, xử lý nghiêm minh những sai phạm.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast