Cho những mùa vàng ấm no...

Làm hồ trên vùng đất cát, khoét núi chuyển nước về xuôi, tách nước cho khu kinh tế, thiết kế tràn giếng giữa lòng hồ hay tràn thành mỏng…, thật khó để kể hết những khối lượng công việc thoạt nghe tưởng những đơn giản mà Công ty CP Tư vấn xây dựng Thủy lợi Hà Tĩnh đã giành được trong hai thập kỷ hình thành và phát triển; chỉ biết rằng, trong bộ mặt tương đối hoàn chỉnh của thủy lợi tỉnh nhà hôm nay có sự đóng góp quan trọng của Xí nghiệp khảo sát thiết kế thủy lợi Hà Tĩnh năm nào.

Là người có thâm niên, lại gắn bó với ngành thủy lợi Hà Tĩnh từ những ngày đầu tái lập tỉnh, hơn ai hết, thạc sỹ Nguyễn Quốc Khánh – Giám đốc Công ty CP Tư vấn xây dựng thủy lợi Hà Tĩnh hiểu rõ những khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất – thiết bị hay sự tạm bợ về chỗ làm việc của Xí nghiệp khảo sát thiết kế thủy lợi Hà Tĩnh sau khi tách khỏi Công ty khảo sát thiết kế thủy lợi Nghệ An.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra hồ Bộc Nguyên, một trong những công trình do Công ty CP TV XD Thủy lợi Hà Tĩnh thiết kế sửa chữa, nâng cấp
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Đào Xuân Học cùng lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra hồ Bộc Nguyên, một trong những công trình do Công ty CP TV XD Thủy lợi Hà Tĩnh thiết kế sửa chữa, nâng cấp

Thế nhưng, với tâm thế của người làm chủ mang theo niềm tin mới, tập thể CB-CNV Xí nghiệp khảo sát thiết kế thủy lợi Hà Tĩnh đã nỗ lực vươn lên, tham gia vào điều tra cơ bản và thiết kế đê biển thuộc dự án 4617 Hà Tĩnh; khảo sát thiết kế giải quyết tồn tại kênh N1 Kẻ Gỗ. Năm 1992 - năm đầu tiên chính thức hoạt động kinh doanh, xí nghiệp đã giành những kết quả ấn tượng khi khảo sát 13 công trình và hạng mục công trình với doanh thu đạt 150 triệu đồng (bằng 191% kế hoạch), nộp ngân sách đạt 10,3 triệu đồng (bằng 206% kế hoạch), lương bình quân 156.000 đồng (bằng 142% kế hoạch)…; đó là những viên gạch đầu tiên góp phần quan trọng vào việc xây dựng đơn vị lớn mạnh sau này.

Những năm tiếp đó, Xí nghiệp bắt tay vào thiết kế những công trình có quy mô lớn hơn như: kênh N3 - Sông Rác (Kỳ Anh), hồ Khe Dẻ, hồ Cao Thắng (Hương Sơn), hồ Thiên Tượng (TX Hồng Lĩnh). Từ năm 1996, sau khi được UBND tỉnh đổi tên thành Công ty tư vấn xây dựng thủy lợi Hà Tĩnh, đơn vị đã thực hiện tư vấn nhiều công trình lớn hơn, thuộc nhóm B như: hệ thống kênh Sông Tiêm, hệ thống kênh Linh Cảm, kênh Bắc Sông Rác… Sản lượng Công ty vì thế cũng nhanh chóng tăng lên gần 4 tỷ đồng trong năm 1998.

Chưa kịp ăn mừng thì những thay đổi trong cơ chế đấu thấu tư vấn thiết kế công trình đã cuốn Công ty vào guồng quay mới khi phải quyết liệt cạnh tranh trong đấu thầu công khai. Nhận diện khó khăn, chi ủy, ban giám đốc Công ty tập trung đầu tư phương tiện, máy móc hiện đại và đồng bộ; áp dụng các phần mềm trong thiết kế kênh, tính toán thủy lực, tính kết cấu; xốc lại nhân lực để đào tạo và đào tạo lại từng vị trí cho phù hợp yêu cầu mới. Đặc biệt, Công ty đã mạnh dạn khoán việc cho các bộ phận sản xuất. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, đơn vị đã tạo nên khí thế sản xuất mới, sánh vai ngang hàng với các đơn vị tư vấn trong khu vực miền Trung.

Hồ chứa nước thượng nguồn sông Trí do Công ty CP TVXD Thủy lợi Hà Tĩnh thiết kế đã trở thành biểu tượng của chất lượng - kỹ thuật và mỹ thuật
Hồ chứa nước thượng nguồn sông Trí do Công ty CP TVXD Thủy lợi Hà Tĩnh thiết kế đã trở thành biểu tượng của chất lượng - kỹ thuật và mỹ thuật

Thực hiện chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, tháng 10/2004, Công ty chuyển sang mô hình công ty cổ phần. Trước cơ chế thị trường với ngành nghề kinh doanh là loại hàng hóa đặc biệt, Công ty xác định cho mình hướng đi vững chắc là phải lấy chất lượng và tiến độ làm nền tảng cho sự phát triển bền vững. Theo đó, ngoài tiếp tục tăng cường khoán sản phẩm đến các bộ phận sản xuất, Công ty chú trọng phát huy tính dân chủ trong tham gia hoạch định và phân phối sản phẩm; lấy quyền lợi gắn trách nhiệm người lao động, nhất là các chủ nhiệm thiết kế công trình; sắp xếp lại bộ máy tinh gọn bằng việc bỏ các phòng, ban trung gian; tiếp tục đầu tư trang thiết bị, công nghệ gắn với phát huy tính lao động sáng tạo và tiết kiệm của người lao động; mở rộng ngành nghề mới như giám sát chất lượng, kiểm định chất lượng, cung cấp thiết bị tân tiến trong xây dựng.

Sớm nắm bắt cơ chế thị trường và đổi mới mạnh mẽ trong tư duy và hành động, Công ty giành tiếp những kết quả ngoài mong đợi khi n¨m 2005 đạt doanh thu 5.587 triệu đồng (vượt 180% so với năm 2004 và vượt so với năm cao nhất trước đó (năm 1988) 140%).

Như chiếc phi cơ vừa vượt khỏi đường băng, Công ty CP Tư vấn xây dựng thủy lợi Hà Tĩnh tiếp tục thể hiện sự lớn mạnh của mình bằng việc thực hiện những hợp đồng lớn như: kênh tiêu thoát lũ khu kinh tế Vũng Áng, hồ chứa nước thượng nguồn sông Trí, hồ chứa nước Rào Trổ, hồ chứa nước Xuân Hoa, đường ống dẫn nước từ hồ thượng sông Trí về khu kinh tế Vũng Áng của Tập đoàn FORMOSA, hệ thống kênh trục sông Nghèn...

Không dừng lại ở đó, Công ty còn mở rộng phạm vi ra địa bàn ngoại tỉnh như: thiết kế hồ Cẩm Ly, giám sát hồ Thác Chuối, Trốc Trâu (tỉnh Quảng Bình), hồ Lách Bưởi, đập Làng (tỉnh Nghệ An); giám sát hệ thống thủy lợi Hải Lăng, Nam Thạch Hãn (tỉnh Quảng Trị); lập quy trình vận hành hệ thống sông Nghèn - Đò Điệm... Những dự án lớn này đánh dấu bước nhảy vượt bậc và sự trưởng thành mạnh mẽ của đội ngũ kỹ sư, cán bộ làm công tác tư vấn không chỉ riêng của Công ty CP TVXD thủy lợi Hà Tĩnh mà còn của cả đội ngũ trí thức thủy lợi tỉnh nhà.

Quy trình vận hành cống Đò Điệm do Công ty CP TVXD Thủy lợi Hà Tĩnh lập
Quy trình vận hành cống Đò Điệm do Công ty CP TVXD Thủy lợi Hà Tĩnh lập

Gần đây, Công ty đi vào một số lĩnh vực tư vấn mới, phức tạp là: khảo sát thiết kế đường hầm dẫn nước, hòa mạng hệ thống hồ chứa; lập qui trình vận hành hệ thống công trình thủy lợi; lập dự án chuẩn bị sẵn sàng khi có sự cố EPP hồ Kim Sơn; thiết kế đường dẫn nước có kích thước lớn, thiết kế cống dẫn nước thông hồ Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên; lập quy hoạch nông thôn mới... Thực hiện thành công những dự án này đã khẳng định chỗ đứng và vị thế tư vấn của công ty, sẵn sàng đảm nhận tư vấn thiết kế, giám sát những công trình lớn, có quy mô phức tạp trong và ngoài tỉnh mà không phải phụ thuộc vào tư vấn trung ương như trước đây.

Từ chỗ chỉ có 2 kỹ sư, 4 trung cấp và 17 công nhân kỹ thuật sau ngày tái lập tỉnh, đến nay, Công ty CP Tư vấn xây dựng thủy lợi Hà Tĩnh đã xây dựng cho mình một đội ngũ khá chính quy với 25 kỹ sư, 13 trung cấp và 12 công nhân kỹ thuật. Chính họ, không ai khác đã xây dựng nên thương hiệu tư vấn thủy lợi Hà Tĩnh và cũng từ họ, Công ty đã tăng sản lượng từ 150 triệu đồng của ngày đầu thành lập lên gần 30 tỷ đồng như hiện nay, qua đó, không ngừng cải thiện thu nhập của người lao động với bình quân 5 triệu đồng/người/tháng.

Hòa trong dòng chảy 66 năm của ngành thủy lợi Hà Tĩnh, mỗi CBCNV Công ty CP Tư vấn xây dựng thủy lợi Hà Tĩnh hôm nay có quyền tự hào khi đã góp phần dệt nên những vụ mùa bội thu cũng như việc tạo nên những tấm lá chắn vững chắc trong công tác PCLB-GNTT ở Hà Tĩnh.

Hướng về dặm đường dài phía trước, Giám đốc Nguyễn Quốc Khánh cho rằng, thời kỳ mới với đầy năng động, nhạy cảm của cơ chế thị trường sẽ là sự canh tranh quyết liệt giữa các tập đoàn kinh tế, giữa các doanh nghiệp cùng ngành nghề. Để có thể tiến nhanh – tiến mạnh – tiến vững chắc trong cơ chế thị trường, đòi hỏi tập thể CBCNV Công ty CP Tư vấn xây dựng thủy lợi Hà Tĩnh phải nâng cao hơn nữa và toàn diện về chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa ngành nghề, mở rộng phạm vi kinh doanh; đổi mới công tác tổ chức, cách làm việc, cách phân phối sản phẩm theo hướng tạo động lực cao nhất cho các chủ nhiệm, chủ trì; đưa công tác tư vấn thủy lợi lên tầm cao mới, đó là phù hợp với biến đổi khí hậu, tiết kiệm nước, tiết kiếm đất chiếm chỗ và thân thiện với môi trường...

Vẫn còn đó những cánh đồng khô hạn, những khu công nghiệp đang chờ nước; vẫn còn đây những tuyến đê xuống cấp lâu ngày chờ sửa chữa, nâng cấp để đủ sức chống chọi với bão tố triều dâng. Là những người hiện thực hóa ước mơ "xây hồ, đắp đập, ta ngăn dòng nước ngọt", mỗi CBCNV Công ty CP Tư vấn thủy lợi Hà Tĩnh lại tiếp tục hành trình băng suối, lội rừng để "hẹn những mùa vàng ấm no".

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast