Chưa phát hiện chất tạo nạc trong thịt lợn trên địa bàn TP Hà Tĩnh

Thông tin này vừa được ông Phan Văn Dũng - Trưởng phòng quản lý chất lượng Nông - Lâm - Thủy sản (Sở NN&PTNT Hà Tĩnh) đưa ra sau gần 2 tuần kể từ khi bộ phận này phối hợp với các đơn vị trong ngành nông nghiệp tiến hành kiểm tra, thu thập và phân tích các mẫu thịt lợn trên địa bàn TP Hà Tĩnh.

Theo ông Dũng, sau khi các phương tiện thông tin đại chúng phản ánh tình hình sử dụng một số loại chất cấm trong chăn nuôi, đặc biệt là việc phát hiện nhóm chất Beta – Agonist trong một số mẫu kiểm nước tiểu, sản phẩm thịt lợn tại Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh đã gây hoang mang dư luận cũng như người chăn nuôi, ngày 6/3/2012, Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) đã chỉ đạo Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tăng cường kiểm soát quản lý và sử dụng chất cấm trong chăn nuôi một cách đồng bộ và toàn diện ở tất cả các khâu sản xuất và giết mổ, chế biến gia súc, gia cầm.

Cán bộ Phòng quản lý chất lượng Nông - Lâm - Thủy sản Hà Tĩnh xử lý mẫu thịt lợn được lấy từ các chợ trên địa bàn TP Hà Tĩnh
Cán bộ Phòng quản lý chất lượng Nông - Lâm - Thủy sản Hà Tĩnh xử lý mẫu thịt lợn được lấy từ các chợ trên địa bàn TP Hà Tĩnh

Theo đó, từ ngày 8 - 21/3, Phòng quản lý chất lượng Nông - Lâm - Thủy sản đã chủ trì, phối hợp các đơn vị trong ngành tiến hành 4 đợt lấy 40 mẫu sản phẩm thịt lợn tại các chợ đầu mối (chợ TP Hà Tĩnh, chợ Vườn Ươm, chợ Đồng Vinh, chợ Thạch Linh...) và siêu thị trên địa bàn TP Hà Tĩnh để kiểm tra dư lượng Clenbuterol bằng phương pháp test nhanh. Qua kiểm tra các mẫu lấy về đều cho kết quả âm tính nên bước đầu khẳng định, chưa phát hiện chất tạo nạc của các mẫu sản phẩm thịt lợn đang bày bán trên địa bàn TP Hà Tĩnh.

"Các mẫu thịt lợn thăn sau khi lấy về đã được nghiền nhỏ rồi đun thủy phân trong khoảng 10 phút để tách mạch, sau đó cho vào máy ly tâm để chiết xuất dịch và cuối cùng là dùng que thử nhanh do Canada sản xuất để test mẫu", ông Dũng phân tích thêm.

Kết quả test nhanh đều cho phản ứng âm tính với dư lượng Clenbuterol
Kết quả test nhanh đều cho phản ứng âm tính với dư lượng Clenbuterol

Song song với công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm thịt lợn, thời gian qua, Sở NN&PTNT cũng chỉ đạo Chi cục Thú y tỉnh tăng cường kiểm soát việc kinh doanh, sử dụng thuốc thú y tại các cơ sở kinh doanh nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn việc kinh doanh, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi, kiên quyết xử lý nghiêm đối với các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm. Tuy nhiên, để kiểm soát việc sử dụng chất cấm vào trong chăn nuôi có hiệu quả thì cần có sự vào cuộc đồng bộ của các ngành và các cấp chính quyền địa phương, sự đồng thuận của người chăn nuôi và sự giám sát cộng đồng của toàn xã hội.

Nhằm góp phần đảm bảo VSATTP cho cộng đồng, người chăn nuôi cần nêu cao tinh thần trách nhiệm trong chăn nuôi đối với sức khỏe cộng đồng như: tuân thủ đúng quy trình sản xuất, tuyệt đối không sử dụng chất cấm vào trong chăn nuôi dưới mọi hình thức, nêu cao tinh thần tố giác đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm…

Đối với người tiêu dùng, cũng không nên quá hoang mang, vì đến nay trên cả nước, các cơ quan chuyên môn mới phát hiện các mẫu có chứa chất kích thích tạo nạc thuộc nhóm Beta Agonist ở tỷ lệ nhỏ và tập trung ở một số tỉnh, thành phía Nam; còn phía Bắc, chưa phát hiện việc sử dụng một số chất trong diện cấm sử dụng để thực hiện việc kích thích tỷ lệ nạc trong thịt lợn. Với phương châm "tiêu dùng thông thái", người tiêu dùng cần lựa chọn sản phẩm tại các cơ sở tin cậy, hàng còn tươi ngon, có nguồn gốc rõ ràng và đặc biệt là phải có dấu kiểm dịch của cơ quan chức năng để tránh mua phải sản phẩm không đảm bảo an toàn.

Beta Agonist là nhóm hoóc môn tăng trưởng (như Clenbuterol, Salbutamol), có tác dụng làm giảm lượng mỡ, tăng lượng nạc ở gia súc, gia cầm. Lợn dùng chất này lớn nhanh hơn, mông vai nở hơn, nạc nhiều, màu sắc đỏ đẹp và bán được giá hơn. Tuy nhiên, chúng lại gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người khi tiêu thụ những thức ăn có nguồn gốc từ động vật bị nhiễm các chất này, gây ra những vụ ngộ độc thực phẩm do sự tích tụ trong gan, các bệnh liên quan đến tim mạch, hệ thần kinh trung ương… Vì vậy, Beta Agonist đã bị cấm sử dụng để chăn nuôi trên thế giới và ở Việt Nam.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast