Chuột hoành hành, phá hoại lúa hè thu

Mấy ngày qua, nhiều diện tích lúa hè thu ở xã Thạch Tân (Thạch Hà) đã bị chuột cắn phá. Tuy mới xuất hiện cục bộ nhưng điều này đang khiến bà con nông dân không khỏi hoang mang, lo lắng.

Vụ hè thu 2011, gia đình ông Trần Quốc Chữ, xóm Tiến Bộ gieo cấy 1 mẫu ruộng với các loại giống chủ đạo là: xuân mai, khang dân, PC6, HT1… Nhờ thời tiết thuận lợi, lúa sinh trưởng, phát triển tốt, hiện đã đẻ nhánh và chuẩn bị bước vào giai đoạn làm đòng. Chưa kịp vui mừng thì chỉ trong vòng mấy ngày công chăm sóc của gia đình ông đã trôi xuống sông, xuống bể khi phải đối mặt với nạn chuột hoành hành.

Cứ chập tối, ông Chữ (xóm Tiến Bộ) lại dắt mèo ra đồng để diệt trừ chuột
Cứ chập tối, ông Chữ (xóm Tiến Bộ) lại dắt mèo ra đồng để diệt trừ chuột

Ông Chữ lo âu: “Năm nay không biết từ đâu mà xuất hiện nhiều chuột như thế, hầu như ruộng nhà nào trong thôn cũng bị tàn phá. Gia đình tôi đã làm đủ mọi cách mà vẫn không trừ diệt được chúng. Chỉ sau mấy đêm mà chúng đã phá hoại hết 3 sào lúa rồi”. Theo tay ông Chữ chỉ, trên những cánh đồng dày đặc đủ các loại cờ tự chế của bà con nhằm “răn đe” lũ gặm nhấm nguy hiểm này, nhưng xem ra đều vô tác dụng.

Mặc dù chân ruộng vẫn được giữ nước thường xuyên nhưng lúa vẫn bị phá hoại nặng nề. Nhiều gia đình đã tổ chức vây bắt, đặt bẫy, đánh bã, cắm cờ nhưng cũng không mấy hiệu quả, cứ đuổi cánh đồng này, chúng lại kéo nhau sang cắn phá cánh đồng khác. Thậm chí, ông Chữ đã nghĩ ra cách thả mèo ra đồng vào ban đêm với hi vọng ít nhất là làm chuột sợ mà đi nơi khác nhưng vẫn không ăn thua. Vậy là, cứ chập tối, sau khi cho con mèo của mình ăn no bụng, cha con ông lại bế mèo ra đồng, che chắn cẩn thận rồi về. Hôm tôi đến, ông còn khoe đã mua thêm được con mèo mới, mong là tình hình sẽ được cải thiện hơn.

Không riêng gì gia đình nhà ông Chữ, nạn chuột hoành hành cũng đang khiến nhiều gia đình trong thôn phải đau đầu. Có không ít thửa ruộng bị cắn phá khi đang chuẩn bị trổ đòng đòng. Ngồi ở bờ ruộng đã bị chuột phá tan hoang của gia đình, chị Thanh thở dài ngao ngán: “Vụ này mưa thuận gió hoà, ít sâu bệnh, cứ nghĩ thế là có một vụ sản xuất thuận lợi. Ai ngờ, nạn chuột tàn phá cũng không kém thiên tai và sâu bệnh. Gia đình tôi có 8 sào ruộng thì đã bị chuột phá hoại gần một nửa rồi, cứ sáng ra đồng thấy đầy dấu chân chuột mà xót của. Giờ đã thế này rồi thì đến kỳ lúa trổ đòng đòng, chúng còn phá nữa”.

Được biết, vùng ruộng bị chuột tàn phá nặng nề nhất là những thửa nằm ở góc kênh tưới và khu vực gần nghĩa trang. Đây chính là những nơi lưu trú lí tưởng cho đối tượng gây hại nguy hiểm này. Mặt khác, ruộng ở vùng này thường cao hơn nơi khác, do vậy việc tích trữ nước trong chân ruộng ít hơn, tạo điều kiện cho chuột dễ dàng cắn hại lúa và di chuyển từ ruộng này sang ruộng khác.

Chuột là đối tượng gây hại lớn cho ngành trồng trọt. Hầu hết các cây trồng đều bị chuột gây hại, đặc biệt là lúa. Chuột gây hại không chỉ do chúng ăn hại mà còn do đặc tính thường xuyên mài răng, chúng cắn phá cây trồng, làm ảnh hưởng lớn đến năng suất, phẩm chất, sản lượng lúa. Những năm gần đây, diện tích lúa bị thiệt hại do chuột gây ra liên tục tăng, nhất là giai đoạn lúa trổ, chín. Điều quan trọng, chúng là loài vật tinh khôn, đa nghi và sinh trưởng rất nhanh.

Chuột nghe được những âm thanh rất nhỏ mà người không nghe thấy, ngửi thấy mùi thức ăn từ rất xa và nếu ăn phải mồi bả gì thì chúng có thể ghi nhớ vị đó cho đến cuối đời. Do vậy, muốn diệt chuột có hiệu quả, bà con nông dân phải kết hợp cùng một lúc nhiều biện pháp. Bên cạnh đó, địa phương cần phát động phong trào toàn dân tham gia diệt chuột, bảo vệ mùa màng, đồng thời tăng cường tuyên truyền phổ biến kiến thức cần thiết về phòng trừ chuột, nhất là liên quan đến đặc tính của loài để công tác phòng trừ đạt kết quả cao hơn.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast