Cơ quan chức năng đổ trách nhiệm cho người dân!

Sau khi Báo Hà Tĩnh số 6368 ra ngày 23/6/2010 và Hà Tĩnh Online đăng bài về việc dùng thuốc tiêu hủy nhưng…tôm không chết ở Cẩm Lộc , chúng tôi đã có buổi làm việc với lãnh đạo Chi cục Thú y (cơ quan trực tiếp giám sát việc tiêu huỷ tôm tại xã Cẩm Lộc) để tìm hiểu thêm về vấn đề này.

Trở lại sự kiện hy hữu “Bị tiêu huỷ nhưng…tôm không chết” ở xã Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên)

Cẩm Lộc: Dùng thuốc tiêu huỷ, tôm vẫn sống!

Theo biên bản giải trình, ngày 26/6/2010 Chi cục Thú y kết hợp với Chi cục NTTS, Tổ phòng chống dịch bệnh tôm 2010 và chính quyền sở tại đã tiến hành kiểm tra tình hình thực tế tại các hộ nuôi. Kết quả: Cả 3 hộ nuôi tôm là Lê Xuân Dũng, Nguyễn Văn Xuân và Lê Xuân Sinh (đều ở xóm 7- xã Cẩm Lộc) đều được Chi cục Thú y xét nghiệm và cho kết quả dương tính với bệnh đốm trắng cùng một thời điểm (ngày 11/4/2010). Ngoài hộ nuôi anh Lê Xuân Dũng xin hoãn để theo dõi tiếp vì tôm vẫn đang phát triển khoẻ mạnh thì 2 hộ nuôi còn lại đều được cấp hoá chất chlorine để tiêu huỷ tôm, khử trùng hồ nuôi và tiêu diệt mầm bệnh dưới sự chỉ đạo, giám sát của đoàn kiểm tra (ngành chuyên môn và chính quyền địa phương) với nồng độ khử là 35kg chlorine/1000m3 nước. Tuy nhiên, thuốc chỉ phát huy hiệu quả ở hồ nuôi 7000m2 của gia đình anh Xuân, mầm bệnh được tiêu huỷ. Sau khi xử lý, hộ nuôi đã xả nước, cải tạo ao và thả giống nuôi lại với mức độ phát triển tốt. Trong khi đó, cùng một quy trình kỹ thuật, hồ nuôi 3000m2 với 17 vạn con giống của gia đình anh Sinh lại có kết quả ngược lại, tôm vẫn sống sau 12 ngày xử lý thuốc. Nguyên nhân được giải thích: “Do chủ quan của chủ hộ chưa khai báo với chính quyền xã và ngành chức năng về tình trạng của ao nuôi: đáy ao không bằng phẳng, có lạch sâu đến 1,6 m nên lượng thuốc xử lý chưa chính xác. Mặt khác, khi tạt thuốc xuống ao, chủ hộ đã tạt không đều trên diện tích ao mặc dù trước khi xử lý các cán bộ kỹ thuật đã có hướng dẫn cụ thể, đầy đủ. Do vậy, một phần tôm khỏe đã sống sót như trên đã nêu”.

Cơ quan chức năng đổ trách nhiệm cho người dân! ảnh 1

Hồ nuôi của gia đình anh Sinh, nơi xảy ra sự việc tôm sống sót sau 12 ngày xử hóa chất

Cùng quan điểm đó, ông Phạm Thanh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Thú y khẳng định: “Việc khai báo diện tích nuôi trồng là trách nhiệm của mỗi chủ hộ, còn chúng tôi khi có bệnh dịch xảy ra thì chỉ có trách nhiệm quan tâm về mặt quản lý nhà nước, đó là cấp thuốc xử lý đúng với khối lượng nước được khai báo, đảm bảo nồng độ tiêu huỷ mầm bệnh mà thôi! Còn đối với hoá chất chlorine dùng để xử lý mầm bệnh tại hộ anh Sinh là cùng một lô thuốc do trung ương cấp từ năm ngoái, được Chi cục bảo quản theo đúng điều kiện với hạn dùng 16/3/2009- 16/3/2011. Vụ này, thuốc đã sử dụng hiệu quả ở các địa phương nhiễm bệnh khác”.

Vẫn biết, trước mỗi vụ nuôi, để đảm bảo về mặt quản lý nhà nước ngành NTTS, người dân phải khai báo diện tích nuôi trồng cho chính quyền xã, nhưng dẫu sao đó vẫn chỉ là dựa vào cảm tính và kinh nghiệm lâu năm của các hộ nuôi. Điều quan trọng, khi có biểu hiện bất thường, nhất là đối với một loại bệnh dịch được xem là nguy hiểm nhất đối với con tôm hiện nay như bệnh đốm trắng thì việc vào cuộc của các nhà chuyên môn nhằm đánh giá lại tình trạng của vùng nuôi là một khâu không thể bỏ sót. Đó là chưa kể, đợt tiêu huỷ tôm tại xóm 7- xã Cẩm Lộc có cả một đoàn giám sát là những chuyên gia về kỹ thuật nuôi trồng và bệnh dịch thì tình trạng của ao nuôi, kể cả những con lạch có sâu bao nhiêu cũng khó có thể “qua mặt” nếu công việc đó được các thành viên đoàn giám sát thực hiện đúng chức năng, trách nhiệm của mình.

Đổ lỗi cho việc người dân “tạt” thuốc tiêu huỷ chlorine xuống ao không đều dẫn đến tôm không chết trong đợt tiêu huỷ này của Chi cục Thú y là chưa thuyết phục. Bởi theo chúng tôi được biết, quá trình tiêu huỷ có sự giám sát của Đoàn kiểm tra và cán bộ kỹ thuật, vậy tại sao không kịp thời điều chỉnh hành vi của người dân khi tiêu huỷ mà để đến khi người dân thu hoạch tôm, bán ra thị trường, báo chí nêu hiện tượng tôm không chết, các cơ quan chức năng mới tá hoả đi tìm nguyên nhân (?!). Thứ nữa, cứ cho là nhận thức về mức độ nguy hiểm của bệnh đốm trắng trên tôm ở một bộ phận nông dân còn hạn chế nên họ không thận trọng trong quá trình tiêu huỷ thì thiển nghĩ, hiệu quả của hoá chất chlorine cũng không đến nỗi giảm hẳn tác dụng khi bản thân nó có độ khuyếch tán khá linh hoạt trong nước và con tôm là một sinh vật không đứng yên! Kể cả kết luận đánh giá về tỷ lệ sống sót của tôm là 2,8% (có thể ít hơn nhiều so với thực tế) cũng khó chấp nhận. Bởi những con tôm may mắn thoát chết sẽ sống và phát triển như thế nào trong môi trường hoá chất tiêu huỷ độc hại và trong suốt 12 ngày không có thức ăn? Đó là chưa kể, tôm là loại sinh vật rất nhạy cảm, chỉ cần công tác xử lý hồ nuôi, chất lượng thức ăn hay một quy trình nào đó trong qúa trình nuôi không phù hợp là đã cho người nuôi một kết quả thất bại. Một nguyên nhân không thể bỏ qua, đó là chất lượng của thuốc tiêu huỷ. Đành rằng, theo Chi cục Trưởng Chi cục Thú y, cùng một loại thuốc, được bảo quản theo đúng điều kiện, nhưng một thực tế với kho tàng chưa lấy gì để bảo đảm các tiêu chuẩn cần thiết, lại được lưu trữ hàng năm, liệu có thể xẩy ra hiện tượng kém chất lượng ở một số lượng nhất định nào đó?

Nói cho cùng, ngành NTTS trên địa bàn tỉnh ta còn gặp nhiều khó khăn, trong khi những hiểu biết về nghề này đối với nông dân còn hạn chế, quy mô manh mún và thiếu nhân lực có chuyên môn kỹ thuật thì môi trường nuôi lại càng ngày thêm khắc nghiệt. Vẫn biết rằng trong vấn đề này có một phần lỗi của người nuôi tôm, nhưng đừng vì thế mà trút lên đầu họ tất cả. Dẫu gì, “của đau con xót”, người nông dân vẫn là những người chịu thiệt hại nặng nề nhất. Dư luận đang trông chờ một câu trả lời thật khách quan, thuyết phục từ phía cơ quan chức năng.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast