Công nghệ trọng tài video: Khi xúc cảm nhường chỗ cho sự công bằng

Sau vòng chung kết U20 thế giới, Confed Cup là giải đấu lớn tiếp theo công nghệ trọng tài video (VAR) được sử dụng. Và những người đứng đầu FIFA rất hoan hỉ về điều này.

Chủ tịch FiFA Gianni Infantino đã gọi kỳ Confed Cup 2017 là cột mốc lịch sử của bóng đá thế giới. Tất nhiên, “cột mốc” người đàn ông 47 tuổi ấy nhắc đến không phải là việc tuyển Đức mang đến một thế hệ trẻ măng kém tên tuổi hay nước Nga có lần đầu tiên đăng cai giải đấu.

Điều mà Infantino muốn nhấn mạnh là sự kiện công nghệ trọng tài video được sử dụng trong tất cả các màn so tài tại kỳ Confed năm nay.

Vậy đâu là ý nghĩa thực sự của “cột mốc lịch sử” mà Infantino muốn nhắc đến khi VAR thực chất đã được sử dụng một năm trước tại Mỹ. Đến nay, Úc cũng đã áp dụng công nghệ này và sắp tới là Hàn Quốc vào tháng 7.

Thứ mà Infantino ấp ủ chính là việc đưa VAR đến với World Cup cũng trên xứ sở bạch dương vào năm sau. Do đó, giải đấu mang tính khởi động như Confed Cup là cơ hội tuyệt vời để chào hàng công nghệ trọng tài video.

Nếu Infantino thành công trong việc gắn VAR với World Cup 2018, ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh với sự háo hức theo dõi của hàng trăm triệu người hâm mộ trên toàn thế giới, không nghi ngờ về việc công nghệ này sẽ được phổ biến rộng rãi và đóng vai trò quan trọng trong những giải đấu hàng đầu thế giới. Tương tự như goal-line, người anh em đã xuất hiện trước đó vài năm.

cong nghe trong tai video khi xuc cam nhuong cho cho su cong bang

Công nghệ VAR được sử dụng trong một trận đấu.

Infantino là một luật sư hiển nhiên ông thích sự công bằng, rất hồ hởi trước viễn cảnh này.

Việc áp dụng công nghệ vào môn thể thao vua đã xuất hiện từ lâu. Chúng ta không thể chối bỏ vai trò của các tiến bộ đó.

Nhờ công nghệ những người hâm mộ túc cầu có thể theo dõi diễn biến trực tiếp của một trận đấu xa tận nửa quả địa cầu. Nhờ công nghệ các cầu thủ sở hữu cho mình một chiếc giày siêu nhẹ, một bộ quần áo thoải mái và một trái bóng có độ nảy hoàn hảo.

cong nghe trong tai video khi xuc cam nhuong cho cho su cong bang

Đôi giày thiết kế riêng cho Ronaldo tại Confed Cup 2017.

Tuy nhiên, đã có những cuộc tranh cãi nổ ra trong vài năm trở lại đây đặc biệt từ khi công nghệ vạch cầu môn điện tử goal-line được ra đời. Người ta nhắc đến một câu chuyện mang tính hai mặt. “Sử dụng” công nghệ hợp lý, bóng đá phát triển. “Lạm dụng” quá mức, phần nào giết đi xúc cảm của môn túc cầu.

VAR sau một thời gian đưa vào thực tế cũng đang đi trên con đường của sự hai mặt đó.

Có VAR, có nghĩa giảm đi sự sai lầm

Một tình huống khi trọng tài công nhận bàn thắng, thổi penalty, rút thẻ đỏ hay thậm chí là không xác định được cá nhân phạm lỗi để đưa ra thẻ phạt đều có thể được giải quyết bằng công nghệ trọng tài video.

Khác biệt so với công nghệ goal-line, VAR không được xử lý hoàn toàn bằng máy móc mà có sự tham gia của con người. Vì thế, sai sót vẫn có thể xảy ra trong VAR.

Tuy nhiên, với sự có mặt của ít nhất hai trợ lý trọng tài chuyên môn cao cộng thêm hỗ trợ từ màn hình quay chậm, sự thật gần như sẽ được phơi bày dù đó có là một nửa thân người việt vị.

Trong trận đấu giữa Đức và Australia tại Confed Cup hôm 19/6, công nghệ trọng tài video được sử dụng 5 lần. Trong đó, nổi bật là tình huống xác định liệu bàn thắng của Tomin Juric ghi được sau sai lầm của thủ thành Bernd Leno vào phút 56 có hợp lệ?

Mất vài phút tham khảo VAR, trọng tài chính Geiger quyết định công nhận pha lập công này. Chẳng ai trong đội hình của Die Mannschaft phàn nàn với ông Geiger nữa bởi họ đều biết quyết định này là chính xác.

Công nghệ VAR một lần nữa thể hiện tính hiệu quả trong việc từ chối hai bàn thắng của Gomes trong trận gặp Mexico và Vargas của Chile khi đối đầu với Cameroon đều do lỗi việt vị. Trong đó, tình huống của Vargas là một pha bóng nhạy cảm và rất khó xác định chính xác bằng mắt thường.

cong nghe trong tai video khi xuc cam nhuong cho cho su cong bang

Vargas không được công nhận bàn thắng trong trận gặp Cameroon.

VAR sẽ là công cụ quan trọng để giúp các trọng tài loại bỏ tối đa những sai sót nghiêm trọng. Từ đây, các trận đấu sẽ trở nên công bằng hơn. Mọi thứ trở về quy luật vốn có khi kẻ thể hiện tốt, bản lĩnh hơn sẽ là kẻ chiến thắng cuối cùng.

Với lợi ích rõ ràng đó, Infantino đặt rất nhiều niềm tin vào công nghệ trọng tài video, ông gọi đây là “tương lai của bóng đá hiện đại”.

VAR và câu chuyện của sự đánh đổi

Cựu huyền thoại Lilian Thuram từng nói: “Bóng đá tương tự như cuộc sống vậy và đó là lý do tại sao con người lại hứng thú với bóng đá đến vậy. Bóng đá là cuộc chơi giàu cảm xúc dù trên thảm cỏ có là nam hay nữ cầu thủ”.

Gần 20 năm chơi bóng chuyên nghiệp, lời nhận xét của Thuram chẳng thể sai. Bóng đá mang hơi thở cuộc sống, là cuộc chơi của con người. Vì lẽ đó, bóng đá không thể hoàn hảo, nó cần những sai lầm. Và từ những sai lầm đó, xúc cảm được khơi dậy và tất cả nhớ hơn đến môn thể thao vua.

Với ít nhất 4 nhận định sai sót tại trận bán kết lượt về Champions League 2009, trọng tài Ovrebo khiến các cổ động viên The Blues đến nay vẫn chẳng thể quên được màn so tài giữa Chelsea và Barca năm ấy. Dù đã hơn 8 năm, những câu từ đe dọa thi thoảng vẫn được tìm thấy trong hòm thư của trọng tài người Na Uy.

cong nghe trong tai video khi xuc cam nhuong cho cho su cong bang

Trọng tài Ovrebo gây nào loạn tại Stamford Bridge tại bán kết Champions League 2009.

Goal-line hay VAR được ra đời với mục đích hạn chế một cách tối đa những sai lầm của các trọng tài. Không sai lầm, tất nhiên, sẽ nhạt nhòa phần nào sự rung động, đôi khi còn xóa đi những khoảnh khắc mang tính lịch sử.

Nếu FIFA của Sepp Blatter áp dụng goal-line tại World Cup 2010, tuyển Anh và hàng triệu người hâm mộ sẽ chẳng ấm ức đến thế khi bị tước bàn gỡ hòa 2-2 của Lampard và bị Đức vùi dập tới 4-1. Cay nghiệt cho đội bóng từ xứ sương mù nhưng đó là một phần của thứ bóng đá mà người hâm mộ vẫn quen theo dõi cả trăm năm nay.

Nếu VAR được phát hiện và sử dụng hơn 30 năm về trước, huyền thoại Diego Maradona chắc chắn chẳng thể ghi được bàn thắng để đời bằng “bàn tay của Chúa” vào lưới tuyển Anh tại Mexico 1986. Biết đâu Argentina sẽ bị loại và lịch sử hoàn toàn đổi thay?

cong nghe trong tai video khi xuc cam nhuong cho cho su cong bang

Bàn thắng gây tranh cãi của Maradona tại World Cup 1986.

Còn đâu xúc cảm khi ghi một bàn thắng cầu thủ phải đợi vài phút mới được ăn mừng? Sử dụng VAR, liệu có làm trận đấu bị xé vụn? Liệu trọng tài có còn giữ được vị thế “ông vua sân cỏ" của mình? Những câu hỏi đó có lẽ cần không ít thời gian và những cuộc tranh luận để làm sáng tỏ.

Chỉ biết hiện tại, chủ tịch Infantino đã chọn VAR, vì sự công bằng ông chấp nhận hy sinh một phần cảm xúc trong bóng đá. Cuộc sống phải có sự đánh đổi và chẳng ai có thể trách vị luật sư người Thụy Sỹ.

Theo Zing

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast