Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh triển khai tốt phương án BVR-PCCCR.

Tính đến cuối tháng 5/2011, Công ty TNHH MTV Cao su Hà Tĩnh đã chủ động triển khai xong phương án Bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng(BVR-PCCCR)năm 2011 và qua kiểm tra, được địa phương, ngành chức năng đáng giá là sát, đúng với tình hình thực tế rừng của Công ty.

Quản lý tổng diện tích tự nhiên gần 10.900 ha, được phân bổ trên địa bàn của 6 huyện lại nằm đan xen với nhiều hộ dân nên công tác BVR-PCCCR đối với Công ty luôn có những khó khăn nhất định, tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Thêm nữa, một số hộ nhận khoán rừng chưa có trách nhiệm cao, còn vi phạm quy chế giao khoán, thậm chí, còn xẩy ra tình trạng lấn chiếm diện tích của nhau gây mâu thuẫn trên địa bàn. Cùng với đó, vẫn còn một số đơn vị triển khai phương án BVR-PCCCR chậm, chiếu lệ, tính khả thi không cao…

Mùa hè là mùa tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng cao. Ảnh:Internet

Để khắc phục tình trạng trên, bước vào mùa nắng nóng năm nay, Công ty đã chủ động xây dựng phương án BVR-PCCCR và triển khai thực hiện khá quyết liệt và có nhiều đổi mới mang tính khả thi cao. Ban lãnh đạo Công ty cho biết: Bám theo mục tiêu, nhiệm vụ đề ra là: lấy phòng ngừa làm chính; chữa cháy phải kịp thời hiệu quả; thực hiện 4 tại chỗ; bảo vệ rừng tại gốc…, ngoài việc kiện toàn Ban Chỉ huy, thành lập trung đội xung kích BVR-PCCCR với đầy đủ trang bị cần thiết. "4 tại chỗ" được Công ty đặc biệt chú trọng. Công ty đã thực hiện xong giải pháp tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức PCCCR tại các trường học, các tổ chức đoàn thể, cộng đồng dân cư… và tổ chức ký cam kết thực hiện. Cùng với đó, Công ty xây dựng lại nội quy, quy trình, quy chế về nhiệm vụ BVR-PCCCR và tổ chức thực hiện nghiêm việc dự báo, cảnh báo cháy rừng tại các vùng trọng điểm…Công tác tổ chức cảnh báo cháy rừng và phát hiện các điểm cháy rừng đã được các đơn vị chủ động tổ chức thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao. Đó là làm mới, tu sửa lại các biển tường, biển báo; tuyền truyền nhằm nâng cao ý thức cảnh giác cho mọi người…Đây là khâu quan trọng mà công ty đã thực hiện nghiêm trong giải pháp phòng cháy.

Lãnh đạo một số cơ quan hữu quan chứng kiến công nhân Công ty Cao su Truông Bát cạo mủ.

Ảnh: Thanh Hoài

Rút kinh nghiệm từ những năm trước, năm nay, vùng trọng điểm có nguy cơ cháy được Công ty xác định thành 3 vùng và giao cụ thể cho các đơn vị. Đó là: rừng thông tại các tiểu khu 163B, 174A, 293, 294, 134, 135, 136(giao Nông trường truông Bát quản lí); vườn cây cao su khai thác, tự các Nông trường quản lí; rừng nhỏ tuổi, rừng tự nhiên và vườn cây cao su nhỏ tuổi cũng giao cho các Nông trường quản lí. Các đơn vị này chịu trách nhiệm quản lí nguồn lửa, nguồn nhiệt ở trong rừng, ven rừng; kịp thời phát hiện người vào rừng đốt than, bắt ong…

Biện pháp làm giảm vật liệu cháy được chú trọng. Bước vào mùa nắng nóng, Công ty đã tổ chức kiểm tra trên tất cả vườn cao su, rừng trồng để chỉ đạo các đơn vị phát dọn, đốt trước tạo đường băng cản lửa chống cháy lan trên diện tích rộng. Các công trình phòng cháy, trang thiết bị PCCCR tại các rừng cây, tại các nông trường đã được xây dựng, tu sửa, mua sắm bổ sung với kinh phí gần 135 triệu đồng.

Qua tìm hiểu được biết, đến thời điểm này, khi phương án đối phó với giặc lửa đã sẵn sàng, Ban Chỉ huy Công ty mong muốn có được sự phối hợp tốt từ các cấp, các địa phương trong việc tuần tra, kiểm tra các vùng trọng điểm, các tuyến đường vận chuyển lâm sản trái phép để cùng kịp thời tổ chức ngăn chặn có hiệu quả.

Bằng việc chủ động trong công tác xây dựng và triển khai chu đáo phương án BVR-PCCCR năm 2011, tin rằng Công ty sẽ đạt được mục tiêu đề ra là sẽ không để xẩy ra cháy rừng gây thiệt hại lớn trong mừa nắng nóng này.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast