Cuối tuần, giá vàng và USD cùng đi xuống

Giá vàng trong nước sáng 5/11 hạ 100.000 đồng/lượng so với cuối giờ chiều hôm trước, giá USD tự do cũng giảm 50 đồng. Tuy nhiên, tuần này là tuần lên giá thứ hai liên tiếp của vàng trong nước và thế giới.

Trưa 5/11, vàng miếng các thương hiệu có giá phổ biến ở mức 45,3 triệu đồng/lượng cho chiều mua và 45,6 triệu đồng/lượng cho chiều bán. Vàng SJC của SJC, SBJ của Sacombank-SBJ và Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu đều được các doanh nghiệp kim hoàn lớn niêm yết ở các mức giá này.

So với cuối tuần trước, giá vàng sáng 5/11 tăng 300.000 đồng/lượng.
So với cuối tuần trước, giá vàng sáng 5/11 tăng 300.000 đồng/lượng.

Từ hôm 4/11 tới sáng 5/11, giá vàng trong nước nhìn chung ổn định trong khoảng 45,6-45,75 triệu đồng/lượng. Thị trường giao dịch trầm lắng, với khối lượng mua-bán được các doanh nghiệp lớn cho biết ở mức thấp. Tuy nhiên, lực bán vẫn đang có phần nhỉnh hơn lực mua, và đây là xu hướng chính trên thị trường vàng miếng đã 2 tuần qua.

Nếu tính theo giá USD tự do, giá vàng quốc tế quy đổi đang thấp hơn giá vàng trong nước khoảng 300.000 đồng/lượng.

So với cuối tuần trước, vàng miếng hiện đắt thêm 300.000 đồng/lượng, nâng tổng mức tăng trong nửa tháng lên 1,55 triệu đồng/lượng.

Yếu tố tác động chính lên giá vàng trong nước tuần này gần như đơn thuần là diễn biến giá vàng quốc tế, khi mà giao dịch diễn ra ảm đạm, tỷ giá USD/VND ổn định, thậm chí có xu hướng giảm trên thị trường tự do.

Chốt tuần, giá vàng giao ngay tại thị trường New York dừng ở mức 1.755 USD/oz, cao hơn cuối tuần trước hơn 10 USD/oz, tương đương mức tăng 0,6%. Trong phiên thứ Sáu, giá vàng giảm 10,4 USD/oz khi đóng cửa sau khi Bộ Lao động Mỹ cho biết, số việc làm mới tạo thêm ở nước này trong tháng 10 thấp hơn dự kiến.

Trong ngắn hạn, giá vàng thế giới đang đi cùng chiều với các tài sản rủi ro như dầu thô, chứng khoán… Tuy nhiên, theo giới phân tích, trong dài hạn, những bất ổn của nền kinh tế toàn cầu và môi trường lãi suất thực âm mới là nhân tố quan trọng hỗ trợ giá vàng.

Liên quan tới cuộc khủng hoảng nợ châu Âu, Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou hôm qua đã vượt qua được cuộc bỏ phiếu tín nhiệm trong Quốc hội nước này, một ngày sau khi ông hủy ý tưởng gây hoảng hốt là trưng cầu dân ý đối với gói cứu trợ từ châu Âu. Tuy nhiên, khả năng Hy Lạp mất địa vị thành viên khối Eurozone đang tăng cao, khiến thị trường càng thêm lo giữa lúc cuộc khủng hoảng nợ vẫn chưa có lối thoát.

Sau cuộc họp kéo dài 2 ngày thứ Năm và thứ Sáu tại Cannes, Pháp, các nhà lãnh đạo khối G-20 vẫn chưa có giải pháp cụ thể nào cho cuộc khủng hoảng nợ được đưa ra.

Tuần này, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ lãi suất cơ bản đồng Euro và tăng khả năng suy thoái nhẹ của khối Eurozone vào cuối năm nay. Theo dữ liệu từ Reuters, lãi suất đang ở trong trạng thái thực âm ở quá nửa trong số các nền kinh tế trong khối G-20.

Cũng theo Reuters, dữ liệu từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho thấy, trong tháng 9 vừa qua, các ngân hàng trung ương của Thái Lan, Nga và Bolivia đã mua vàng. Trong đó, Thái Lan mua 15 tấn vàng, đánh dấu vụ mua vàng lớn thứ ba của các ngân hàng trung ương trong năm nay.

Trong tuần này, quỹ SPDR Gold Trust mua ròng gần 1,5 tấn vàng và hiện đang nắm 1.245,1 tấn vàng. Số vàng mà SPDR Gold mua ròng trong 2 tuần qua là 16,5 tấn.

Tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng ổn định trong cả tuần này ở mức 20.803 đồng. Hôm nay là phiên thứ 8 liên tiếp tỷ giá bình quân liên ngân hàng đứng ở mức này.

Chốt tuần, báo giá USD tại ngân hàng Vietcombank là 21.005 đồng (mua vào) và 21.011 đồng (bán ra), không thay đổi so với cuối tuần trước. Đây cũng là mức tỷ giá USD/VND mà Vietcombank đã duy trì suốt tuần.

Giá USD “chợ đen” Hà Nội sáng nay là 21.350 đồng (mua vào) và 21.400 đồng (bán ra), giảm 30 đồng ở chiều mua và 50 đồng ở chiều bán so với sáng qua. Nếu so với cuối tuần trước, USD đã giảm giá tương ứng 50 đồng và 100 đồng.

Tỷ giá Euro/USD thị trường quốc tế kết thúc tuần ở mức xấp xỉ 1,38 USD/Euro, giảm đáng kể từ mức 1,41 USD/Euro vào cuối tuần trước.

Theo VnEconomy.vn

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast