Đa cây, đa con, đa thời vụ để đạt hiệu quả kinh tế cao nhất

Khác với nhiều năm trước, vụ đông năm nay có ý nghĩa quan trọng là nhằm bù đắp sự thiếu hụt sản lượng và giá trị sản xuất trên đơn vị diện tích của vụ hè thu, đồng thời cũng để đảm bảo đời sống của nhân dân. Bởi thế, trước khi giao Sở NN&PTNT xây dựng đề án sản xuất vụ đông, UBND tỉnh đã có Chỉ thị 14/CT-UBND với quan điểm chỉ đạo trong vụ đông này là là đa cây, đa con, đa thời vụ.

Thời tiết vẫn là yếu tố chi phối rất lớn đến kết quả sản xuất vụ đông trong những năm qua. Thực tế đã cho thấy, từ năm 2005 đến nay, mỗi năm có từ 2 - 3 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến Hà Tĩnh (thường diễn ra từ nửa cuối tháng 9) với lượng mưa lớn và kéo dài trên diện rộng.

Mô hình ngô xen lạc vụ xuân 2010 ở Thạch Bằng cho năng suất cao
Mô hình ngô xen lạc vụ xuân 2010 ở Thạch Bằng cho năng suất cao

Theo dự đoán của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, mùa mưa bão năm nay tiếp tục diễn biến phức tạp và có khả năng kết thúc muộn hơn. Ứng với tổng lượng mưa từ đầu năm đến nay chưa đạt một nửa so với trung bình nhiều năm thì khả năng mưa lụt ảnh hưởng đến sản xuất vụ đông là rất lớn.

Trên cơ sở nhận định yếu tố thời tiết, cũng như phân tích các lợi điểm và khó khăn, Sở NN&PTNT đặt quan điểm tận dụng tối đa các điều kiện thuận lợi của thời tiết, bố trí sản xuất né tránh mưa bão; tập trung chỉ đạo, bố trí cơ cấu cây trồng - vật nuôi phù hợp; sản xuất tập trung đa cây, đa con, đa thời vụ và có hiệu quả kinh tế cao.

Theo đó, mục tiêu trong vụ đông này là phấn đấu đạt diện tích, năng suất, sản lượng cao nhất; cụ thể là phấn đấu đưa tổng diện tích gieo trồng đạt 20.172 ha, trong đó: ngô 6.122 ha, khoai lang 8.733 ha, lạc 318 ha, rau đậu thực phẩm 4.936 ha...

Cùng với trồng trọt, lĩnh vực chăn nuôi cần tập trung làm tốt công tác tiêm phòng đợt 2, phòng chống hiệu quả các loại dịch bệnh động vật và đặc biệt là không để gia súc đói rét, đổ ngã trong vụ đông.

Đối với lĩnh vực thủy sản, phấn đấu thả nuôi 784 ha, trong đó: nuôi cá vụ 3 đạt diện tích 124 ha, nuôi tôm chân trắng 160 ha, nuôi cua - tôm 500 ha.

Ông Nguyễn Văn Việt - Phó Giám đốc Thường trực Sở NN&PTNT cho rằng, muốn hoàn thành các chỉ tiêu đặt ra thì việc tuân thủ các giải pháp về quy hoạch và áp dụng các biện pháp kỹ thuật có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Đối với trồng trọt, cần tập trung vào hai vấn đề chính là bố trí vùng sản xuất và bố trí các công thức luân canh, xen canh cây trồng thích hợp.

Cụ thể, quy hoạch ngô trên vùng bãi đồi, vùng đất màu sau khi thu hoạch đậu hè thu hoặc là sử dụng quỹ đất không gieo cấy được lúa hè thu - mùa và diện tích gieo cấy lúa nhưng không cho thu hoạch do hạn hán. Với cây khoai lang, cần tận dụng diện tích không trồng ngô, rau hoặc những diện tích lúa hè thu bị bệnh lùn sọc đen phải tiêu hủy; đối với lạc, bố trí trên đất chuyên màu, đất thịt nhẹ thoát nước tốt; đối với rau đậu thực phẩm, cơ cấu trên đất thịt thì trồng rau ăn lá, trên đất thịt pha cát thì trồng rau ăn củ...

Việc bố trí các công thức gieo trồng cần đảm bảo: trên đất hai lúa duy trì luân canh lúa đông xuân - lúa hè thu - khoai vụ đông (tuyệt đối không bố trí ngô trên số diện tích lúa hè thu bị bệnh lùn sọc đen); trên đất chuyên màu cần bố trí công thức luân canh cây trồng vụ xuân (lạc, ngô, khoai, rau) - cây trồng vụ hè thu (đậu, lạc, ngô, vừng) - cây trồng vụ thu đông (ngô, lạc, rau đậu thực phẩm, khoai lang); ngoài ra cần áp dụng phương thức canh tác trồng xen canh giữa khoai lang, ngô - rau đậu các loại.

Theo kỹ sư Nguyễn Trí Hà - Trưởng phòng Trồng trọt Sở NN&PTNT, do thời điểm này trùng với thu hoạch rộ lúa hè thu nên các địa phương có truyền thống về sản xuất ngô như Đức Thọ, Hương Sơn, Vũ Quang, Hương Khê chỉ mới tiến hành gieo trỉa ở những vùng cao ít lụt với diện tích đạt khoảng 1.000 ha. Đối với cây khoai lang, các địa phương đã chỉ đạo bà con tiến hành gơ giống phục vụ gieo trồng.

Qua theo dõi của bộ phân chuyên môn, bước đầu nhận định, sản xuất vụ đông năm nay đang gặp khá nhiều thuận lợi, đó là: thời tiết khô ráo, quy trình sản xuất triển khai sớm và chính sách hỗ trợ rất kịp thời.

Liên quan đến vấn đề giống cây trồng vụ đông, ngay từ khi triển khai đề án, các huyện, thành, thị đã có chủ trương: giống ngô thì do các địa phương tự liên hệ trực tiếp các đầu mối cung ứng bấy lâu; giống khoai lang thì các địa phương tự cân đối bằng việc chỉ đạo bà con nông dân tự gơ giống và hỗ trợ nhau là chính, nếu cần thì liên hệ với Trung tâm Giống cây trồng Hà Tĩnh để bổ sung thêm (dĩ nhiên là số lượng có hạn vì đơn vị chỉ sản xuất 1 ha theo công nghệ nuôi cấy mô của Viện KHKT Bắc Trung Bộ).

"Đến thời điểm này, mặc dù chưa nhận được bất cứ lời đề xuất nào về nhờ hỗ trợ khâu nối trong việc cung ứng giống từ các địa phương nhưng chúng tôi cũng nhận định được khó khăn lớn nhất vẫn là giống khoai lang do chưa đáp ứng kịp. Sở dĩ như vậy là bởi, vụ đông năm nay, diện tích khoai lang tăng khá cao so với nhiều năm trước (vụ đông 2009 chỉ trồng được xấp xỉ 6 ngàn ha)" - Kỹ sư Hà nhấn mạnh.

Kể từ năm 2003, vụ đông đã được xác định là vụ sản xuất chính thứ ba trong năm. Dù luôn đối mặt với những bất lợi của thời tiết nhưng các địa phương, đặc biệt là bà con nông dân toàn tỉnh đã nỗ lực, quyết tâm để hoàn thành các chỉ tiêu diện tích, năng suất, đồng thời nhằm gia tăng giá trị kinh tế.

Vụ đông năm nay còn có sứ mệnh lớn hơn đó là gánh vác những thiếu hụt về sản lượng lương thực của vụ hè thu do hạn hán, sâu bệnh hại gây nên.

Quyết định 2580/QĐ-UBND ngày 1 - 9 - 2010 của UBND tỉnh về việc trích ngân sách cấp 2,955 tỷ đồng để các huyện, thành, thị hỗ trợ nông dân mua giống ngô, rau, giống thủy sản và nhân giống khoai lang đã cho thấy sự quyết tâm của chính quyền tỉnh đối với sản xuất vụ đông. Với đòn bẩy quan trọng này, chúng ta có quyền tin tưởng, vụ đông năm nay sẽ hoàn thành tốt các chỉ tiêu đề ra.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast