Đã sai mà còn kêu oan!

Thời gian gần đây, lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh, TX Hồng Lĩnh và các cơ quan báo chí trên địa bàn Hà Tĩnh nhận được “Đơn kêu cứu” của ông Kiều Đình Hoàn, trú tại khối phố 5 - phường Trung Lương - TX Hồng Lĩnh liên quan tới việc thu hồi và áp giá bồi thường số đất ông mượn của Nhà nước lâu nay để sản xuất, chăn nuôi. Tuy nhiên, sự thật hoàn toàn không như nội dung mà ông Kiều Đình Hoàn nêu trong “Đơn kêu cứu”

Sự việc có thể tóm tắt như sau: Ngày 3-12-2001, theo đơn đề nghị của ông Kiều Đình Hoàn, UBND phường Trung Lương đã họp bàn và thống nhất bằng biên bản giao số đất hoang hóa ven đê La Giang (thuộc loại đất công ích) cho gia đình ông Hoàn làm mô hình sản xuất lúa và nuôi cá. Biên bản có sự cam kết: UBND xã thống nhất giao khoán tổ sản xuất của ông Hoàn khu đất này để sản xuất. Trừ trường hợp Nhà nước thu hồi để đưa vào sử dụng mục đích khác thì tổ sản xuất trả lại, không được đền bù về đất đai mà chỉ đền bù về hoa màu có trên đất.

Số diện tích đất công ích được giao cho ông Hoàn là 11.480m2 (chiều dài dọc theo đê La Giang là 287m, chiều rộng 40m tính từ chân đê trở về phía trong, trong đó lưu không đê La Giang là 20m). Từ đó đến nay, ông Hoàn cùng với vài gia đình lập một tổ sản xuất lúa kết hợp chăn nuôi cá, vịt trên số đất được giao này.

Đã sai mà còn kêu oan!

Khu đất hộ ông Hoàn chưa chịu giao trả để thi công.

Trước thực trạng của đê La Giang đang bị xuống cấp, thời tiết diễn biến ngày càng phức tạp, T.Ư và tỉnh chủ trương bồi trúc một cách cơ bản cho tuyến đê sông quan trọng này trước mùa mưa lũ. Vì thế, toàn bộ diện tích đất công ích nằm trong và ngoài hành lang đê bao gồm 5.740m2 mà các ông Kiều Đình Hoàn, Kiều Đình Sơn và Trần Văn Châu nhận khoán lâu nay bị thu hồi.

Sau khi khảo sát, kiểm kê diện tích thực tế bị thu hồi, Hội đồng đền bù của TX Hồng Lĩnh và phường Trung Lương lập biên bản thống kê, áp giá đền bù; cụ thể: hộ ông Kiều Đình Hoàn có diện tích nuôi cá được đền bù là 4.446,4m2; hộ ông Kiều Đình Sơn, diện tích ao cá được đền bù là 4.088m2; hộ ông Trần văn Châu, diện tích ao cá được đền bù 3.941,2m2.

Để đảm bảo quyền lợi cho các hộ và việc thu hồi được dân chủ, minh bạch, công bằng, trước khi lập biên bản thống kê, Hội đồng đền bù cho các hộ tự kê khai thời gian nuôi cá. Tưởng rằng số cá nuôi càng nhiều tháng tuổi thì càng được đền bù cao hơn, nên các hộ đều tự khai là cá đã được thả nuôi 12 tháng. Căn cứ vào bản tự kê khai của các hộ và đơn giá quy định của tỉnh, Hội đồng đền bù đã cho áp giá 4.000 đồng/m2. Việc áp giá này không được các hộ nhất trí. Song, trước yêu cầu phải bàn giao mặt bằng gấp rút cho phía thi công và tỏ rõ sự thiện chí trước đề nghị của các hộ, Hội đồng bàn bạc, áp lại giá thời gian nuôi 3 tháng, với đơn giá gấp hơn 2 lần (9.500 đồng/m2). Ngoài ra, Hội đồng cũng đã họp bàn thống nhất với các hộ về hỗ trợ công cải tạo, khối lượng đắp bờ… cho mỗi hộ là 2.500đ/m2 theo đơn giá quy định.

Tuy thời gian thi công gấp gáp, nhưng Hội đồng đền bù làm việc rất cẩn trọng. Quá trình thống kê, kiểm đếm đều có biên bản ký, xác nhận với các chủ hộ và đại diện chính quyền địa phương. Việc áp giá được thực hiện theo đúng các quy định hiện hành của Nhà nước. Phương án đền bù, giải phóng mặt bằng được Sở Tài nguyên - Môi trường thẩm định về thủ tục, trình tự thu hồi đất. Trước đó, UBND thị xã Hồng Lĩnh đã có các quyết định về việc thu hồi đất để thi công dự án đầu tư nâng cấp tuyến đê La Giang, đoạn từ K15+600 đến K19+213 với số diện tích cụ thể mà lâu nay các hộ gia đình, cá nhân và phường đang sử dụng, quản lý.

Phương án được Sở Tài chính thẩm định về giá bồi thường nhà cửa, vật kiến trúc, mồ mả, cây cối, hoa màu và được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 564/QĐ-UBND ngày 5-3-2010.

Phương án bồi thường được phê duyệt trước thời điểm ban hành Quyết định số 07/2010/QĐ-UBND ngày 16/3/2010 của UBND tỉnh ban hành quy định chính sách về bồi thường hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn tỉnh. Điều 43 của Quyết định có nêu: “Những trường hợp đã được phê duyệt phương án bồi thường, chi trả sau ngày 1-10-2009 và được UBND tỉnh đồng ý bằng văn bản thì được điều chỉnh, bổ sung theo quy định này”. Do vậy, Hội đồng đền bù đang trình UBND tỉnh xin ý kiến nên chưa tính phần bổ sung, điều chỉnh cho các đối tượng.

Quá trình thực hiện, Hội đồng đền bù đã tiến hành chi trả 7 đợt (từ ngày 11-3 đến 4-8-2010); đồng thời phối hợp cùng UBND phường Trung Lương và các đoàn thể quần chúng đã tổ chức gần 20 cuộc họp, tuyên truyền, giải thích, vận động... nhưng các hộ nói trên vẫn không chịu nhận tiền đền bù và giao trả mặt bằng để thi công.

Cùng với viết đơn khiếu kiện, trong quá trình nhà thầu thi công, các hộ nói trên cố tình chống đối, thách thức, lăng mạ cán bộ phường, Ban quản lý dự án, nhà thầu… Nghiêm trọng hơn, sáng ngày 27-8-2010, trong khi nhà thầu đang thi công thì bị 3 hộ nói trên cho người già, trẻ em, phụ nữ quấn cờ Tổ quốc, bê ảnh Bác Hồ, tay cầm kim nhọn, xông vào cào cấu, chống đối quyết liệt, làm bị thương một số người làm nhiệm vụ bảo vệ.

Làm việc với báo giới, ông Nguyễn Văn Hổ - Chủ tịch UBND thị xã Hồng Lĩnh, bức xúc nói: “Đê La Giang là công trình trọng điểm phòng chống lũ lụt của Hà Tĩnh, là sự sống còn của gần 30 vạn dân, cùng 35 ngàn ha đất canh tác và nhiều công trình của quốc gia, công sở, trường học, xí nghiệp quan trọng khác. Tiến độ thi công đòi hỏi phải hoàn thành trước mùa mưa lũ. Không còn cách nào khác buộc chúng tôi phải có biện pháp hữu hiệu, để bảo đảm an toàn, tiến độ cho việc thi công”.

Sự việc quá rõ ràng, tưởng không có gì phải bàn cãi. Đất đai là tài nguyên của quốc gia, mượn thì phải trả. Biên bản chính quyền giao đất cho ông Hoàn mượn đã ghi rất rõ, có tính ràng buộc chặt chẽ về pháp lý. Quá trình thống kê, áp giá của Hội đồng đền bù TX Hồng Lĩnh đối với các hộ là đúng trình tự, thủ tục quy định cũng như các quyết định hiện hành của Nhà nước.Thế nhưng, chỉ vì đòi hỏi quyền lợi không chính đáng mà các ông Kiều Đình Hoàn, Kiều Đình Sơn, Trần Văn Châu cố tình chống đối, chây ì làm ảnh hướng tới tiến độ bồi trúc một tuyến đê rất trọng yếu khi mùa lũ đã cận kề. Đáng nói là, trong tổng số 120 hộ thuộc diện liên quan tới dự án lần này thì 117 hộ đã tự giác chấp hành. Chỉ còn lại 3 hộ, trong đó có 2 chủ hộ Kiều Đình Hoàn, Kiều Đình Sơn là đảng viên, đến nay vẫn không chịu hợp tác.

Đã sai mà còn kêu oan!

Ông Nguyễn Duy Đăng - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường Trung Lương: “Cấp uỷ, chính quyền địa phương đã làm việc một cách kiên trì, thấu tình đạt lí. Vì thế, hầu hết các hộ đều thống nhất, đồng tình. Với những người cố tình cản trở, chống lại chủ trương chung, đề nghị Nhà nước giải quyết dứt điểm, theo luật định. Riêng với những cán bộ, đảng viên cố tình vi phạm sẽ cho kiểm tra, kết luận, xử lý một cách nghiêm túc theo đúng Điều lệ Đảng và Quyết định 31 của UBND tỉnh”.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast