Đập Khe Đập không phát huy hiệu quả: Lãng phí hàng trăm triệu đồng!

Đập Khe Đập có tổng mức đầu tư trên 847 triệu đồng bằng nguồn vốn 135. Theo thiết kế, khi hoàn thành, công trình sẽ cung cấp nguồn nước tưới cho xấp xỉ 20 ha lúa đông xuân và hè thu thuộc cánh đồng Khe Đập. Vậy nhưng, từ ngày dự án được đưa vào sử dụng đến nay, đồng vẫn khô, lúa vẫn cứ cháy… Và, diện tích ruộng bỏ hoang nơi đây ngày càng tăng thêm bởi không đủ nguồn nước tưới. Hàng trăm triệu đồng tiền đầu tư cho dự án đang đứng trước nguy cơ lãng phí.

Cuối năm 2007, dự án đập Khe Đập được khởi công, mang theo bao niềm vui, của hàng chục hộ dân xóm 3 xã Hương Thọ (Vũ Quang - Hà Tĩnh); bởi mai này, khi dự án hoàn thành, những cánh đồng trên địa bàn sẽ có những mùa vàng bội thu hơn vì chủ động được nguồi nước tưới.

Cao độ đáy cống phần hạ lưu thấp hơn so với hệ thống mương tưới
Cao độ đáy cống phần hạ lưu thấp hơn so với hệ thống mương tưới

Mục tiêu khi lập dự án xây dựng đập Khe Đập là cung cấp nguồn nước tưới cho 20 đến 25 ha đất canh tác.

Sau gần một năm thi công, tháng 8/2008, công trình được hoàn công. Thất vọng thay, khi đưa vào sử dụng người ta mới nhận ra rằng, công trình trị giá gần 850 triệu đồng chỉ có thể cung cấp nước tưới được chừng 1/4 diện tích so với thiết kế ban đầu. Vụ cao nhất tưới được chừng 3 ha. Có vụ chẳng tưới được ha nào.

Có đập kiên cố, có nguồn nước tập trung; thế nhưng, đồng vẫn cứ khô, lúa vẫn cứ cháy và diện tích ruộng bỏ hoang ngày càng nhiều hơn so với trước lúc chưa xây đập.

Chị Nguyễn Thị Hòa – xóm 3, xã Hương Thọ thất vọng: “Tuy đã có đập xây kiên cố song chũng chẳng khác gì so với trước đây vì lượng nước trong đập tuy không đến nỗi cạn kiệt song có bao giờ đủ nưới tưới đâu. Chúng tôi vẫn phải nhẫn nại, tận dụng những nguồn nước ít ỏi cố gắng gieo cấy theo kiểu được mất nhờ trời”.

Lượng nước trong đập không đến nỗi cạn kiệt, song chưa bao giờ đủ tưới
Lượng nước trong đập không đến nỗi cạn kiệt, song chưa bao giờ đủ tưới

Ông Nguyễn Trọng Bình, một nông dân nơi đây tiếp lời: “Nhìn những thửa ruộng bỏ hoang ngày càng nhiều, tiếc mà cấy thế thôi chứ khó ăn lắm. Với những vụ đông xuân thì đang có chút nước để mà cấy, mà gie; nhưng đến thời điểm lúa làm đòng, trổ bông thì không có nước nên lúa mười hạt thì chín hạt lép rồi. Với diễn biến thời tiết như thời gian gần đây, chắc những ruộng lúa nơi cánh đồng khe Đập lại thêm những mùa thất bát".

Ông Bình cho biết thêm: Trước khi chưa xây dựng đập, người dân còn tận dụng nguồn sinh thuỷ để tưới cho nhiều chân ruộng, song đập xây xong diện tích ruộng bỏ hoang ngàymột nhiều hơn.

Công trình có tổng mức đầu tư trên 847 triệu đồng này do Chi nhánh 1 Công ty cổ phần tư vấn xây dựng ACC là đơn vị đảm trách công tác tư vấn thiết kế, Công ty TNHH xây dựng Hà Đức (thành phố Hà Tĩnh) thi công

Theo phản ánh của nhân dân trên địa bàn, nguyên nhân chính dẫn đến dự án thủy lợi Khe Đập không phát huy hiệu quả là do quá trình thiết kế, thi công không hợp lý. Ngoài ra, sự đầu tư thiếu đồng bộ cũng làm nguyên nhân là cho công trình này “đắp chiếu” trong nhiều năm qua.

Cụ thể, cao độ đáy cống phần hạ lưu được thiết kế thấp hơn so với hệ thống mương tưới nên nước không thể chảy vào được. Vậy là thay vì chảy xuôi từ cống xả ra mương tưới, nước lại tràn ngược ra xung quang miệng cống và thân đập.

Để khắc phục tình trạng này, người dân sở tại đã phải tự xây một hố ga để tích nước cho chảy vào hệ thống mương tưới song cũng chẳng ăn nhằm gì.

Một nguyên nhân nữa dẫn đến tình trạng trên là hệ thống kênh mương tưới tiêu chưa được đầu tư đồng bộ. Hệ quả, hệ thống mương đất không đảm bảo nên chỉ tưới, tiêu được một số ít đất canh tác xung quang chân đâp.

Bên cạnh những bất cập về công tác thiết kế, đầu tư thiếu đồng bộ, hiện tại xung quang chân đập Khe Đập cũng đã có hiện tượng nước thẩm thấu từ trong ra ngoài.

Trao đổi với phóng viên về vấn đền này, Ông Nguyễn Văn Hoàn – Chủ tịch UBND xã Hương Thọ cho biết: “Những bất cập trong công tác thiết kế, thi công dự án thủy lợi Khe Đập, chúng tôi đã có kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền huyện Vũ Quang. Qua đó, năm 2009 UBND huyện đã cử đoàn công tác về kiểm tra, song đến nay vẫn chưa thấy các đơn vị liên quan có phương án khắc phục. Còn việc đầu tư hệ thống kênh mương bê tông để khai thác lợi thế của đập, chúng tôi cũng đang bất lực bởi địa phương chưa có kinh phí”

Đến thời điểm này, có thể khẳng định gần 850 triệu đồng được đầu tư cho hệ thông thủy lợi Khe Đập chưa phát huy hiệu quả như mong muốn. Người dân thị trấn xóm 3, xã Hương Thọ không phát huy được lợi thế cánh đồng Khe Đập như nó vốn có, thậm chí cuộc sống của hộ lại thêm phần khốn khó hơi bởi số chân ruộng bỏ hoang ngày càng nhiều.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast