Dấu ấn năm đầu sau chuyển đổi ruộng đất ở Can Lộc

Sau hơn một năm thực hiện thành công chuyển đổi ruộng đất giai đoạn 2 (CĐRĐ lần 2) mở ra cho người nông dân Can Lộc (Hà Tĩnh) một hướng đi mới, tạo cho họ niềm tin, yên tâm gắn bó với ruộng đồng, đổi mới nếp nghĩ, biết tư duy làm giàu trên đồng đất của mình, bằng chính nghề nông của mình. Niềm tin ấy bước đầu được khẳng định bằng những lợi ích kinh tế từ thực tiễn.

Những ông chủ nông dân

Năm 1991, đang học dở cấp 2 thì Phạm Phú Thái, ở xóm Liên Sơn, xã Tùng Lộc (Can Lộc) bỏ học đi tha hương cầu thực. Nỗi lo cơm áo gạo tiền đã đưa đẩy bước chân Thái lưu lạc đến các trung tâm kinh tế lớn ở miền Nam, trở thành một đứa trẻ lang thang, làm đủ mọi nghề để kiếm sống. Từ đánh giày, đến bán hàng rong, rồi ai thuê gì làm nấy, nhưng 10 năm phiêu bạt xứ người cũng không làm cho Thái “đổi đời” nên anh quyết định về quê xây dựng gia đình và kiếm nghề lập thân ngay nơi chôn nhau cắt rốn của mình.

Với 5 sào trang trại lúa-cá-vịt-lợn, hộ anh Mai Khắc Hoa ở Khánh Lộc thu nhập trên 100 triệu đồng/ năm.
Với 5 sào trang trại lúa-cá-vịt-lợn, hộ anh Mai Khắc Hoa ở Khánh Lộc thu nhập trên 100 triệu đồng/ năm.

Lấy vợ, sinh con, quanh năm quăng quật với 5 sào ruộng khoán nhưng cuộc sống của gia đình Thái vẫn hết sức khó khăn. Cuối năm 2001, được xã khuyến khích, tạo điều kiện cho vay vốn để xây dựng mô hình phát triển kinh tế đa cây, đa con, Thái đã mạnh dạn nhận chuyển đổi 5 sào ruộng thâm canh của gia đình lấy 3000m2 đất biền nằm trong vùng bãi bồi sông Nghèn, vốn là đất hoang hoá lâu năm. Đất đã không phụ công người, sau 2 năm thực hiện chuyển đổi, vợ chồng anh đã có một mô hình lúa-cá-vịt, thu lãi mỗi năm trên 30 triệu đồng.

Năm 2008, khi xã thực hiện CĐRĐ giai đoạn 2, Thái đề xuất và được xã chấp nhận cho chuyển đổi 2 suất đất canh tác mở rộng mô hình lên 5000m2. Năm đầu mở rộng sản xuất, với 1/2 diện tích đào ao thả cá, vợ chồng Thái thu lãi hơn 20 triệu đồng, cộng với hơn 25 triệu đồng thu từ đàn vịt đẻ 1000 con và gần 1 tấn lúa. Thái đang tập trung kiên cố hệ thống ao hồ để có thể thả cá 2 vụ và dự định nuôi tôm càng xanh để tăng thu nhập.

Nông dân Tùng Lộc đưa cơ giới hoá vào sản xuất, làm đất gieo trồng vụ Đông-Xuân.
Nông dân Tùng Lộc đưa cơ giới hoá vào sản xuất, làm đất gieo trồng vụ Đông-Xuân.

Theo Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch UBND xã Đặng Thọ Liễu, Tùng Lộc là xã vùng sình lầy, nằm trong tốp 11 xã của huyện thực hiện đợt đầu CĐRĐ giai đoạn 2. Sau lần chuyển đổi này, quỹ đất sản xuất của xã tăng hơn 40ha nhờ bờ vùng, bờ thửa và đất hoang hoá được cải tạo lại; toàn xã phát triển mới 38 mô hình với tổng diện tích 34ha. Sản lượng lúa của Tùng Lộc năm 2009 đạt bình quân 6 tấn/ha, tăng gần 20% so với trước chuyển đổi; giá trị thu nhập từ làm mô hình lúa-cá-vịt trong toàn xã tăng trung bình hàng năm so với làm lúa từ 150-180 triệu đồng.

Cùng với Tùng Lộc, Khánh Lộc cũng là xã về đích sớm trong CĐRĐ lần 2 ở huyện Can Lộc và cũng là điển hình phát triển mô hình trang trại vùng bán sơn địa. Với chủ trương nhân rộng các mô hình kinh tế, sau CĐRĐ lần 2, Khánh Lộc phát triển được hơn 40 mô hình kinh tế tổng hợp diện tích từ 2500-6500m2. Trường hợp hộ nông dân Mai Khắc Hoa ở xóm 2, xã Khánh Lộc là một điển hình. Từ 6 thửa ruộng nhỏ lẻ, anh Hoa nhận chuyển đổi thành 1 thửa có diện tích 5 sào để xây dựng mô hình kinh tế trang trại lúa-cá-vịt-lợn. Hiện anh có 3 sào ao thả cá, mỗi năm thu nhập 1,2 tấn cá, bán được 15 triệu đồng. Anh nuôi 600 vịt đẻ, mỗi đêm thu 450 ngàn đồng tiền trứng. Số tiền này anh đầu tư mua thức ăn nuôi lợn đàn theo kiểu “gom tiền bỏ ống”, mỗi năm thu hoạch 3 lứa lợn, lãi hơn 60 triệu đồng. Ngoài ra, các loại cây ăn quả trồng trên bờ ao mỗi năm cho thu nhập khoảng 15 triệu. Tổng cộng mỗi năm anh Hoa thu về xấp xỉ 100 triệu đồng trên 5 sào đất trang trại, so với độc canh cây lúa, thu nhập tăng gấp 20 lần.

Dấu ấn năm đầu

Chủ tịch UBND huyện Can Lộc Bùi Huy Tam cho biết, hiệu quả rõ nét nhất do CĐRĐ lần 2 mang lại, là các loại quỹ đất được quản lý, sử dụng chặt chẽ và có hiệu quả hơn, giao thông, thuỷ lợi nội đồng được quy hoạch cơ bản. Theo số liệu thống kê, người nông dân canh tác trên đồng đất chuyển đổi giảm được 30% chi phí công sản xuất nhờ các khâu làm đất, chăm sóc lúa được cơ giới hoá, và khi bờ vùng bờ thửa được kiên cố sẽ giảm được tiêu hao thuỷ lợi, tiết kiệm được phân bón. Theo số liệu thống kê, thu nhập trên mỗi héc-ta đất canh tác sau chuyển đổi tăng hơn 10,5 triệu đồng/năm so với trước.

Sau CĐRĐ lần 2, toàn huyện Can Lộc thành lập thêm 702 mô hình trang trại, gia trại tổng hợp, bình quân diện tích 1,17ha/trang trại, giá trị sản xuất bình quân 77 triệu đồng/trang trại, giá trị kinh tế trong sản xuất tăng lên từ 1,5 đến 2 lần trên cùng diện tích canh tác. Với chủ trương hỗ trợ 40% tiền vốn giúp nông dân cơ giới hoá sản xuất, sau CĐRĐ lần 2, toàn huyện Can Lộc mua thêm gần 1000 máy cày các loại, nâng tổng số máy lên gần 1500 chiếc. Việc sắp xếp lại lao động gặp nhiều thuận lợi nhờ từng bước cơ giới hoá các khâu sản xuất.

0,6ha mô hình lúa-cá-vịt-lợn của anh Nguyễn Văn Khánh ở xã Gia Hanh, thu nhập trên 120 triệu đồng/năm.
0,6ha mô hình lúa-cá-vịt-lợn của anh Nguyễn Văn Khánh ở xã Gia Hanh, thu nhập trên 120 triệu đồng/năm.

Hướng tiếp theo trong thực hiện mục tiêu CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn của Can Lộc là thực hiện thành công đề án phát triển kinh tế trang trại, phấn đấu đến cuối năm 2010 đạt 1.000 trang trại có giá trị sản xuất từ 100-120 triệu đồng và năm 2015 có 1.500 trang trại đạt giá trị sản xuất từ 150-200 triệu đồng/trang trại/năm. Cùng với đó, huyện đang xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư với nhiều dự án tiền khả thi xây dựng các cơ sở chế biến, giải quyết đầu ra cho sản xuất nông nghiệp. Những kết quả ấn tượng sau một năm thực hiện thành công CĐRĐ giai đoạn 2 giúp người dân Can Lộc càng vững tin vào hướng đi, gắn bó hơn với đồng đất quê hương, sẽ là động lực quan trọng giúp Can Lộc sớm đạt đích đề ra.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast