Để bảo hiểm nông nghiệp thực sự là chỗ dựa của người dân trong sản xuất

Theo Quyết định 315/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Hà Tĩnh là một trong 7 tỉnh thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) cho cây lúa. Đây là chủ trương đúng đắn được nông dân kỳ vọng bấy lâu, nhằm giúp bà con tỉnh ta khắc phục những hậu quả do thiên tai, dịch bệnh gây ra. Có thể nói, BHNN là chỗ dựa vững vàng để người sản xuất khỏi trắng tay trước những rủi ro…

Chỗ dựa của người dân trong sản xuất

Một thực tế tồn tại ở nước ta đó là mặc dù có đến hơn 70% sản phẩm được làm từ nông nghiệp nhưng số được tham gia BHNN lại không nhiều. Trước nay, bà con nông dân vẫn quen kiểu sản xuất tự làm, tự tiêu thụ, tự chịu trách nhiệm với sản phẩm của mình. Và đó là lý do khiến không ít người rơi vào cảnh khốn cùng, trắng tay khi thiên tai, dịch bệnh ập xuống.

Tham gia BHNN giúp bà con nông dân đầu tư KHKT trong sản xuất nông nghiệp...
Tham gia BHNN giúp bà con nông dân đầu tư KHKT trong sản xuất nông nghiệp...

Hà Tĩnh không nằm ngoài ngoại lệ đó. Hằng năm, tỉnh ta là một trong những tỉnh miền Trung phải hứng chịu nhiều biến cố của thiên tai, theo đó sự thất bát mùa màng cũng đeo bám người nông dân từ đời này sang đời khác. Trước vụ sản xuất mới, nhiều người rơi vào hoàn cảnh thiếu lương thực, thiếu nguồn giống để tái sản xuất…

Với mục tiêu chia sẻ rủi ro với người nông dân trong sản xuất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 315/QĐ-TTg về thí điểm bảo hiểm nông nghiệp giai đoạn 2011-2013 tại 21 tỉnh, thành phố trong cả nước. Trong đó, cùng với 6 tỉnh bạn, Hà Tĩnh được chọn làm nơi thí điểm BHNN với cây lúa. Trong giai đoạn này, 3 huyện với 3 đặc trưng sản xuất lúa của tỉnh là Cẩm Xuyên, Hương Khê và Đức Thọ được chọn để thực hiện thí điểm.

Việc thực hiện BHNN dựa trên nguyên tắc tự nguyện không chỉ hỗ trợ người sản xuất nông nghiệp chủ động khắc phục và bù đắp thiệt hại tài chính do thiên tai, dịch bệnh gây ra mà còn góp phần bảo đảm ổn định an sinh xã hội nông thôn, thúc đẩy sản xuất nông nghiệp. Điều quan trọng hơn, thực hiện BHNN đối với người nông dân chính là sự manh nha khởi đầu cho một nền sản xuất hiện đại và bền vững.

Ông Nguyễn Đình Đạt - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó BCĐ thực hiện thí điểm BHNN Hà Tĩnh cho biết: “Hầu như năm nào, Hà Tĩnh cũng được tiếp nhận nguồn hỗ trợ do Trung ương và tỉnh cấp phát nhằm bù đắp thiệt hại sau thiên tai, dịch bệnh cho bà con nông dân. Tuy nhiên, những chính sách này vẫn chỉ mang tính tức thời, ý nghĩa dân sinh là chủ yếu mà thiếu tính bền vững, ổn định. Không chỉ chia sẻ rủi ro, BHNN cho cây lúa được thực hiện trên địa bàn Hà Tĩnh là cơ hội để bà con nông dân tiếp cận với môi trường sản xuất chuyên nghiệp, hiện đại. Đồng thời, hướng dẫn, thúc đẩy họ sản xuất theo quy trình để qua đó ứng dụng tiến bộ KHKT, đạt năng suất, chất lượng cao hơn, sạch hơn, có thể dễ dàng đứng vững trên thị trường, tăng lợi ích cho chính những người sản xuất”.

Cũng theo ông Đạt, ngay sau khi có chủ trương, tỉnh đã có quyết định thành lập BCĐ, trong đó lấy thành phần chủ chốt của huyện làm cốt lõi, nhằm nâng cao trách nhiệm tại địa phương và tạo sức lan tỏa xuống tận hộ sản xuất. Theo đó, 3 huyện được chọn làm điểm đã thành lập tổ giúp việc và BCĐ tại các xã, vừa khâu nối chỉ đạo phong trào, vừa giám sát việc thực hiện của cơ sở. Đồng thời, các địa phương đã có chiến lược tuyên truyền sâu sát cho người dân về kiến thức, trách nhiệm cũng như những lợi ích mà bảo hiểm đưa lại.

BHNN không phải là một loại hình bảo hiểm mới, tuy nhiên để nó phát huy hết hiệu quả vốn có và quan trọng hơn là tạo sức lan tỏa sau thí điểm lại là một chuyện không hề đơn giản. Bài học đắt giá còn chưa xa, Tổng công ty Bảo Việt phải nhận thất bại nặng nề khi đầu tư vào BHNN. Nói thẳng ra, một phần doanh nghiệp bảo hiểm chưa đủ mạnh để cáng đáng hết trách nhiệm, hành lang pháp lý còn hạn chế, phần khác vì người dân mình chưa chú trọng lắm đến vấn đề bảo hiểm, nhất là BHNN. Trong khi sản xuất nông nghiệp lại quá nhiều rủi ro, hiệu quả thấp, manh mún thì chuyện thu không đủ chi trong quá trình bảo hiểm là điều dễ hiểu. Doanh nghiệp thua lỗ, người sản xuất không được bảo trợ thỏa đáng là lý do khiến cả hai không còn mặn mà với loại hình bảo hiểm này.

Với mục tiêu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, lần thí điểm này Chính phủ đã khá mạnh tay để “nâng đỡ” doanh nghiệp bảo hiểm. Theo quyết định, nhà nước hỗ trợ 100% phí bảo hiểm cho nông dân, cá nhân nghèo sản xuất nông nghiệp tham gia thí điểm BHNN; hộ cận nghèo được hỗ trợ 80% phí; hộ không thuộc diện nghèo, cận nghèo được hỗ trợ 60% và tổ chức sản xuất nông nghiệp được hỗ trợ 20%. Tất cả các đối tượng tham gia đều được hỗ trợ nên khả năng thành công khá cao. Bảo Việt và Bảo Minh là hai công ty bảo hiểm sẽ có trách nhiệm triển khai loại hình bảo hiểm này, trong đó Công ty CP Bảo Minh là đơn vị đứng đầu tại Hà Tĩnh.

Ông Bùi Quốc Khánh - Giám đốc Công ty Bảo Minh Hà Tĩnh (thuộc Tổng Công ty CP Bảo Minh) cho biết: “Mặc dù là đơn vị kinh doanh nhưng chúng tôi xác định đây là nhiệm vụ chính trị của doanh nghiệp, không mang tính lợi nhuận, góp một phần nhỏ chia sẻ rủi ro trong sản xuất với bà con nông dân và các tổ chức sản xuất trên địa bàn tỉnh, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất để bà con yên tâm đầu tư sản xuất”. Ngay sau khi có chủ trương, công ty đã chủ động liên hệ với các địa phương điều tra số liệu của các vụ mùa gần nhất để có kế hoạch thiết kế sản phẩm BHNN sao cho gần với người nông dân nhất, phục vụ tốt nhất cho bà con.

BHNN khởi động chính là chỗ dựa vững chắc cho nông dân, tạo ra sự bứt phá khỏi nền sản xuất nhỏ, manh mún như hiện tại. Tuy nhiên, bước khởi động để triển khai chủ trương này còn không ít khó khăn, trăn trở…

Cần một nền móng vững chãi

Trước khi Bộ Tài chính có quy tắc biểu phí cho người tham gia BHNN, mỗi địa phương và cả doanh nghiệp đều đã có hoạch định chiến lược phát triển cho mình. Dẫu vậy, BHNN vẫn đang là một khái niệm khá xa vời với đại đa số nông dân tỉnh ta. Để loại hình bảo hiểm mới mẻ này được hoạt động một cách hiệu quả, tạo sự đồng lòng cao lại phải phụ thuộc vào nhiều yếu tố…

... và giảm bớt thiệt hại khi gặp rủi ro trong sản xuất
... và giảm bớt thiệt hại khi gặp rủi ro trong sản xuất

Trước kia, cách tiếp cận của người dân đối với mỗi loại hình bảo hiểm, kể cả BHNN là mối quan hệ trực tiếp giữa người tham gia bảo hiểm và công ty bảo hiểm (doanh nghiệp). Với quyết định 315, vai trò của nhà nước được ấn định rõ, Chính phủ là “người đỡ đầu” và các bộ ngành liên quan chủ động tham gia hỗ trợ cho doanh nghiệp bảo hiểm.

Từ cơ chế chính sách đến cách tiếp cận được nới rộng cho cả doanh nghiệp và người sản xuất tham gia bảo hiểm, BHNN trở thành công cụ cho bà con nông dân quản lý rủi ro và tìm nguồn tài chính để bù đắp sau thiệt hại. Theo đó, bộ máy hoạt động được xâu chuỗi từ tỉnh đến xã, trong đó BCĐ xã là nòng cốt, vừa là đầu mối liên hệ với DN, vừa là người giám sát của nhà nước. Thuận lợi là thế, nhưng cái sự “bó cái khôn” lại nằm ở chỗ, ngay cả đội ngũ cán bộ các cấp, đặc biệt là cấp xã cũng chưa có kiến thức một cách thấu đáo đối với BHNN. Bởi thế, đến thời điểm này các địa phương được chọn thí điểm vẫn đang loay hoay trong việc triển khai và có vẻ như dự kiến thực hiện bảo hiểm cây lúa cho vụ đông xuân tới là điều rất khó!

Ông Trần Hữu Duyệt, Phó chủ tịch UBND huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Đến nay quy tắc biểu phí dành cho người tham gia bảo hiểm vẫn chưa được ban hành nên rất khó để thuyết phục người dân chủ động tiếp cận. Trong khi đó, lực lượng giúp việc tại cơ sở thiếu và yếu nên còn lúng túng trong việc chuẩn bị cũng như phối hợp với các ngành và doanh nghiệp”. Thực tế cho thấy, ngay cả người trực tiếp hưởng lợi từ chính sách là hộ sản xuất thì vẫn chưa mấy mặn mà lắm với loại hình mới mẻ này.

Anh Nguyễn Văn Thông, thôn Tân An, Cẩm Bình (Cẩm Xuyên) cho biết: “Trước nay chúng tôi có đóng phí bảo hiểm y tế, bảo hiểm xe máy nhưng bảo hiểm cây lúa thì chỉ mới nghe qua. Tôi làm 1 mẫu ruộng chỉ đủ để phục vụ cho gia đình là chính, nguồn vốn hạn hẹp, nếu phải đầu tư thêm để đúng chuẩn thì phải vay vốn sản xuất”.

Về phía công ty Bảo Minh, đơn vị chịu trách nhiệm đứng đầu bảo hiểm cho cây lúa tại Hà Tĩnh cũng khẳng định: Theo quy trình, chính quyền sở tại sẽ đứng ra trực tiếp điều tra các chỉ số liên quan đến sản xuất lúa, đồng thời là người khâu nối giữa Bảo Minh và hộ sản xuất. Sẽ không thể khả thi nếu doanh nghiệp phải đứng đơn thân hoạt động, tuy nhiên đến thời điểm này các địa phương vẫn chưa giới thiệu cho doanh nghiệp cán bộ giám sát tại địa phương.

Chưa hết, xét về phạm vi thì cây lúa là một đối tượng bảo hiểm khá trừu tượng, việc định lượng về mức độ thiệt hại khó để lấy được “ranh giới chuẩn” dù đã được “gói gọn” ở những rủi ro mang tính thảm họa và mang tính chất hỗ trợ. Trên địa bàn tỉnh ta, lúa vẫn là cây trồng chủ đạo, dẫu vậy, truyền thống bao đời nay vẫn chỉ ở quy mô nhỏ lẻ, manh mún mà thôi. Liệu người nông dân có đáp ứng nổi các yêu cầu về chuẩn mực trong canh tác không? Trong khi mỗi hộ dân chỉ làm vài ba công đất thì khối lượng công việc từ điều tra số liệu đến thẩm định mức độ thiệt hại là quá lớn. Làm thế nào để người dân tuân thủ quy trình sản xuất là một bài toán không hề dễ cho các địa phương tham gia thí điểm.

Khi đề cập đến vấn đề BHNN, một số người chia sẻ với chúng tôi: “Như chiếc cung đã giương, thí điểm bảo hiểm cây lúa khó đến mấy cũng phải làm”. Không ai có thể phủ nhận được những lợi ích mà BHNN đưa lại. Không chỉ đóng vai trò “tiếp sức” cho bà con nông dân tỉnh ta trong sản xuất, đây còn là biện pháp hữu hiệu nhất để chuyển nền sản xuất nông nghiệp vốn manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất hàng hóa lớn, tăng giá trị trên đơn vị diện tích. Thuận lợi trước mắt là việc thành công của công tác chuyển đổi ruộng đất trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã góp phần liền đồng liền cánh diện tích sản xuất. Vấn đề bây giờ là sự vào cuộc quyết liệt từ các cấp, các ngành và doanh nghiệp bảo hiểm, nhằm đưa bảo hiểm cây lúa đến gần với người dân nhất (đối tượng quyết định sự thành công của BHNN).

Ông Nguyễn Đình Đạt, Phó Giám đốc sở NN&PTNT, Phó BCĐ BHNN tỉnh cho biết: “Tỉnh xác định muốn bảo hiểm cây lúa thành công thì phải đẩy mạnh tuyên truyền trên mọi kênh thông tin. Trước hết, cần đào tạo kiến thức cho đội ngũ chủ chốt tại xã, thôn, cán bộ phong trào càng mạnh thì chủ trương chính sách của nhà nước càng được tiếp cận sâu vào người dân. Phải làm sao để người dân hiểu hết được trách nhiệm và quyền của mình khi tham gia bảo hiểm. Đối với ngành chuyên môn, chúng tôi sẽ nghiên cứu phương án hợp lý nhất, tạo điều kiện bà con có cơ hội tổ chức lại sản xuất, từ đó tiếp cận dễ dàng những chính sách ưu đãi.

Hẳn chúng ta vẫn không thể quên được nỗi mất mát mà cơn lũ tháng 10/2010 đưa lại và hàng trăm cơn bão, lũ hàng năm vẫn cướp đi miếng cơm manh áo của nông dân. Có BHNN, người dân sẽ có điểm tựa vững chắc để giảm bớt gắnh nặng sau thiệt hại, tiếp tục đầu mạnh mẽ vào nông nghiệp, góp phần xây dựng NTM.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast